Chuyện về những tấm văn bia ở Vụ Bản

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hiện nay trên địa bàn huyện Vụ Bản còn lưu giữ hệ thống văn bia phản ánh đa dạng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lịch sử. Trong đó, 2 tấm văn bia ở ga Núi Gôi và xã Liên Minh đã ghi lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của địa phương, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đảng viên chi bộ thôn Nhất Giáp bên Bia di tích ghi danh ngày thành lập chi bộ Hào Kiệt tại Chùa Ru, xã Liên Minh (Vụ Bản).

Đảng viên chi bộ thôn Nhất Giáp bên Bia di tích ghi danh ngày thành lập chi bộ Hào Kiệt tại Chùa Ru, xã Liên Minh (Vụ Bản).

Bi hùng ga Núi Gôi

Nằm ven Quốc lộ 10, qua địa bàn thị trấn Gôi (Vụ Bản), từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 hàng năm, ga Núi Gôi nhộn nhịp đón những đoàn khách đến dâng hương tưởng niệm những thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, có tấm bia đá tưởng niệm các liệt sĩ TNXP, công nhân và dân quân tại ga Núi Gôi - Nam Định từ năm 1992 do Đoàn Thanh niên Đường sắt Việt Nam dựng. Năm 2007, Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội đã trùng tu, xây dựng nhà bia khang trang hơn. Tấm bia đá tại khu vực ga Núi Gôi ghi rõ nội dung: “Nơi đây, ngày 20/8/1966, cán bộ, chiến sĩ C895 TNXP cùng cán bộ, công nhân viên đường sắt khu vực ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay Mỹ. Nhiều đồng chí đã hy sinh, hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”. Ông Vũ Đình Biên, Trưởng ga Núi Gôi cho biết: Theo các tài liệu lịch sử, Đại đội 895 gồm 188 chiến sĩ TNXP, được giao làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt và khu vực lân cận từ ga Núi Gôi đến ga Cát Đằng. Từ đầu năm 1966 đến tháng 8/1966, nhiều lần, bom thả trúng đường sắt gây thiệt hại nghiêm trọng. Không nề nguy nan, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 895 với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm. Địch đánh, ta sửa, ta đi” đã bảo đảm thông đường, thông tàu trong mọi tình huống. Chiều ngày 20/8/1966, tại ga Núi Gôi, khi một tàu quân sự vừa tập kết hàng trăm tấn hàng chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa - Vinh chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới thả bom. Bị trúng bom, một số toa bốc cháy. Trong tiếng kẻng báo động dồn dập, đội phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh, các đồng chí cán bộ Thường trực Huyện ủy, Công an, Huyện đội cùng cán bộ, dân quân địa phương nhanh chóng tiếp cận nhà ga. Theo nhiệm vụ đã phân công trước, cán bộ, chiến sĩ C895 nhanh chóng tập trung lực lượng cứu tàu, cứu hàng, bốc dỡ hết hàng ra khỏi các toa tàu, dập lửa. Sau một giờ, phần lớn hàng hóa đã được chuyển ra khu vực an toàn... Đến toa cuối cùng, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa, khói mù mịt. Toàn Đại đội tập trung dập lửa, đưa những kiện hàng chưa bị vỡ ra ngoài. Ngọn lửa được khống chế nhưng không khí cả khu vực bao trùm mùi hóa chất nồng nặc. Trong đám khói độc mịt mù, từng người ngã xuống. Trong giây phút này, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi lần lượt hô hấp nhân tạo cho từng người để họ tỉnh lại; sau đó chị Mùi kiệt sức và hy sinh. Tổng kết sự kiện ngày 20/8/1966, tại ga Núi Gôi có 23 chiến sĩ hy sinh, 256 người bị thương, bị nhiễm độc, riêng Đại đội 895 có 12 người hy sinh, 120 người bị thương, bị nhiễm độc. Ngay sau đó, Đại đội 895 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Ban Bí thư Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. Năm 2013, liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Tuổi trẻ ngành đường sắt đã phát động học tập gương hy sinh cao cả của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm".

