Chuyện về những dân quân
'4 năm được rèn luyện trong lực lượng dân quân, tôi thấy mình trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội, thấy rõ trách nhiệm của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tôi đã mạnh dạn phát triển kinh tế, xây dựng được mô hình kinh tế VAC cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tháng 5-2019, tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng' - chiến sỹ dân quân Vũ Đức Anh, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phấn khởi nói. Anh là một trong số 3.887 đảng viên trong lực lượng dân quân của tỉnh, lực lượng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.
Phát triển Đảng là then chốt
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân đạt và giữ vững 28%.
Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Dân quân tự vệ, Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh, lực lượng dân quân được xây dựng với phương châm “vững mạnh, rộng khắp, coi trọng chất lượng là chính”. Toàn tỉnh hiện có 141 cơ sở dân quân thuộc 141 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ được lãnh đạo thôn, bản, tổ dân phố họp xét, tuyển chọn đưa vào đội ngũ dân quân nòng cốt những công dân có lý lịch rõ ràng, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, có sức khỏe tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc tạo nguồn phát triển đảng trong lực lượng. So với tự vệ, kết nạp Đảng trong dân quân khó khăn hơn rất nhiều. Độ tuổi dân quân chủ yếu trong độ tuổi lao động, lại là trụ cột trong phát triển kinh tế, là lực lượng thường xuyên biến động do đi làm ăn xa. Song, bằng sự quyết liệt, nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở, hiện nay tổng số đảng viên trong dân quân có 3.887 đảng viên, đạt tỷ lệ 28,4%.
Thôn đội trưởng thôn Soi Hà, Ban CHQS xã Xuân Vân (Yên Sơn) Bế Văn Nhuận (bên phải) trồng 200 gốc bưởi, cho thu nhập ổn định.
Hàng năm, Ban CHQS các huyện, thành phố tham mưu cho các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch lãnh đạo công tác phát triển Đảng; giao chỉ tiêu phát triển đảng viên mới cho đảng bộ các xã, phường, thị trấn, trong đó có riêng chỉ tiêu kết nạp Đảng trong dân quân. Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo rà soát, củng cố các đơn vị dân quân, đẩy mạnh các phong trào thi đua tại địa phương gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Nguồn kết nạp dân quân và nguồn giới thiệu cho Đảng chủ yếu từ tổ chức Đoàn thanh niên. Do vậy, Ban CHQS, Đoàn Thanh niên cấp xã đã thường xuyên phối hợp trong tổ chức các hoạt động từ dưới cơ sở gắn với việc phát hiện, lựa chọn các quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân; giáo dục bồi dưỡng chính trị tư tưởng để quần chúng có động cơ phấn đấu vào Đảng.
Thực hiện và coi trọng khâu đột phá về huấn luyện, cơ quan quân sự các cấp đã tổ chức huấn luyện toàn diện cho lực lượng dân quân với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với công tác dân vận. Trong đó, chú trọng huấn luyện lực lượng dân quân nòng cốt, gắn huấn luyện với hội thi, hội thao, diễn tập chiến đấu trị an, diễn tập phòng thủ, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Thông qua công tác huấn luyện, chất lượng dân quân ngày một nâng lên, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tạo nguồn cho Đảng.
Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước
Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng, đội ngũ đảng viên trong lực lượng dân quân toàn tỉnh đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sỹ dân quân đã hoàn thành nghĩa vụ dân quân lần 1 song tự nguyện tham gia lần 2, lần 3. Chất lượng huấn luyện quân sự, chất lượng công tác dân vận trong lực lượng được nâng lên. Lực lượng dân quân đã ra sức đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đô thị văn minh.
Gần dân, sát dân, sẵn sàng giúp đỡ khi nhân dân cần được coi như mệnh lệnh của những người lính dân quân. Trong điều kiện lực lượng thường xuyên phân tán, biến động, việc huy động dân quân tham gia thực hiện các nhiệm vụ không dễ dàng thì sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên dân quân luôn là luồng sinh khí của cả lực lượng. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, lực lượng dân quân đã cùng với các lực lượng khác phát hiện, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ông Lương Trung Loan, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, những ngày tháng 5 nắng nóng như đổ lửa, nhận được chỉ đạo của cấp trên về dập dịch, ngay lập tức, Ban CHQS xã đã huy động lực lượng dân quân phối hợp với các lực lượng khác tiêu hủy lợn dịch. Ban CHQS xã đã huy động trên 200 lượt dân quân giúp nhân dân địa phương tiêu hủy hàng chục tấn lợn; có đồng chí được huy động 4 - 5 lần nhưng vẫn nhiệt tình, không biết mệt mỏi.
Dân quân là lực lượng không thoát ly khỏi lao động, sản xuất nên tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương. Phong trào thi đua phát triển kinh tế trong dân quân lan tỏa nhờ những đảng viên là dân quân đã gương mẫu, tiên phong, mạnh dạn làm kinh tế và vượt nghèo, làm giàu chính đáng.
“Khi cầm súng huấn luyện hay chiến đấu mình là lính, cầm cuốc ra ruộng mình là nông dân, cầm cái bào thì mình lại thành thợ mộc. Mình là cán bộ dân quân, là đảng viên, mình phải gương mẫu, cố gắng vươn lên làm kinh tế!” - Anh Bế Văn Nhuận, dân tộc Tày, Thôn đội trưởng thôn Soi Hà, Ban CHQS xã Xuân Vân (Yên Sơn) cười vang trong ngôi nhà sàn bê tông đang dần hoàn thiện. Anh ước tính, ngôi nhà sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2020, trị giá khoảng hơn 800 triệu đồng. Trong đó anh chỉ phải vay mượn thêm 100 triệu đồng, còn lại là anh tích lũy được. Đi lên từ nghèo khó, những năm qua, gia đình anh tập trung trồng 200 gốc bưởi, 3 ha rừng. Anh làm nghề mộc, duy trì ruộng để lấy ngắn nuôi dài, dần dần mở rộng mô hình kinh tế. Hiện nay, hàng năm sau khi trừ chi phí, anh thu được 150 triệu đồng.
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau là động lực để 2 “đầu tàu” của LLVT xã Kim Bình (Chiêm Hóa) vươn lên làm kinh tế, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Chỉ huy phó Ban CHQS xã Mã Văn Cao nhẩm tính, hàng năm trừ chi phí, gia đình thu được gần 200 triệu đồng từ mô hình trồng gấc, nuôi ốc nhồi, nuôi ếch, trồng rừng... Còn Chỉ huy trưởng Bàn Văn Sỹ ước tính, mỗi năm thu nhập của gia đình anh đạt gần 300 triệu đồng từ cây chuối, nuôi lợn, chăn nuôi thủy sản, cây ăn quả, trồng rừng. “Ở xã tôi, nhiều lính dân quân làm kinh tế giỏi lắm nhé! Nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ chiến sỹ dân quân không ỷ lại vào Nhà nước, tự nguyện xin thoát nghèo!” - Chỉ huy trưởng Bàn Văn Sỹ vui vẻ nói. Từ năm 2015 đến nay, xã có 5 hộ dân quân thoát nghèo, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo là dân quân trong số 83 hộ nghèo của xã. Đa số các hộ dân quân, dự bị động viên trong xã đều có mức sống từ trung bình, khá trở lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ thù nào dù hung bạo đến đâu hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã”. Dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Quân đội các cấp, lực lượng dân quân tiếp tục được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân ở cơ sở, góp phần xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh.