Chuyện về những người lính chung chí hướng

Họ đều là những người lính vào sinh ra tử trong kháng chiến, khi trở về địa phương, tóc đã ngả màu sương gió, da đã mồi nhưng họ luôn sát cánh bên nhau, cùng chung chí hướng và khát khao làm giàu. Đó là thành viên CLB Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Học Bác đoàn kết giúp nhau vươn lên

Cách đây 5 năm, Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi xã Lưỡng Vượng thành lập. Khi đó, CLB chỉ có 10 thành viên. Đến nay, CLB đã có 15 thành viên tham gia. Theo đánh giá của hội CCB thành phố Tuyên Quang, mỗi xã, phường của thành phố đều thành lập CLB song có rất ít CLB hoạt động hiệu quả như CLB ở xã Lưỡng Vượng. "Sau khi đã có chút kinh nghiệm, vốn liếng làm ăn, những người lính tìm đến với nhau để chia sẻ, trao đổi kiến thức trong phát triển kinh doanh sản xuất. Họ nhận thấy cần phải “đồng cam, cộng khổ” để giúp nhau làm giàu. Đó chính là lý do thành lập câu lạc bộ", ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Các thành viên trong CLB tham quan mô hình trồng, chăm sóc cây cảnh của ông Tô Trọng Bảng, thôn 7, xã Lưỡng Vượng.

Từ khi thành lập đến nay, CLB đã xây dựng quỹ được trên 40 triệu đồng để giúp đỡ vốn cho các thành viên phát triển kinh tế. Đặc biệt, CLB còn ký hợp đồng liên kết với HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình. Mỗi thành viên khi tham gia sẽ đóng góp 1 triệu đồng. Ngoài tiền công được hưởng theo lao động, cuối năm các thành viên được nhận lại 2 triệu đồng từ HTX. Số tiền này được CLB tổ chức cho các thành viên đi học tập các mô hình kinh tế thiết thực trong và ngoài tỉnh như nuôi cá, trồng cây ăn cả, nuôi vịt, trồng cây cảnh, trồng chè tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Sơn La. Nhiều thành viên khi được học tập đã áp dụng tại gia đình và thành công.

Ông Tô Trọng Bôn, thương binh hạng ¾, thành viên CLB kể về chặng đường lập nghiệp của mình: “Trước đây nhà tôi trồng cây ăn quả, nhưng đất ở đây không hợp nên thâm hụt hết. Được đồng đội vận động, tôi tham gia vào CLB. Sau đó được đi tham quan học tập mô hình nuôi cá, thả vịt. Tôi quyết định chuyển 1 ha đất trồng cây ăn quả sang đào ao nuôi cá, nuôi vịt đẻ trứng. Tham gia vào CLB học được nhiều cái hay từ đồng đội, được đi nhiều nơi học tập”. Đến nay, mỗi năm, mô hình nuôi cá và nuôi vịt của ông Bôn thu nhập trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động.

Mô hình nuôi vịt đẻ trứng của thương binh Tô Trọng Bôn mỗi năm cho thu lãi trên 200 triệu đồng.

CLB thường xuyên tổ chức gặp mặt, đánh giá hoạt động hàng quý, 6 tháng và một năm. Hoạt động này được duy trì đều đặn những năm qua đã giúp cho các thành viên đoàn kết, gắn bó, thường xuyên nắm bắt được thông tin của nhau. Chủ nhiệm CLB Nguyễn Hữu Hoạch cho biết thêm, HTX có việc đều huy động các thành viên của CLB. Ngược lại khi các thành viên trong CLB có việc cần giúp đỡ, HTX cũng huy động nhân lực để giúp đỡ các thành viên trong CLB.

Khát khao làm giàu

CLB Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã Lưỡng Vượng hiện có 1 mô hình kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 4 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, còn lại là cấp thành phố và cấp xã. Trong đó nhiều mô hình chè, nuôi cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Những cơ ngơi tiền tỷ của những người lính già cho thấy họ luôn khát khao vươn lên.

Người thương binh hạng 4/4 Tô Trọng Bảng, thành viên CLB năm nay đã gần 70 tuổi nhưng dáng người vẫn thoăn thắt. Bàn tay khéo léo của ông đã tạo ra nhiều cây cảnh, bon - sai, hòn non bộ đẹp được nhiều người biết đến. Ông hiện là nghệ nhân của Hội Sinh vật cảnh Tuyên Quang. Ông Bảng bắt đầu trồng cây cảnh, làm dịch vụ cắt tỉa cây cảnh từ năm 1992. Bên tác phẩm cây Si tươi tốt mà ông Bảng đặt tên là “Nửa đời còn lại”, ông bảo “Mình sẽ cố sống sao cho tươi tốt như cây này”.

Mỗi năm từ tiền tỷ bán cây cảnh và dịch vụ cắt, tỉa cây cảnh, ông còn cùng các thành viên trong CLB giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Bảng cho biết: “CLB chính là nơi tập trung những người cùng chí hướng, đeo đuổi mục tiêu làm ra của cải, vật chất cho gia đình mình và giúp đỡ cộng đồng”. Cũng bởi vậy mà ông không ngần ngại chia sẻ bí quyết, kỹ thuật chăm sóc, trồng cây cảnh với đồng đội. Hiện nay, trong CLB có 3 thành viên có mô hình làm kinh tế giỏi từ trồng, chăm sóc cây cảnh.

Chấp hành chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Nghiêm, thành viên CLB chuyển sang trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chấp hành chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Nghiêm, thành viên CLB chuyển sang trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Nghiêm, Phó Chủ nhiệm CLB đã trên 60 tuổi nhưng vẫn còn đam mê với đồng đất. Xuất ngũ trở về địa phương, ông mở xưởng sản xuất gạch thủ công. Khi nhà nước ra chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, ông là người tiên phong thực hiện. Ông xoay sang vay thêm vốn, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả. Đến nay, ông đã là chủ của mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm cho thu lãi gần 300 triệu đồng. Hiện nay, ông Nghiêm có trên 21 nghìn m2 mặt nước để nuôi cá và 500 cây ăn quả. Mô hình kinh tế của gia đình ông còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Theo ông Nghiêm, mỗi năm CLB sẽ thu hút thêm 1 thành viên tham gia nhằm xây dựng CLB ngày càng mạnh, tạo nên phong trào cựu chiến binh làm giàu, làm gương cho thế hệ trẻ và giúp đỡ nhiều đồng đội khác.

Những người lính giữa thời bình ấy, trông ai cũng hào sảng và đầy khí chất như thời trai trẻ. Họ vẫn hăm hở, đầy nhiệt huyết để đeo đuổi khát vọng làm giàu.

Phóng sự: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-ve-nhung-nguoi-linh-chung-chi-huong-123135.html