Hiện nay, phần mộ của các liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi, Lê Văn Đóa, Phạm Thị Nhớn, Đặng Thị Nhung thuộc Đại đội 895 nằm ở nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Gôi. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), thị trấn Gôi trang trọng tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Đảng ủy, UBND thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo các trường học, đoàn thể chính trị - xã hội thị trấn cùng các tầng lớp nhân dân thường xuyên thực hiện các hoạt động chăm sóc cảnh quan khu vực Nghĩa trang liệt sĩ. Tại nhà bia ga Núi Gôi thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ TNXP. Dịp 20/8 hàng năm, các cựu TNXP Đại đội 895 tổ chức các hoạt động thăm, viếng, tri ân đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Nơi ghi dấu một chi bộ đặc biệt

Công trình Bia di tích lịch sử cách mạng đặt tại Chùa Ru, thôn Trung Nghĩa xưa, nay là thôn Nhất Giáp, xã Liên Minh ghi lại sự kiện chi bộ Đảng Hào Kiệt - chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vụ Bản được thành lập. Ngược dòng lịch sử, thôn Trung Nghĩa xưa là nơi khởi nguồn phong trào cách mạng của địa phương. Trong đó, đồng chí Nguyễn Phúc - người đảng viên Cộng sản đầu tiên của xã Liên Minh đã khởi xướng phong trào đọc sách báo, truyền bá tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng cho thanh, thiếu niên. Đầu năm 1939, Tỉnh ủy Nam Định có chủ trương phát triển tổ chức cơ sở đảng ở những nơi có phong trào quần chúng hoạt động mạnh và đã quyết định thành lập thêm 7 chi bộ, trong đó có chi bộ Hào Kiệt, xã Liên Minh. Tháng 4/1939, chi bộ Đảng Hào Kiệt được thành lập. Trong số những thanh niên hoạt động tích cực của phong trào cách mạng, Tỉnh ủy lựa chọn 5 đồng chí xuất sắc nhất trong số các đồng chí đã được huấn luyện, thử thách để kết nạp gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào), Phạm Văn Chư, Nguyễn Văn Sủng, Vũ Văn Giá, Nguyễn Văn Khúc. Chi bộ Đảng Hào Kiệt được thành lập đã đặt nền móng cho sự ra đời và lớn mạnh của Đảng bộ huyện Vụ Bản, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của huyện. Trong phong trào cách mạng của huyện, chi bộ Hào Kiệt trở thành hạt nhân và là mắt xích quan trọng trong hệ thống liên lạc của Đảng. Sau khi thành lập, chi bộ chủ trương tiếp tục nâng cao giác ngộ những thanh niên tích cực, quần chúng tiến bộ. Phong trào cách mạng ở Hào Kiệt ngày càng lớn mạnh. Tranh thủ điều kiện hợp pháp, chi bộ Đảng Hào Kiệt tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ phát động treo cờ, rải truyền đơn dọc Quốc lộ 10 sang huyện Ý Yên và các xã khác của huyện Vụ Bản; phát hành rộng rãi tài liệu sách, báo tuyên truyền đường lối của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng. Nhờ đó nhân dân giác ngộ cách mạng, khối liên minh công - nông được củng cố vững chắc, lực lượng chính trị được mở rộng, năng lực lãnh đạo của Đảng được trưởng thành về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong điều kiện vừa xây dựng kinh tế vừa trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Đảng bộ xã Liên Minh đã có nhiều chủ trương cụ thể nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh làm nòng cốt trong sản xuất và chiến đấu. Từ năm 1965-1968, xã Liên Minh có hơn 700 gia đình có con em lên đường chiến đấu, trong đó trên 10 hộ có 2 người trong quân ngũ. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, lập chiến công xuất sắc, trở thành các cán bộ cao cấp trong quân đội. Đặc biệt thôn Trung Nghĩa xưa, là “điểm sáng” của phong trào cách mạng ở xã Liên Minh với 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 19 lão thành cách mạng, 38 liệt sĩ. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với những đóng góp cho cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Liên Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới (1975-1990).

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không phai mờ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Những tấm văn bia ở ga Núi Gôi và xã Liên Minh không chỉ là những công trình tri ân ý nghĩa mà còn là địa chỉ đỏ giá trị trong giáo dục truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202408/chuyen-ve-nhung-tam-van-bia-o-vu-ban-05e3e9f/