Chuyện về những người Mẹ Việt Nam Anh hùng
Tuổi cao, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng những câu chuyện thời chiến về chồng, con, cách mạng thì Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Bê và Mẹ VNAH Huỳnh Thị Tiếu vẫn nhớ như in. Những câu chuyện qua lời kể của các mẹ như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc.
Tự hào truyền thống gia đình cách mạng
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ở đây có một người mẹ gần 50 năm nay vẫn ôm vết thương lòng, đó là Mẹ VNAH Lê Thị Bê. Năm nay, mẹ Bê 85 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Năm 1960, chồng mẹ - liệt sĩ Võ Văn Xê, tham gia bộ đội chủ lực miền Nam. Ông hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ngày 01/4/1968, khi ấy người con út chỉ mới 2 tuổi. Chồng hy sinh, nén đau thương, một mình mẹ vừa làm cách mạng, vừa làm dâu, nuôi 3 con nhỏ.
Trong chiến tranh, mẹ tham gia nhiều việc khác nhau như làm công tác phụ nữ, giao liên, hoạt động trong lòng địch,... Lúc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đóng quân tại nhà mẹ, ở trong các hầm bí mật. Ban ngày, một tay mẹ lo việc gia đình, làm nông. Đêm về, mẹ lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cứ chiều chiều, mẹ lại nấu cơm, khi bộ đội về, cơm canh đã sẵn, mẹ chuyển xuống hầm cho các anh. Nhiều đêm, mẹ thức canh chừng các cuộc họp của cán bộ ngay dưới những căn hầm bí mật tại nhà mình, hễ có địch vây tới là báo hiệu. Một lần giặc lùng sục, phát hiện súng, radio, ba lô của bộ đội, chúng lục soát khắp nhà, tra khảo mẹ để tìm bộ đội. Mẹ Bê nhớ lại: “Lính bắt đánh vào mặt, đổ xà bông lên đầu, đốt nhà,... Tuy bị tra tấn dã man nhưng mẹ chỉ lắc đầu và trả lời “không biết”. Chúng bắt mẹ về tra tấn dã man từ nhà tù Tân Trụ, Long An rồi lên Chí Hòa, Thủ Đức đến nhà tù Côn Đảo”.
Tuy nguy hiểm, gian khổ nhưng với tinh thần yêu nước, mẹ Bê vẫn động viên các con tham gia cách mạng. Nhắc đến người con trai lớn, anh Võ Văn Y hy sinh khi mới ngoài đôi mươi, mẹ Bê rớm nước mắt: “Ngày Y mất, tôi đang bị tù ngoài Côn Đảo. Y bị lính bắn chết tại địa phương. Ngày được trả tự do, tàu đưa tôi và các đồng đội từ Côn Đảo về đất liền. Cứ ngỡ vui mừng, vừa đến Tân An, tôi hay tin cha và con trai đã mất. Người thân gửi tôi giấy báo tử của con. Trong giấy báo tử có ghi, Y hy sinh vào ngày 20/3/1975. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn nhưng tôi rất tự hào vì sự mất mát, hy sinh ấy đã góp phần cho độc lập, tự do của dân tộc hôm nay”.
Sau ngày thống nhất đất nước, mẹ được Đảng và Nhà nước giao giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Mẹ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, hăng say lao động, sản xuất. Cả cuộc đời mẹ Bê gắn với sự nghiệp cách mạng, gia đình mẹ ngoài chồng, con còn có người anh trai ruột hy sinh trong kháng chiến. Mẹ ruột và mẹ chồng của mẹ Bê cũng là Mẹ VNAH. Hiện tại, mẹ sống cùng người con út. Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, bao năm qua, mẹ Bê luôn gương mẫu, giáo dục con cháu sống tốt, phát huy sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mẹ được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Chị Võ Thị Luyến - công chức văn hóa - xã hội xã Tân Phước Tây, cho biết, hàng năm, vào những dịp lễ, tết, đoàn viên, thanh niên, học sinh đều đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc mẹ. Hiện xã Tân Phước Tây có 2 Mẹ VNAH còn sống. Những năm qua, huyện có nhiều chính sách chăm lo, phụng dưỡng Mẹ VNAH, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Mẹ Bê chia sẻ: “Việc thăm hỏi, động viên kịp thời vào các dịp lễ, tết hay Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 của các cấp chính quyền trong những năm qua chính là niềm động viên lớn lao, niềm vui đối với những người lớn tuổi như tôi. Đó cũng chính là minh chứng cho truyền thống Uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay của dân tộc ta. Tôi mong rằng, các cấp chính quyền, các ngành chức năng làm tốt hơn nữa các chính sách cho người có công, từ đó giúp đỡ các gia đình chính sách, có công đang gặp khó khăn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.
Những ký ức không quên
Gọi tên người chồng, con trai đã mất, Mẹ VNAH Huỳnh Thị Tiếu cố nén cảm xúc. Ký ức về người chồng Lê Văn Muôn và con trai lớn Lê Văn Cu tưởng chừng đã cũ nhưng trong tâm trí mẹ Tiếu, mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Mẹ Tiếu quê quán xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, hiện ở phường 2, TP.Tân An. Năm nay đã 98 tuổi nhưng mẹ vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn khi kể cho thế hệ sau nghe về thời gian gia đình tham gia cách mạng, về người chồng và con của mình.
Hơn 80 năm trước, mẹ nên duyên với người đàn ông cùng địa phương, có với nhau 11 người con. Khi đất nước cần, chồng mẹ - ông Lê Văn Muôn, lên đường tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong trận đánh tại Đồng Tháp Mười, ông và cả đại đội anh dũng hy sinh, đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Chồng hy sinh, một mình mẹ làm ruộng nuôi các con. Không lâu sau đó, người con trai lớn của mẹ là anh Lê Văn Cu cũng xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Anh Cu là lính đặc công. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị trúng bom và hy sinh ngày 10/10/1965, khi vừa tròn 20 tuổi. Anh được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày nhận được giấy báo tử của con, mẹ Tiếu như ngã quỵ, cố gắng vượt qua nỗi đau, gắng gượng nuôi các con. Mẹ Tiếu bộc bạch: “Chiến tranh ác liệt lắm, hàng triệu người hy sinh. Có những gia đình hy sinh không còn một ai. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước mình đã trải qua thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ”.
Hiện mẹ còn 2 người con trai, 4 người con gái, sống cùng người con út và người con thứ 7. Mẹ được công nhận Mẹ VNAH năm 2021. Từ tháng 7/2021, Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Bến Lức nhận phụng dưỡng mẹ để góp phần an ủi, động viên mẹ sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra nhưng mẹ Tiếu luôn tự hào vì sự hy sinh của gia đình cho độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, học tập và làm theo gương sáng của mẹ, những người con của mẹ luôn tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Các Mẹ VNAH đã sinh ra, nuôi dưỡng những người con anh dũng, kiên cường cho Tổ quốc để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay. Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên những trang sử vàng của dân tộc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo, đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực như phụng dưỡng các Mẹ VNAH còn sống, xây dựng nhà tình nghĩa cho các mẹ,... Bởi dù năm tháng đi qua nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ VNAH vẫn sống mãi. Thế hệ trẻ ngày nay đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Mẹ VNAH trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-me-viet-nam-anh-hung-a140546.html