Chuyện về những gia đình yêu thích đờn ca tài tử
Thời gian qua, những gia đình yêu thích phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, đặc biệt là đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Nên duyên nhờ đờn ca tài tử
Đến phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An, hỏi thăm gia đình ông Đoàn Hồng Vũ (SN 1958) và bà Lê Thị Tạo (SN 1959) thì ai cũng biết. Không chỉ được biết đến bởi các hoạt động từ thiện - nhân đạo mà gia đình ông bà còn nổi tiếng đam mê nghệ thuật ĐCTT.
Bà Tạo kể, tình yêu ĐCTT ngấm vào tâm hồn bà từ những năm học lớp 6, Trường Trung học Bến Tranh (nay là Trường THPT Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang). Mỗi lần tan trường, bà đi ngang chợ Tân Hiệp, hình các nghệ sĩ: Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Minh Cảnh,... được bày bán rất nhiều. Bà vẫn nhớ như in đó là quyển sổ nhỏ, chỉ lớn hơn chiếc điện thoại thông minh một chút, trong đó có lời bài ca và hình nghệ sĩ. Bà dùng tiền dành dụm mua sổ và học thuộc bài ca.
Theo bà Tạo, mặc dù say mê nhưng bà không có điều kiện để học bài bản về ĐCTT, đa số chỉ “học lỏm” từ nghe cassette. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà tham gia đội dân ca Đồng Xanh của ấp Nhơn Cầu, xã Khánh Hậu (nay là khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh).
Từ ngày vào đội, bà thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ nhưng chủ yếu chỉ phụ trách múa. Chưa được bao lâu thì địa phương cử bà đi học lớp nữ hộ sinh tại huyện Thủ Thừa. Tại đây, ngoài giờ học, bà có dịp gặp gỡ và giao lưu văn nghệ cùng mọi người. Lần đầu tiên, nghe tiếng hát của bà Tạo, ông Vũ có phần bị thu hút. “Bà ấy có giọng ca đẹp, trẻ trung. Cũng nhờ tình yêu văn nghệ mà chúng tôi nên duyên vợ chồng, năm đó, tôi 19 tuổi, vợ 18 tuổi” - ông Vũ chia sẻ.
Khác với vợ, tình yêu ĐCTT của ông bắt nguồn từ cha. Khi còn là học sinh tiểu học, ông bắt đầu biết đến loại hình nghệ thuật này. Lớn lên, nghe mọi người ca, nghe nhiều trên đài nên ông tập theo. Tuy nhiên, đến năm 1979, ông Vũ mới thật sự đam mê, ông tham gia đi diễn, viết kịch bản, viết tuồng.
Ông Vũ cho biết: “Khi ấy, không có trường lớp đào tạo bài bản như bây giờ, chủ yếu theo học từ những người lớn tuổi, có kinh nghiệm. Năm 1982, tôi về đảm nhận công tác văn hóa - xã hội tại xã Khánh Hậu, từ đó, tôi có dịp tham gia, cọ xát nhiều với phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Sau này, phong trào ĐCTT tại thị xã Tân An (nay là TP.Tân An) bắt đầu phát triển, mọi người được tham gia các lớp tập huấn để trang bị kỹ năng, kiến thức. Năm 2000, các chương trình giao lưu văn nghệ, ĐCTT giữa các xã, phường được tổ chức thường xuyên”.
Từ ngày kết hôn, bà Tạo gác lại đam mê, dành thời gian chăm lo cho gia đình. Khoảng hơn 10 năm nay, khi cuộc sống dần ổn định, bà mới có dịp trở lại với ĐCTT. Là người được học bài bản, có kinh nghiệm nên ông Vũ luôn là người đồng hành, hướng dẫn bà hát. Thỉnh thoảng ông bà cùng nhau tham gia các chương trình giao lưu trong và ngoài địa phương. Được biết, Dệt chặng đường xuân là bài hát ông bà cùng nhau song ca và đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Văn nghệ gia đình tỉnh Long An năm 2011.
