Chuyện về những nữ dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Giờ đây, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi năm nào tóc đã bạc trắng song ký ức của họ về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng cách đây 70 năm dường như chưa bao giờ phai mờ trong trí nhớ.

Sáng 6/4, 163 chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân của các gia đình liệt sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình đã có mặt tại hội trường 25B, TP Thanh Hóa để dự chương trình gặp mặt, tri ân.

 Chuyện những nữ dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chuyện những nữ dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại đây, phóng viên gặp được những nhân chứng sống đã trải qua Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu trong đó có nhiều nữ thanh niên xung kích, dân công hỏa tuyến. Ác liệt, đau thương như vậy nhưng việc phục vụ cho chiến dịch không thể dừng lại, không làm sờn lòng những cô gái mới chỉ đôi mươi, vóc dáng nhỏ bé.

Trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi) là thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên Phủ. Bà Lan kể, tháng 3/1954, bản thân được huy động lên mặt trận để tham gia đào hầm, hào giao thông để bao vây, siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của quân Pháp.

 Bà Nguyễn Thị Lan là thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên Phủ

Bà Nguyễn Thị Lan là thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên Phủ

Hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng ấy, bà Lan xúc động chia sẻ, những ngày tháng đó rất gian khổ, khó khăn nhưng vì quyết tâm phải giành được chiến thắng, toàn quân ta đã quyết tâm làm ngày làm đêm, dù có hy sinh cũng không từ.

Vượt gần 350km từ Quảng Bình ra Thanh Hóa, đến sáng ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Cành (87 tuổi), trú tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại chương trình gặp mặt, tri ân để có dịp nhớ lại những ký ức Điện Biên năm nào. Bà Cành là nữ dân công hỏa tuyến tham gia vào Chiến dịch Điện Biên.

 Bà Nguyễn Thị Cành năm nay 87 tuổi

Bà Nguyễn Thị Cành năm nay 87 tuổi

Bà Cành nhớ lại, trong thời gian diễn ra chiến dịch, lực lượng dân công hỏa tuyến nhận lệnh gánh muối, gánh gạo từ thị xã Ba Đồn, vượt hàng chục cây số để đưa qua biên giới bên Lào. Sau đó, bộ đội ta sẽ vận chuyển số nhu yếu phẩm này tới Điện Biên để tiếp tế cho các chiến sỹ chiến đấu trực tiếp tại chiến trường.

Đã ở ngưỡng tuổi 93, bà Nguyễn Thị Nên, trú xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, Thanh Hóa dù trí nhớ không còn minh mẫn nhưng vẫn nhớ về một thời hoa lửa tại chiến trường Điện Biên Phủ.

 Bà Nên là nữ dân công hỏa tuyến năm ấy

Bà Nên là nữ dân công hỏa tuyến năm ấy

Bà Nên - dân công hỏa tuyến năm ấy chia sẻ, thời đó, cả tỉnh Thanh Hóa sục sôi khí thế lên đường hỗ trợ cho mặt trận Điện Biên. Dù không trực tiếp ra trận nhưng những hậu phương vẫn tích cực chăm lo các công tác hậu cần, tiếp tế, chở quân tư trang, nhu yếu phẩm lên tuyến đầu mặt trận cho những người lính trực tiếp chiến đấu.

"Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, tôi trở về quê hương lao động, sản xuất. Những kỷ niệm thuở ấy tuy chỉ còn trong ký ức nhưng tôi luôn trân trọng và kể cho con cháu cùng nghe", bà Nên xúc động nhớ lại.

 Những đoàn xe thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Những đoàn xe thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cùng với bà Nên, hàng vạn người dân Thanh Hóa khác đã có nhiều đóng góp quan trọng cả về sức người, sức của cho Chiến thắng Điện Biên Phủ. Và rồi nhiều cái tên của người con xứ Thanh đi vào lịch sử, như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, xã Nông Trường, huyện Nông Cống hy sinh lấy thân mình cứu pháo; hình ảnh chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định tháo gỡ cả bàn thờ gia tiên để đóng bánh xe cút kít tải lương thực phục vụ kháng chiến và còn nhiều tấm gương anh hùng, hành động, nghĩa cử cao đẹp khác…

Những kỷ niệm của bà Lan, bà Cành, bà Nên,... đã đưa chúng ta ngược thời gian về 70 năm về trước, khi cả nước hướng về Điện Biên với một quyết tâm sắt đá đánh thắng kẻ thù xâm lược.

 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi lễ

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chia sẻ, dù Điện Biên Phủ nằm ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. Trong những ngày tháng ác liệt ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, "Dù bom đạn, xương tan thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh". Các anh, các chị đã sống đẹp, sống hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-ve-nhung-nu-dan-cong-hoa-tuyen-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post290731.html