Chuyện về những ngày tìm kiếm cứu nạn ở Phong Xuân
Nhiều tháng liền, các lực lượng chức năng cùng với đội tìm kiếm cứu nạn đã nỗ lực không ngừng nghỉ với quyết tâm cao để tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực sạt lở đất của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng - người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân để lắng nghe những chia sẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn, vất vả.
- Đồng chí có thể kể lại quá trình cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sạt lở đất của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3?
- Ngày 24-10, sau khi nhận được mệnh lệnh của thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Giám hiệu nhà trường đã cử 10 đồng chí do tôi làm đội trưởng khẩn trương hành quân vào khu vực sạt lở đất của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 để tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Chỉ mất 30 phút chuẩn bị, toàn đội đã sẵn sàng quân tư trang, phương tiện kỹ thuật, khí tài, thiết bị tìm kiếm cứu nạn cùng 3 chó nghiệp vụ lên đường nhận nhiệm vụ. Đến 23 giờ cùng ngày, chúng tôi đã có mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, phải đến ngày 26-10, toàn đội mới có thể di chuyển đến khu vực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Hiện trường sạt lở đất tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 rất phức tạp. Con đường dẫn vào hiện trường hầu như bị chia cắt do sạt lở đất, nước lũ tràn qua đường, diện tích sạt lở rất lớn khiến cho công việc tìm kiếm các nạn nhân rất khó khăn.
Khi tiếp cận được hiện trường, toàn đội đã nhanh chóng tiến hành công tác cứu nạn. 3 huấn luyện viên gồm Thượng úy Nguyễn Văn Hưng, Trung úy Trần Văn Linh và Trung úy Nguyễn Viết Linh cùng 3 chó nghiệp vụ là Pốc Ka, Or Tơ và Tôm Pa nhanh chóng tỏa đi các hướng, tiến hành công tác tìm kiếm. Các chú chó đánh hơi, sục sạo, lần tìm từng vị trí nghi vấn. Nhưng do hiện trường rộng, mưa lớn, bùn sâu tới hơn 2m, nhiều đá nhọn, sắc gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tìm kiếm. Sau nhiều nỗ lực, đến 8 giờ, ngày 27-10, chó Pốc Ka đã phát hiện ra nơi nghi vấn. Chúng tôi cho cắm cờ và đưa máy móc tiến hành múc bùn đất. Dưới lớp đất sâu đã tìm thấy chăn màn, quần áo và 1 thi thể nạn nhân.
Sau đó, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiến hành ngăn đập, nắn dòng chảy để tìm kiếm dưới lòng sông. Qua quan sát cũng như kinh nghiệm của bản thân, tôi đã tham mưu cho đồng chí Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ huy trực tiếp lực lượng tìm kiếm tiến hành khoanh vùng nơi có 2 tấm bê tông lớn. Sau khi máy móc cùng đội tìm kiếm cứu nạn tiến hành đào múc tại đây thì phát hiện thêm được một phần thi thể của nạn nhân.
- Lượng bùn dày, sâu, đá sắc nhọn ảnh hưởng tới công tác tìm kiếm, các đồng chí đã khắc phục như thế nào?
- Cứ sau 2 giờ, chúng tôi lại cho huấn luyện viên, chó nghiệp vụ nghỉ ngơi và tiến hành chăm sóc. Huấn luyên viên dùng những thiết bị chuyên dụng để tiến hành vệ sinh mũi, tai, kẽ chân cho chó nghiệp vụ và cho chó ăn theo chế độ đặc biệt. Khi chó nghiệp vụ phát hiện ra nơi nghi vấn, huấn luyện viên tiến hành cắm cờ và cho phương tiện kỹ thuật, máy móc tới múc. Hạn chế để chó cào, bới đất, đá để tránh gây xước, rách chân, mũi của chó, ảnh hướng tới sức khỏe cũng như khứu giác của chó.
- Đồng chí có thể chia sẻ những kỷ niệm xúc động khi cùng những chú chó nghiệp vụ thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sạt lở đất của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3?
- Tôi thật sự xúc động trước ánh mắt tin tưởng của những người có mặt ở hiện trường, nhất là những công nhân, người thân của các nạn nhân mất tích. Ánh mắt hy vọng ấy đã đánh tan những tuyệt vọng trước đó khi người nhà của các công nhân cũng như mọi người có mặt tại hiện trường. Nhìn thấy những ánh mắt đầy hy vọng ấy, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Gần 1 tháng tìm kiếm không ngừng nghỉ tại hiện trường, nguy hiểm rình rập, thế nhưng đổi lại, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của nhân dân, các lực lượng khác có mặt tại hiện trường.
Đặc biệt một hôm, sau ngày làm việc vất vả, tôi cùng đồng đội trở về lán nghỉ ngơi. Tôi thấy trong lán có những cành hoa dại được cắm vào một chai nước Lavie. Chưa kịp định thần thì tất cả mọi người đứng dậy, tiến đến để chúc mừng. Lúc đó, Trung tá Phan Thắng nói: “Đây là hoa dành cho các thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11”. Chúng tôi ai nấy vì nhiệm vụ nên cũng quên hôm đó là ngày trọng đại của nghề giáo và thật sự cảm động trước tình cảm của mọi người đã dành cho chúng tôi. Đó là một kỷ niệm mà có lẽ chúng tôi không thể nào quên.
Một điều nữa làm chúng tôi xúc động, đó chính là tinh thần đoàn kết. Mọi người đều coi nhau như những người thân, gắn bó, chia sẻ cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm nhanh chóng tìm kiếm được hết các nạn nhân để xoa dịu nỗi mất mát cho các gia đình.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Kim Nhượng (thực hiện)