Chuyện về những tài xế cứu thương chuyên chở F

Mỗi khi nhận lệnh, họ lại gấp rút lên đường. Họ là những lái xe cứu thương chuyên chở F0, F1 đi điều trị, cách ly ở Thừa Thiên Huế.

Công việc thầm lặng

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc của những tài xế lái xe cứu thương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế lại càng vất vả hơn. Họ làm việc liên tục, không ngừng nghỉ đặc biệt là trong các thời điểm số ca F0 lớn.

Bất kể ngày đêm, chỉ cần có lệnh những tài xế cùng xe cứu thương lại lên đường.

10 năm lái xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) với anh Phan Văn Tuấn (41 tuổi) có lẽ chưa khi nào công việc của anh và các đồng nghiệp vất vả như thời gian vừa qua.

Nói như vậy là bởi, anh Tuấn bây giờ không chỉ là tài xế của những chuyến vận chuyển bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu, mà còn là những chuyến xe chuyên chở F0, F1 - người có yếu tố dịch tễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, anh Tuấn cho hay, từ tháng 3/2020 anh bắt đầu được giao nhiệm vụ lái xe cứu thương chở các ca F0, F1 đi điều trị, cách ly. Lúc mới có những ca F0 đầu tiên, anh cũng rất sợ, mỗi lần lên xe đều phải chuẩn bị rất kỹ càng. Theo thời gian, nhờ được tập huấn thường xuyên cũng như trang bị đầy đủ về dụng cụ bảo hộ anh đã quen với công việc.

"Những giai đoạn cao điểm, mình luôn phải lái xe suốt từ sáng sớm đến 2, 3 giờ sáng hôm sau, ngày chạy trung bình 13 đến 14 chuyến. Có những ngày, chạy liên tục không có thời gian để ăn trưa. Khi số lượng F0 tăng, sau mỗi chuyến đi, mình trở về và xem cơ quan như là nhà. Bởi khi ấy, mình phải ở lại cơ quan để sẵn sàng nhận lệnh và vừa đảm bảo phòng chống dịch", anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn trong trang phục bảo hộ vận chuyển F1 đi cách ly tập trung.

Anh Tuấn tâm sự: "Vì sức khỏe của người bệnh, mọi nhiệm vụ được giao mình luôn muốn hoàn thành thật tốt để góp phần công sức nhỏ của bản thân cùng cơ quan, xã hội chống dịch".

BS Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho biết, tại đơn vị hiện có 2 xe cứu thương với 4 tài xế. Tham gia lái xe chở F cũng giống như các tài xế khác, Tuấn luôn rất nhiệt tình, chịu khó, sẵn sàng nhận lệnh trong bất cứ thời gian nào và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng

Tương tự anh Tuấn, trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4 anh Nguyễn Văn Minh(32 tuổi) tài xế lái xe cứu thương thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc đã vận chuyển hàng trăm trường hợp là F0, F1.

Anh Minh cho biết, anh có vợ và một đứa con nhỏ mới 5 tuổi. Từ tháng 8 đến nay, 2 vợ chồng anh cùng tham gia chống dịch cho nên phải gửi con về nhờ nhà ngoại chăm sóc. Xa nhà, xa con nhưng cùng làm việc trong một đơn vị cho nên cũng giúp cho vợ chồng anh có thể quan tâm, động viên nhau sau những giờ làm việc căng thẳng.

"Vợ chồng mình thường nói với nhau, công tác trong lĩnh vực y tế, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân. Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải cùng nhau cố gắng, chung sức đồng lòng cùng lực lượng tuyến đầu để đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy mới sớm đưa cuộc sống trở về bình thường, chúng ta mới được về nhà thăm con", anh Minh tâm sự.

Anh Minh cũng chia sẻ, lái xe chở F, anh đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân F0 có bệnh nền nặng, nguy kịch. Những lúc như thế, anh phải cố gắng làm sao để lái xe chạy nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, vừa đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời.

Những tài xế bên cạnh nhiệm vụ chính là điều khiển xe cứu thương còn hỗ trợ đưa người, đồ đạc lên xe để đưa đi cách ly.

Công việc hết sức vất vả, thường xuyên phải xa gia đình nhưng trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 những tài xế lái xe cứu thương của đơn vị luôn nhiệt huyết, hết mình vì công việc

BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc

Anh Lê Quốc Tuấn (31 tuổi) có 6 năm lái xe cứu thương cho Trung tâm Y tế huyện Phong Điền. Nhà có 2 con nhỏ, thu nhập chính của gia đình từ đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng. Công việc lái xe cấp cứu với đặc thù luôn phải trực, nhận lệnh lên đường bất kể thời gian.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu như ngày nào anh Tuấn cũng phải làm việc xuyên ngày đêm để chuyển các đối tượng liên quan bệnh nhân COVID-19 đi cách ly và đón công dân hoàn thành cách ly về. Dường như thời gian anh Tuấn ở nhà cùng vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh chở F, khi có trường hợp cấp cứu ở vùng dịch hoặc những cấp cứu nặng ở cơ quan mình cũng đảm nhận. Trong đợt dịch này, khó mà kiểm đếm hết số lần chở F đi cách ly. Vất vả nhiều lắm, nhưng sự động viên từ gia đình, cơ quan và trên hết là sức khỏe của cộng đồng luôn thôi thúc anh em bọn mình cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ", anh Tuấn tâm sự.

BS Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang sử dụng mô hình cấp cứu 115 vệ tinh gồm 1 trung tâm đặt tại TP Huế và các đơn vị vệ tinh là các Trung tâm Y tế huyện, thị và TP Huế. Tại Trung tâm hiện nay bố trí 3 tài xế thường xuyên vận chuyển các F0, F1, người đi về từ vùng dịch, người bệnh nhập cảnh từ Lào về điều trị tại Huế, các bệnh nhân nặng của các tỉnh lân cận có dịch về Huế điều trị.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-ve-nhung-tai-xe-cuu-thuong-chuyen-cho-f-169211009145551434.htm