Chuyện về những 'dũng sĩ' trên đỉnh đèo Lò Xo
Bất kể ngày hay đêm, dù mưa to gió lớn, trên cung đèo 'tử thần' dài khoảng 37km luôn in hằn dấu chân và hình bóng những thành viên của 'Đội SOS đèo Lò Xo' tham gia cứu nạn, cứu hộ hàng trăm chuyến xe không may gặp tai nạn.
Lao xuống vực cứu người
Đèo Lò Xo được mệnh danh là cung đèo “tử thần” với những khúc cua tay áo, một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, mây mù che phủ. Cung đèo Lò Xo trải dài 37km từ xã Đăk Man, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đến Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).
Với địa hình vô cùng hiểm trở, sương mù phủ kín quanh năm là nỗi ám ảnh của cánh tài xế mỗi khi lưu thông qua đèo Lò Xo. Đã có không ít chuyến xe gặp tai nạn thương tâm, nhiều nạn nhân đã phải “nằm lại” trên đỉnh đèo…
Chúng tôi ghé vào một cửa hàng sửa chữa ô tô nằm lưng chừng chân đèo Lò Xo khi thấy nhiều tài xế qua đây đều bấm kèn xe thành tràng dài như điệu nhạc, hoặc vẫy tay chào.
Vào tiệm chúng tôi gặp chủ nhân là anh Nguyễn Vỹ Ly (35 tuổi, trú tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Anh Ly là một người bản địa, từ bé đã sống ở chân đèo Lò Xo. Cũng bởi thế mà anh biết rõ sự nguy hiểm của con đèo dài 37km này. Cũng vì chứng kiến vô số vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều nạn nhân đã phải “nằm lại” trên đỉnh đèo Lò Xo lạnh lẽo mà anh đã nguyện cứu người gặp nạn mà không nề hà.
Một hôm, khoảng 10 giờ sáng, anh nhận được thông tin trên đỉnh đèo Lò Xo xảy ra một vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng. Đến nơi trước mắt anh, dưới vực sâu 70m, một khung cảnh hoang tàn, chết chóc khiến anh lạnh toát người. Lấy lại bình tĩnh, anh cùng người dân, lực lượng chức năng và đội ngũ y tế xuống tiếp cận chiếc xe gặp nạn, lấy võng khiêng các nạn nhân từ dưới vực sâu lên đường cấp cứu. Chuyến xe định mệnh hôm đó đã khiến 29 người mãi mãi nằm lại trên đỉnh đèo Lò Xo…
Trải qua sự việc như thế, anh Ly và nhiều người dân sống ở quanh đèo Lò Xo đã lập đội “SOS đèo Lò Xo” với tâm niệm có mặt nhanh nhất để hỗ trợ những người đi qua đây gặp nạn.
Người dân xung quanh cho biết tiếng kèn xe thu hút chúng tôi ban nãy như là một lời chào của cánh tài xế đối với đội cứu hộ của Ly.
Có khi huy động được cả đội, nhưng có khi vì gấp nên có những thành viên đã “đơn thương độc mã” trong hành trình cứu người đầy gian nan hiểm nguy nơi đồi núi hoang vu.
Trong số các thành viên của Đội SOS đèo Lò Xo, anh Đinh Văn Hoàng (36 tuổi, trú tại thôn Măng Khênh, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) được anh em trong đội mệnh danh là người có “trái tim thép”. Trái tim thép không phải anh lạnh lùng sắt đá mà vì anh dám lao xuống vực trong đêm tối cứu người trên đỉnh đèo.
Anh Hoàng quê ở bắc miền Trung, vào Tây Nguyên lập nghiệp với công việc sửa xe máy trên đỉnh đèo Lò Xo.
Đêm đó. 3 giờ sáng. Hoàng đang ngủ thì nghe tiếng kêu cứu. Biết phía “dốc 29 Cụ” xảy ra tai nạn, Hoàng vớ lấy chiếc đèn pin lao vào màn đêm đặc quánh phủ đầy sương mù. Tới hiện trường, trong ánh đèn pin lúc tỏ lúc mờ anh kinh hãi nhận ra chiếc xe khách đã nằm dưới vực sâu khoảng 80m.
Giữa núi rừng u ám, lạnh lẽo vọng lên những tiếng người la hét cầu cứu, tiếng khóc thét thất thanh khiến ai cũng phải rùng mình. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, anh Hoàng cùng mọi người dùng một sợi dây dù cột vào lan can rồi nắm chặt sợi dây để tiếp cận nơi chiếc xe khách đang nằm dưới vực sâu đen kịt. Khi tiếp cận được chiếc xe khách, anh Hoàng cố gắng tìm kiếm những nạn nhân còn sống rồi cõng trên vai, lại lần theo sợi dây đưa nạn nhân lên đường.