Ở tuổi xế chiều, ông bà vẫn tiếp tục “nuôi dưỡng” niềm đam mê ĐCTT bằng việc xây dựng một sân khấu nhỏ ngay tại nhà với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Ông bà trang bị ánh sáng, âm thanh và nhiều đạo cụ hóa trang để phục vụ các buổi giao lưu. Hơn 3 tháng qua, cứ vào tối thứ hai hàng tuần, nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người mộ điệu bộ môn ĐCTT. Hiện nay, ông bà kinh doanh tiệm tạp hóa và duy trì hoạt động phòng thuốc Nam miễn phí. Mặc dù công việc bận rộn nhưng ông bà vẫn dành những giây phút rảnh rỗi để sống với đam mê.
Hạnh phúc vì có cùng đam mê
Sau khi kết hôn, vợ chồng ông Cao Thanh Tràng (SN 1957) và bà Nguyễn Thị Phi (SN 1971, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) phát hiện có cùng đam mê ĐCTT. Ông Tràng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ấp 1, xã Tân Đông. “CLB được thành lập từ năm 2018 đến nay với khoảng 20 hội viên (HV). Định kỳ, lúc 18 giờ, ngày 16 Âm lịch hàng tháng, HV tập trung tại trụ sở ấp để sinh hoạt và biểu diễn văn nghệ. Thỉnh thoảng, CLB tổ chức chương trình giao lưu với các xã lân cận. Ngoài ra, vào dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 Âm lịch), CLB cũng tổ chức các hoạt động giao lưu ĐCTT. Đến cuối năm thì tiến hành tổng kết hoạt động” - ông Tràng cho biết.
Bên cạnh năng khiếu, chất giọng, để đến với bộ môn ĐCTT đòi hỏi niềm đam mê, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu. Năm 10 tuổi, ông Tràng chưa hiểu rõ về loại hình nghệ thuật này, tuy nhiên rất thích nghe nghệ sĩ hát. Lớn lên, ông có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của bộ môn này. Theo ông Tràng, ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bộ môn này rất khó thể hiện, bởi người hát phải đúng lời, đúng nhịp, hiểu ca từ của bài hát và phát âm đúng âm điệu thì mới thể hiện đúng tinh thần, cảm xúc tác giả gửi gắm. Song song đó, bản thân người đờn cũng phải đúng nhạc, đúng nhịp.
Bà Phi cũng là HV của CLB, ông bà thường đồng hành cùng nhau trong các buổi diễn. Bà Phi tâm sự: “Mỗi khi có chương trình giao lưu văn nghệ ĐCTT, anh đều chở tôi đi. Hôm nào, cả 2 vợ chồng có tiết mục biểu diễn thì chúng tôi sẽ tập luyện trước cho quen bài, sau đó mới tập với đờn. Thật vui và hạnh phúc khi chúng tôi đều yêu thích ĐCTT, cùng nhau luyện tập, biểu diễn, tham gia giao lưu, sinh hoạt giúp chúng tôi gắn kết hơn trong cuộc sống”.
Nhạc sĩ đờn Dương Phú Hải cho biết, khi hát song ca là có nam, có nữ sẽ khơi dậy được cái hay của bài hát. Trong gia đình, nếu vợ hoặc chồng không thích ĐCTT thì phong trào cũng không phát triển được. Đồng hành cùng vợ chồng ông Tràng trong nhiều chương trình, ông Hải nhận xét, cả 2 đều yêu thích và đam mê ĐCTT, đây cũng là cái hay, thú vị của gia đình. Mọi người có thể dễ dàng cùng nhau tập luyện, trao đổi về bài hát, khi biểu diễn sẽ ăn ý hơn.
Lời ca, tiếng hát của những “nghệ sĩ không chuyên” vẫn chạm đến trái tim của những người mộ điệu. Thời gian qua, sân chơi dành cho bộ môn này xuất hiện ngày càng nhiều. Giữa rất nhiều dòng nhạc, ĐCTT vẫn giữ được sức sống của riêng mình, góp phần làm đa dạng thêm “món ăn tinh thần” cho người dân./.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-nhung-gia-dinh-yeu-thich-don-ca-tai-tu-a138456.html