Chuyện về những người Mẹ hy sinh thân mình làm nên vóc dáng non sông
Đi dọc chiều dài đất nước, không nơi đâu không có bóng dáng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng - người đã nén nỗi đau riêng vì dân tộc, vì Tổ quốc non sông.
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ đã cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với một tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đã có biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình, hy sinh vì đất nước, dân tộc. Các chú, các anh mãi mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần anh dũng, yêu nước và ý chí quật cường.
Nhưng đằng sau sự hy sinh của các anh, còn là một nỗi đau không thể tả hết của các Mẹ. Những người “ba lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ". Có những người Mẹ tiễn con đi, khi đón con về chỉ còn nắm tro cốt nhưng cũng có những người Mẹ chờ đợi đến tóc bạc pha sương, cả một đời khắc khoải nhớ thương vẫn chưa được gặp lại con một lần cuối. Những người Mẹ ấy, vẫn nén nỗi đau mất chồng, mất con, cùng tham gia cách mạng, nuôi giấu bộ đội. Nhiều Mẹ trực tiếp đối diện với quân thù, với tinh thần "giặc đến nhà dàn bà cũng đánh". Các Mẹ không chỉ là người mẹ anh hùng, hy sinh tình riêng vì nghĩa chung, mà còn là những chiến sỹ quật cường, đanh thép trên chiến trận.
Cuộc đời của mẹ Lê Thị Bê (83 tuổi), Long An là minh chứng cho những sự hy sinh đó. Gia đình mẹ có đến 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khi cả mẹ chồng, mẹ đẻ của mẹ Bê đều là những người có chồng, có con hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhà có 4 anh em, cả 3 anh trai của mẹ Bê đều tham gia kháng chiến và hy sinh. Đến khi lập gia đình, chồng mẹ Bê và anh trai chồng cũng lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Chịu cảnh mất chồng khi mới ngoài 20 tuổi, một mình mẹ Bê nén nỗi đau riêng, mẹ vẫn tích cực tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng bí mật, nuôi giấu cán bộ. Sau này, mẹ Bê từng bị giặc bắt, đưa đi đày tại nhà tù Côn Đảo. Tại đây, quân địch đã dùng đủ mọi đòn roi tra tấn, bắt mẹ khai ra những đồng đội đang hoạt động, nhưng sắt nung, súng đạn quân thù, cũng không làm mẹ sợ hãi.
“Mỗi sáng, chúng bắt mẹ cùng nhiều chiến sỹ khác ra chào cờ, mẹ nhất định không đi. Khi tra khảo, chúng dùng đủ đòn tra tấn, đánh đến ngất đi rồi dội nước xà phòng vào vết thương cho xót quá mà tỉnh lại nhưng mẹ nhất định không khai. Mẹ vẫn nghĩ rằng, chết vinh còn hơn sống nhục. Thà hy sinh, nhưng là người có ích, yêu nước, còn hơn được sống mà trở thành kẻ phản quốc’, mẹ Bê kể.
Chia sẻ về những ngày ở nhà tù Côn Đảo, mẹ Lê Thị Bê cho biết, lúc ấy mối lo duy nhất của mẹ ở nhà là 2 người con trai và cô con gái còn nhỏ. “Cũng lo cho các con ở nhà lắm. Thằng cả khi ấy đã tham gia các chiến rồi, đi theo cách mạng nên yên tâm phần nào. Còn con gái và con trai út ở nhà đã có bà nội, bà ngoại chăm sóc. Khi bị bắt vào tù, mẹ xác định dù có không được trở về, mẹ cũng nhất định không khai”.
Rồi mẹ Bê lại kể với giọng đầy tự hào: “Các con mẹ nó cũng gan dữ lắm, khi xưa bị giặc bắt tra hỏi mẹ đâu, có phải mẹ làm cách mạng không mà nhất định nó không chịu nói, có đánh cũng không chịu”.
Vượt bao đau đớn vì đòn tra tấn trong nhà tù của địch, nhưng tột cùng của nỗi đau là ngày trở về, cũng là khi mẹ nhìn thấy di ảnh của con trai cả trên bàn thờ, anh hy sinh trước đó không lâu. Nỗi đau của người phụ nữ mất chồng, của người mẹ mất con không thể tả hết. Vượt lên tất cả, mẹ Bê nghĩ, gia đình mình đã hy sinh cho cách mạng, dù đó có đau đớn nhưng đó là vì một ngày mai đất nước được độc lập, người dân được tự do và sự hy sinh của gia đình mẹ cũng như bao gia đình khác trên mảnh đất hình chữ S không là vô ích. 2 tháng sau khi con mẹ mất, đất nước chính thức hòa bình. Lúc này, mẹ Bê lại tiếp tục công tác tại địa phương, cống hiến cho xã hội và chăm sóc gia đình.
Câu chuyện về những người mẹ trung hậu đảm đang, sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc, dân tộc, vì độc lập nước nhà, không chỉ là chuyện của mẹ Bê, mà còn là câu chuyện của gần 140.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.
Mẹ Phan Thị Ba (87 tuổi) xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh có chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ kể, ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã tham gia giao liên, đến khi lớn lên lấy chồng, mẹ cùng chồng tiếp tục tham gia kháng chiến. Năm 1969, chồng mẹ hy sinh, đến năm 1973, con trai lớn của mẹ, khi ấy mới 19 tuổi cũng ngã xuống trong trận chiến tại ngay thị xã Trảng Bàng, nay là huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh.
“Hồi đó nghe cha hy sinh, thằng nhỏ căm thù lắm, nó quyết đòi đi bộ đội bằng được. Năm nó đi mới 17 tuổi, vừa đi được 2 năm thì hy sinh trong một trận đánh ngay tại thị xã. Khi nghe bà con gọi báo con mình bị giặc bắn chết, mẹ đứng không nổi. Ra thị xã ôm xác con về, mẹ phải nuốt nước mắt không dám khóc, cũng không dám nhận là con, chỉ nhận là cháu, ba mẹ cháu mất sớm, mẹ nuôi từ nhỏ. Lúc ấy, nếu nhận là con, sẽ bị lộ ra là gia đình hoạt động cách mạng”, mẹ Ba kể trong nước mắt.
Những ngày 27/7, khi cả nước lại vang lên những khúc hùng ca thời kháng chiến, tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc, những ký ức về một thời bom đạn, nỗi nhớ con của mẹ lai trào dâng. Mỗi lần thắp nén nhang trên bàn thờ, nhìn di ảnh chồng, con, lòng mẹ lại đau, nỗi nhớ lại khôn xiết. Thế nhưng bên cạnh nỗi đau, nỗi nhớ, mẹ vẫn tự hào vì những người thân của mẹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Trảng Bàng giờ đây đã thay áo mới, cuộc sống người dân ngày càng phát triển. Con cháu của mẹ cũng đã trưởng thành, trở thành những người có ích cho đất nước, công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Đó là niềm động viên, an ủi to lớn với mẹ những ngày cuối đời, sau những mất mát, hy sinh./.