Chuyện về những 'chuyên gia phản chiến'

Là những nhà hoạt động hòa bình Mỹ, không ít người đã gọi họ là những 'kẻ phản bội', 'kẻ nổi loạn'... Thế nhưng, họ vẫn đi theo lẽ phải và tiếng gọi của trái tim, tự hào khi được coi là 'chuyên gia phản chiến'...

Các nhà hoạt động hòa bình: Frank Joyce và người bạn đời Mary Anne Barnet, Judy Gumbo, Alexander Hing và Karin Aguilar-San Juan (từ trái qua) nhận Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc của Việt Nam vào tháng 7/2019. (Ảnh: A.B)

Dành trọn nhiệt huyết cho phong trào phản chiến, Frank Joyce, Judy Gumbo và Alexander Hing đều đã đến Việt Nam khi chiến tranh ác liệt nhất để bày tỏ tình đoàn kết của nhân dân tiến bộ Mỹ với nhân dân Việt Nam. Ba người cũng là thành viên của nhóm “Hà Nội 9” – những vị khách đặc biệt đã đến thăm Hà Nội năm 2013 và được mời tham gia sự kiện kỷ niệm 40 năm Lễ ký Hiệp định Paris với tư cách là những đại diện tiêu biểu của phong trào phản chiến tại Mỹ.

Với chuyến thăm mới đây và cho ra mắt cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình” bằng tiếng Việt, họ lại tiếp tục hành trình gắn bó với Việt Nam. Khi nhìn lại cơ duyên bền bỉ ấy, mỗi người đều coi cuộc gặp gỡ với đất nước và con người Việt Nam như một thời khắc quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin đáng nhớ trong cuộc đời.

Chỉ là một cái chớp mắt...

Frank Joyce là cá nhân tích cực trong Phong trào Sinh viên Miền Bắc (NSM) vào những năm 1960 và sau đó giúp thành lập tổ chức Nhân dân Chống Phân biệt Chủng tộc (PAR) - một tổ chức tiên phong trong đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc... Ông cũng là người tham gia Hiệp định Hòa bình Nhân dân - Hiệp định do đại diện các hội sinh viên của Mỹ và Việt Nam xây dựng vào tháng 12/1970 nhằm nỗ lực chung kết thúc chiến tranh Việt Nam. Với hiểu biết sâu rộng về Việt Nam qua các thời kỳ, ông tích cực tuyên truyền với nhân dân Mỹ về hậu quả chiến tranh và thường xuyên có các buổi nói chuyện về đề tài chống chiến tranh với học sinh, sinh viên, các cơ quan, tổ chức tại Mỹ.

Frank Joyce tâm sự rằng, những chuyến thăm Việt Nam ngày càng khẳng định sự kính trọng và tình cảm yêu mến đặc biệt của ông đối với con người, văn hóa và vẻ đẹp của đất nước này. Ông cho biết: “Nhiều người đến Việt Nam hôm nay dù với tư cách là cựu chiến binh, cựu binh hòa bình hay khách du lịch đều ấn tượng với sự cởi mở của người dân, không biểu lộ sự thù ghét và oán giận đối với người Mỹ. Hầu như ai cũng kể là được nghe ít nhất một người Việt Nam nói rằng cuộc xâm lược của Mỹ chỉ là cái chớp mắt so với đằng đẵng hàng thế kỷ đấu tranh chống xâm lược trước đây”.

Với Frank Joyce, sự gắn bó với Việt Nam đã vượt trên tình bạn, trở thành tình thân gia đình. Thông qua những hoạt động của mình, ông muốn truyền đi thông điệp Việt Nam là đất nước cuốn hút, tràn đầy năng lượng, hạnh phúc và con người nơi đây đang được sống trong hòa bình, tập trung vào phát triển văn hóa, giáo dục, kinh tế. Tuy nhiên, điều mà ông còn rất trăn trở là Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với cuộc chiến hậu chiến dai dẳng như chất độc da cam, bom mìn… Đó là lý do mà thông điệp về hòa giải và hòa bình theo ông vẫn còn giá trị cho tới tận hôm nay.

Judy Gumbo (người mang trống) ở cuộc tuần hành phản chiến của phụ nữ tại Miami 1972. (Ảnh: Judy Gumbo)

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

Judy Gumbo đã cùng chồng Stew Albert tham gia sáng lập “Đảng Thanh niên quốc tế” (Yippies) - tổ chức chống chiến tranh cuối những năm 1960. Đầu năm 1970, bà tiếp xúc với đại diện của Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ (nay là Hội Việt-Mỹ) tại Montreal, Canada. Tháng 5/1970, bà tham gia phái đoàn của khoảng 10 phụ nữ Mỹ trong phong trào hòa bình, phản chiến vào thăm miền Bắc Việt Nam, gặp gỡ phi công tù binh ở Hỏa Lò và trở về Mỹ mang theo những lá thư của họ gửi cho gia đình. Tháng 8/1970, bà gặp gỡ các đại biểu Việt Nam trong chuyến thăm Cuba để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.

