Chuyện về nữ tiếp viên phá bỏ rào cản, trở thành CEO hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản
Xuất phát điểm từ một nữ tiếp viên, bà Mitsuko Tottori (59 tuổi) đã phá bỏ mọi định kiến, trở thành nữ giám đốc điều hành của Japan Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản.
Từ tiếp viên trở thành lãnh đạo hãng hàng không
Tháng 8 vừa qua, Japan Airlines lần đầu tiên được Skytrax bầu chọn là hãng hàng không hạng phổ thông đặc biệt tốt nhất thế giới năm 2024.
Trong bài phát biểu, nữ CEO Japan Airlines Mitsuko Tottori gửi lời biết ơn chân thành đến khách hàng vì đã bình chọn cho hãng, giúp Japan Airlines lần đầu tiên đạt được danh hiệu hãng hàng không cung cấp dịch vụ hạng phổ thông cao cấp tốt nhất thế giới.
"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu để có những sản phẩm dịch vụ tốt hơn nữa, xứng đáng với giải thưởng danh giá này", bà Tottori nói.
Đáng chú ý, hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản này nhận được tin vui chỉ thời gian ngắn sau khi bà Mitsuko Tottori nắm cương vị Chủ tịch, Giám đốc điều hành Japan Airlines, xóa nhòa sự cố va chạm của máy bay thuộc hãng này với một chuyên cơ tại sân bay Haneda (Tokyo) hồi đầu năm.
Bắt đầu với công việc tiếp viên tại Japan Airlines từ năm 1985, đến năm 2015, bà Mitsuko Tottori được giao giữ chức lãnh đạo cấp cao phụ trách đội ngũ tiếp viên, trước khi được bổ nhiệm trở thành nữ chủ tịch và giám đốc điều hành (CEO) đầu tiên của hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản vào đầu năm 2024.
Không chỉ khiến mọi người cảm phục vì là nữ lãnh đạo đầu tiên của Japan Airlines mà thực tế, xuất thân nền tảng của bà cũng khác xa so với những vị lãnh đạo tiền nhiệm.
Trong số 10 chủ tịch của Japan Airlines ở các nhiệm kỳ gần nhất, có tới 7 người tốt nghiệp Đại học Tokyo danh tiếng.
Trái lại bà Tottori theo học hai năm ở trường Cao đẳng Nữ sinh Kwassui (Nagasaki), hơn nữa việc một tiếp viên trở thành lãnh đạo đứng đầu hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản cũng là điều hiếm có.
Theo Japan Airlines, dựa vào mức độ hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm thực tế và đóng góp quan trọng về điều hành an toàn bay, công ty đã quyết định bổ nhiệm bà Tottori lên vị trí lãnh đạo hàng đầu của hãng hàng không.
Việc bổ nhiệm bà cũng diễn ra đúng vào thời điểm hãng hàng không vẫn đang phải giải quyết hậu quả sau vụ va chạm kinh hoàng giữa máy bay chở 379 hành khách với một chuyên cơ tại sân bay Haneda (Tokyo) hôm 2/1 và hậu quả từ cuộc khủng hoảng an toàn của Boeing.
Chia sẻ với báo giới trong thời gian đầu nhậm chức, bà Tottori cho biết yếu tố an toàn vẫn phải đặt lên trên hết, đồng thời khẳng định 379 hành khách được cứu sống trong thảm họa hàng không tại sân bay Haneda là kết quả của quá trình đào tạo an toàn hàng không được thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Trong khi đó, các chuyên gia ngành hàng không cũng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của bà Tottori, yếu tố an toàn hàng không sẽ ngày càng được cải thiện tốt hơn.
“Tôi thực sự tin tưởng một người phụ nữ, nhất là người đã có kinh nghiệm làm tiếp viên hàng không, sẽ nhất định giúp cải thiện các quy trình an toàn vốn đã rất đảm bảo tại Japan Airlines”, ông Shukor Yusof, chuyên gia hàng không, chia sẻ khi bà Tottori được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo cao nhất của Japan Airlines.
Phá bỏ rào cản, thu hẹp bất bình đẳng giới
Ở tuổi 59, bà Mitsuko Tottori đã viết nên kỳ tích hiếm có khi trở thành lãnh đạo của một hãng hàng không lớn tại một quốc gia nơi phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản để đạt được thăng tiến quan trọng trong sự nghiệp.
Thực tế, Nhật Bản xếp hạng 125/146 theo Chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn kinh tế thế giới - tụt 9 bậc so với năm trước và tụt xa so với các quốc gia thuộc nhóm G7.
Xét theo khu vực châu Á, Nhật Bản xếp hạng rất thấp về bình đẳng giới, với xếp hạng chỉ đứng trên Myanmar và Fiji. Hiện chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực xây dựng cơ chế nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, 30% vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao tại các công ty lớn do phụ nữ lãnh đạo.
Theo CNN, Japan Airlines bổ nhiệm nữ lãnh đạo đầu tiên trong bối cảnh công ty nỗ lực tìm cách thu hẹp bất bình đẳng giới.
CEO Japan Airlines Mitsuko Tottori
Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ sớm trở thành nơi người dân không cảm thấy ngạc nhiên khi một người phụ nữ trở thành chủ tịch hoặc các vị trí lãnh đạo cấp cao.
“Tôi rất muốn có thêm những người phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo. Điều quan trọng là bản thân phụ nữ phải tự ý thức, khát khao hoạt động tích cực. Tôi thực sự hy vọng được gặp ngày càng nhiều các nữ lãnh đạo trong tương lai”, bà Tottori chia sẻ.
Bà cũng hy vọng chính bản thân mình sẽ trở thành nguồn động lực, mang lại sự can đảm, tinh thần dũng cảm cho những lao động nữ đang gặp khó khăn trong sự nghiệp hoặc trải qua biến cố cuộc đời, động viên họ tiến bước xa hơn.
Theo Tiến sĩ Seijiro Takeshita, Đại học Shizuoka, rất khó để phá vỡ những yếu tố về truyền thống, tập quán, tuy nhiên việc bổ nhiệm bà Tottori nắm giữ chức vụ cao nhất ở tập đoàn lớn của Nhật Bản đã mang lại ảnh hưởng tích cực, nhất là khi bà không thăng tiến qua từng cấp bậc trong công ty và cũng không có hồ sơ có quá nhiều học vị, chức vụ cao cấp và các thành tích lớn.
“Hơn hết, các nhân viên của Japan Airlines cũng rất muốn được nhìn thấy đồng nghiệp cùng vị trí với mình trở thành lãnh đạo công ty thay vì các quan chức nhà nước hoặc những người lãnh đạo đến từ công ty khác”, ông Takeshita chia sẻ.