Chuyện về những người phụ nữ là 'lá chắn' vùng biên

Mỗi lần đi làm nương rẫy, chị em thường mang thêm trang phục, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn thì sẽ bám theo, thay đổi quần áo khi cần để tránh bị phát hiện, giúp chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.

Xã Ia Rvê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có đường biên dài hơn 13km giáp ranh với xã Nâng Klac, huyện Cô Nhec, tỉnh Mul đun Kiri (Campuchia).

Lợi dụng đường biên giáp ranh này, nhiều người đã trà trộn vào xã Ia Rvê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) với vỏ bọc săn thú, hái măng, đi lấy lan rừng để tìm đường vượt biên trái phép, gây mất an ninh khu vực biên giới.

Những "lá chắn" vùng biên

Trước thực trạng đó, năm 2016, Câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” tại thôn 5, xã Ia Rvê được thành lập. Đây là lực lượng được duy trì ổn định, luôn bám làng, bám rẫy, ít bị người khác để ý nên nhiều phụ nữ đã trở thành những "lá chắn" nơi biên viễn này.

Phụ nữ thôn 5 xã Ia Rvê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ an ninh biên giới và góp phần ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Ảnh: Trần Hoàn

Phụ nữ thôn 5 xã Ia Rvê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ an ninh biên giới và góp phần ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Ảnh: Trần Hoàn

Là Chi hội trưởng phụ nữ, Chủ nhiệm câu lạc bộ kiêm y tế thôn, chị Đinh Thị Linh (SN 1987, trú tại thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) được chính quyền địa phương đánh giá rất cao trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy chế biên giới.

Trong các cuộc họp phụ nữ, chị Đinh Thị Linh luôn tuyên truyền cho chị em trong thôn hiểu rằng, vượt biên trái phép, săn bắt thú rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp là vi phạm quy chế biên giới, là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm. Từ đó, những thông tin hữu ích này được chị em tuyên truyền lại cho bố mẹ, anh chị, chồng con trong gia đình.

“Ban đầu nhiều người đàn ông trong thôn vẫn lén lút vào rừng săn bắt, hái lượm theo đặc tính mưu sinh của người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi dần dần thói quen này đã được hạn chế. Đến nay, trong thôn không có gia đình vi phạm quy chế biên giới, tất cả đều cam kết không lấn chiếm đất lâm nghiệp, chấp hành pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương”, chị Linh chia sẻ.

Chị Vi Thị Thâm (SN 1988) cùng là hội viên hoạt động rất tích cực của câu lạc bộ. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chị luôn tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền do Bộ đội Biên phòng hoặc chính quyền địa phương tổ chức.

“Thông qua các buổi tuyên truyền, tôi hiểu thêm được nhiều điều, từ đó về tuyên truyền cho gia đình, chồng con, chị em trong câu lạc bộ và người dân hiểu để tránh vi phạm pháp luật. Bản thân tôi sẽ luôn cố gắng phấn đấu vừa là một người phụ nữ của gia đình vừa giúp ích cho xã hội”, chị Thâm tâm sự.

"Cánh tay nối dài" giúp chính quyền ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép

Theo chị Linh, thôn 5 xã Ia Rvê là khu vực biên giới, nên mỗi khi có người lạ xuất hiện trên địa bàn, chị em phụ nữ đều hết sức cảnh giác.

Nữ 'thủ lĩnh' Đinh Thị Linh. Ảnh: Trần Hoàn

Nữ 'thủ lĩnh' Đinh Thị Linh. Ảnh: Trần Hoàn

“Chúng tôi luôn nhắc nhở chị em khi thấy người lạ xuất hiện trên địa bàn thì phải chủ động hỏi thăm từ đâu đến, đi tới đâu, gặp ai, nắm bắt thông tin cá nhân rồi hướng dẫn giúp họ. Đồng thời báo cho chủ nhiệm câu lạc bộ để xác minh nơi đến hoặc liên hệ các thôn có chung biên giới để phối hợp theo sát”, chị Linh nói.

Chị chia sẻ, mỗi lần đi làm nương rẫy, chị em thường mang thêm trang phục, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn thì sẽ bám theo, thay đổi quần áo khi cần để tránh bị phát hiện, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa giúp chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.

Nhờ sự cảnh giác cao độ của chị em cũng như người dân vùng giáp ranh biên giới, trong năm 2023, xã Ia Rvê đã phát hiện 3 đợt với 28 công dân của thị trấn Ea Súp; phát hiện 2 đợt với 6 công dân của xã Cư Kbang vi phạm quy chế biên giới nên đã giữ lại, làm rõ thân nhân rồi báo cho chính quyền 2 địa phương phối hợp đưa công dân về.

Hội viên tích cực Vi Thị Thâm trao đổi cùng PV. Ảnh: Trần Hoàn

Hội viên tích cực Vi Thị Thâm trao đổi cùng PV. Ảnh: Trần Hoàn

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, Câu lạc bộ Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới cùng với dân phòng là "cánh tay nối dài" của cấp ủy chính quyền trong việc quản lý các hoạt chung của xã hội và góp phần ổn định tình hình trên địa bàn.

Theo ông Lâm, rất nhiều vụ việc được chị em phụ nữ phát hiện, báo cho chính quyền để ngăn chặn. Xã sẽ nhân rộng mô hình này ra các thôn giáp biên, để tạo thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, gắn với việc xây dựng bảo vệ chủ quyền quốc gia...

Trần Hoàn

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-phu-nu-la-la-chan-vung-bien-2317545.html