Sau khi thăm Việt Nam và Cuba trở về, Judy Gumbo đi khắp nước Mỹ khởi xướng phong trào chống chiến tranh và giải phóng phụ nữ. Bà đã tham gia tổ chức Tuần hành của Phụ nữ Toàn quốc chống Lầu Năm Góc vào ngày 10/4/1971 và các cuộc biểu tình chống chiến tranh vào tháng 5/1971, dẫn đến các cuộc bắt giữ hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người phụ nữ ấy cũng tổ chức các cuộc diễu hành chống chiến tranh và đòi quyền cho phụ nữ tại các hội nghị của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ năm 1972.

Tháng 1/2013, Judy Gumbo quay lại Việt Nam với tư cách thành viên đoàn nhà hoạt động hòa bình, cánh tả Mỹ dự một số hoạt động kỷ niệm 40 năm Ký kết Hiệp định Paris. Tháng 9/2018, bà đã gặp đoàn của Hội Việt-Mỹ khi ở thăm Washington và trao đổi về việc củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai bên.

Judy Gumbo khiêm tốn nói rằng bà chỉ là một trong số hàng triệu người trên khắp thế giới phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng chỉ là một trong khoảng 200 người Mỹ đến thăm Việt Nam khi cuộc chiến khốc liệt diễn ra. Thế nhưng, chuyến đi năm 1970 đã làm thay đổi cuộc đời của bà và lần trở lại năm 2013 là để khẳng định cuộc sống của mình. Khi xa Việt Nam năm 2013, bà có cảm giác như đang nói lời tạm biệt với người bạn mà chưa có đủ thời gian để chia sẻ 40 năm xen lẫn đau thương và thắng lợi. Đó chính là lý do cho sự trở lại của bà hôm nay.

Đi xe đạp là nhớ Việt Nam

Năm 1970, chàng trai theo chủ nghĩa dân tộc cách mạng 24 tuổi Alexander Hing đã cùng Đoàn đại biểu nhân dân Mỹ chống đế quốc thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để bày tỏ tình đoàn kết của nhân dân Mỹ với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Tại đây, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, đoàn được mời vào thăm Việt Nam trong ba tuần dự Lễ kỷ niệm 25 năm Quốc khánh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khoảng thời gian ấy đã giúp Alexander Hing hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam và cảm nhận rõ rệt rằng người Việt Nam thật khiêm tốn, tháo vát, dũng cảm và tốt bụng. Ông nhớ mãi chuyến đi về một miền quê khi trận lũ trên sông ập đến bất ngờ buộc phải ở lại qua đêm trong một ngôi trường. Khi ấy, chủ nhà mang cho ông chăn, ga, gối rồi mở chạn và chuẩn bị bữa ăn đơn giản có cơm và rau cho ông, trong khi họ không ăn gì cả.

Hiện tại, Alexander Hing vẫn hoạt động vì tiếng nói của những người nhập cư, phụ nữ, người da màu, người đồng tính và công nhân lao động. Ông là người sáng lập Liên minh Lao động Mỹ châu Á Thái Bình Dương (APALA) và Ủy viên quản trị của công đoàn địa phương New York – một bộ phận của Hội đồng Thương mại Khách sạn New York. Bên cạnh là một võ sư, ông cũng là một phó bếp và luôn thấy vinh dự vì được làm cùng nghề với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã từng là thợ làm bánh tại Boston và sau đó tham gia công đoàn của ông vào những năm đầu thế kỷ XX.

“Trong cuộc sống bất cứ khi nào phải đối diện với khó khăn, tôi lại nhìn vào cách người Việt Nam đã hành động trong các cuộc đấu tranh giành tự do. Nhiều thập kỷ qua, tôi vẫn đi xe đạp như là phương tiện giao thông chính của mình. Hễ khi nào phải mang bịch hàng lớn và gặp thời tiết xấu, tôi lại nghĩ làm thế nào mà người Việt Nam có thể sử dụng xe đạp để vận chuyển hàng hóa lên các ngọn đồi bao quanh Điện Biên Phủ? Từ tấm gương của người Việt, tôi tin rằng bất cứ trở ngại nào cũng có thể vượt qua nhờ nỗ lực kiên trì. Bởi vậy, tôi tiếp tục học hỏi từ Việt Nam và tinh thần của người Việt Nam luôn khơi dậy cảm hứng cho tôi”, Alexander Hing chia sẻ.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-ve-nhung-chuyen-gia-phan-chien-100215.html