Sau gần 2 giờ ứng cứu, các nạn nhân đã được đưa ra khỏi chiếc xe nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Vụ tai nạn hôm đó đã cướp đi sinh mạng 3 người và khiến hàng chục người khác bị thương. Anh cũng chẳng còn nhớ đêm đó mình đã cõng lên bao nhiêu người, chỉ biết khi kiệt sức đổ gục xuống mặt đất thì trên tấm áo của anh ướt sũng bởi máu và mồ hôi quện vào nhau.
Anh Hồ Đắc Diện, thành viên nhỏ tuổi nhất của đội SOS đèo Lò Xo (29 tuổi, trú tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) cho biết, vì sinh sống ở đây gặp nhiều người tha hương gặp nạn nên trong lòng đã dấy lên một tâm niệm cứu người. Nhưng đôi lúc sự khắc nghiệt của tai nạn thương tâm cũng khiến cho anh và những người trong đội cứu hộ phải ray rứt.
Anh Ngô Quang Quyết (35 tuổi, trú tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei) vẫn nhớ như in câu chuyện những ngày giáp Tết (ngày 27 âm lịch) năm 2022. Anh Quyết kể: Hôm đó khoảng 4 giờ sáng, nghe tin trên đèo Lò Xo xảy ra tai nạn, anh cùng anh Hồ Đắc Diện vội vàng chuẩn bị dụng cụ kìm cộng lực, kích thủy lực, dụng cụ y tế nhanh chóng lên đường ứng cứu người bị nạn.
Hiện trường trước mắt là một cảnh tượng kinh hãi, một người bị văng ra khỏi xe vẫn nằm thoi thóp trên đường, còn một người bị kẹt cứng trong cabin xe khiến nạn nhân đau đớn tột cùng.
“Trước sự nguy cấp, chúng tôi dùng kìm cộng lực cắt phá cabin xe để tập trung ứng cứu người bị nạn, sau đó nạn nhân này được kịp thời đưa ra khỏi cabin an toàn và được sơ cứu ban đầu rồi chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei. Tuy nhiên, đau lòng hơn là nạn nhân bị văng ra khỏi xe đã tử vong ngay sau đó” anh Quyết buồn bã cho hay.
Kết nối tình người
Anh Ngô Quang Quyết nhớ lại, năm 2021 cả nước bước vào cao điểm của đại dịch Covid-19, tỉnh Kon Tum cũng không ngoại lệ. Các “cửa ngõ” ra vào tỉnh đều được kiểm soát chặt chẽ để tập trung phòng, chống dịch. Thời điểm này, người dân sinh sống và làm việc ở miền Nam tay xách nách mang “hồi hương” tránh dịch. Vậy là các thành viên của Đội SOS đèo Lò Xo đứng lên kêu gọi mọi người ủng hộ các nhu yếu phẩm, cơm, cháo, áo mưa, xăng, phương tiện để hỗ trợ người dân “hồi hương” về quê.
“Do thời tiết xuất hiện mưa to, người dân di chuyển qua đèo Lò Xo sẽ rất nguy hiểm, anh em trong đội đã phải đi mượn, thuê xe tải để chở người và phương tiện qua đèo được an toàn hơn. Lúc cao điểm của đại dịch, gần như các thành viên trong đội đều không ngủ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, cứ hễ có đoàn “hồi hương” là mọi người lại tình nguyện lên đường hỗ trợ”, anh Quyết cho biết.
Còn nhớ, tháng 10/2020 tỉnh Kon Tum phải hứng chịu hậu quả của cơn bão số 9 càn quét qua, huyện Đăk Glei cũng bị thiệt hại nặng nề. Nhiều tuyến đường đi vào các xã như Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Blô bị chia cắt hoàn toàn, hàng chục căn nhà bị bùn đất tràn vào. Để kịp thời giúp đỡ người dân, các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo cũng đã tình nguyện “mở đường” đưa các nhu yếu phẩm như: Áo ấm, mì tôm, nước… để giúp đỡ bà con bị mắc kẹt. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội cũng xung phong hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, vận chuyển đồ đạc đến những nơi an toàn.
Chia sẻ với chúng tôi, các thành viên của Đội SOS đèo Lò Xo còn cho biết: Đăk Glei là một huyện mà đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Chính vì vậy, Đội SOS đèo Lò Xo đã phối hợp với các tổ chức thiện nguyện khác kêu gọi ủng hộ xây dựng 3 cây cầu dân sinh đi khu sản xuất trên địa bàn huyện Đăk Glei. Bên cạnh đó, Đội SOS đèo Lò Xo còn tổ chức “nồi cháo yêu thương” hay “áo ấm mùa đông” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với những việc làm thầm lặng, thiết thực và ý nghĩa, những “dũng sĩ” của Đội SOS đèo Lò Xo đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Đăk Glei và Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quang Nam) tặng bằng khen về sự nghĩa hiệp, kịp thời cứu giúp những người gặp nạn.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nhung-dung-si-tren-dinh-deo-lo-xo-157114.html