Chuyện về 'phóng viên PX' vùng châu thổ Cửu Long

Xuất thân không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phụ trách công tác tuyên truyền Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (PX03) Công an các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đã tự học hỏi, nỗ lực vượt lên... để hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị; mang đến bạn đọc, bạn nghe đài những thông tin nóng hổi về an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), cùng nhiều tác phẩm báo chí có giá trị...

Một nghề hai nghiệp

Là cán bộ công tác trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền của Công an tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, Thượng úy Lê Trọng Nguyễn đã dùng ngòi bút của mình phản ánh một cách toàn diện, khách quan, trung thực các lĩnh vực công tác Công an. Cách nay 7 năm, ngày 25/8/2017, nhận quyết định phân công công tác tại Phòng Công tác chính trị (nay là Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị), Nguyễn không khỏi bất ngờ, lo lắng vì công tác hoàn toàn khác với chuyên ngành Điều tra trinh sát mà anh được đào tạo tại Trường Đại học ANND. Lĩnh vực tuyên truyền như một “trang giấy trắng” đối với bản thân. Hàng loạt câu hỏi mà bản thân anh chưa có lời đáp. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề báo, Thượng úy Lê Trọng Nguyễn nhận ra không đơn giản chỉ “cầm bút, cầm máy” mà đó là nghề của sự sáng tạo, của đam mê và cống hiến. Mỗi chuyến công tác, mỗi lần ghi hình, phỏng vấn hay đặt bút viết bài, Thượng úy Nguyễn luôn trăn trở: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào… để có thể truyền tải đến độc giả, bạn nghe đài những tin tức, phóng sự, bài viết hội tụ đủ các yếu tố “thời sự – nhân văn - khách quan – trung thực – kịp thời”.

Thượng úy Lê Trọng Nguyễn (người đeo kính) cùng đồng đội đang dựng lại khuôn hình sau một lần tác nghiệp.

Thượng úy Lê Trọng Nguyễn (người đeo kính) cùng đồng đội đang dựng lại khuôn hình sau một lần tác nghiệp.

Anh theo sát từng dấu chân phá án của đồng chí, đồng đội trên mọi nẻo đường. Mỗi địa bàn, mỗi tính chất sự kiện có đặc thù riêng, dù là những chuyến công tác ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh hay những lần đến tận sào huyệt của bọn tội phạm ngoài tỉnh. Nhiều vụ án chính bản thân anh được đồng hành từ khi bắt đầu cho đến khi khép lại hồ sơ. Nhiều đêm, anh cùng đồng đội thức trắng để ghi lại những chi tiết, những thước phim đắt giá trong cuộc chiến chống tội phạm đầy cam go, thách thức.

Điển hình cuộc “xông pha” trận tuyến cùng trinh sát trong Chuyên án đấu tranh với băng nhóm tín dụng đen cách nay 4 năm. Vào cuối buổi chiều trung tuần tháng 8/2020, khi Thượng úy Nguyễn vừa về phòng ở (anh ở tập thể - PV) thì nhận được điện thoại của lãnh đạo Phòng phụ trách: “Em xách máy qua đi chung xe với Phòng Hình sự liền nhé”. Từ buổi chiều hôm đó cho đến 6h sáng hôm sau, chuyến công tác của Thượng úy Nguyễn kết thúc tại tỉnh Sóc Trăng. Hơn 12 giờ đồng hành cùng trinh sát hình sự ghi nhận trọn vẹn quá trình truy bắt thành công băng nhóm cho vay lãi nặng gồm 11 đối tượng đến từ các tỉnh Tây Nguyên do Vũ Đình Dũng (SN 1980, ngụ tỉnh Đắk Nông) cầm đầu, cho vay với lãi suất 360%/năm trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu thu giữ lượng tang chứng khổng lồ, gồm: 572 CMND, 286 sổ hộ khẩu, 111 giấy phép lái xe, 2.277 biên lai ghi nợ với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng…

Mặc dù là nhà báo không chuyên nhưng Thượng úy Lê Trọng Nguyễn cùng đồng đội của mình luôn có mặt kịp thời để ghi lại những thước phim trân quý về Công an tỉnh Bạc Liêu trong từng chuyên án, vụ án hình sự; đồng hành cùng Cảnh sát Kinh tế, môi trường đến tận cơ sở bắt tôm chứa tạp chất, sản xuất hàng giả, hàng nhái; sát cánh cùng CSĐT tội phạm về ma túy trong những cuộc truy quét “cái chết trắng”; phản ánh chân thực về hình ảnh người lính cứu hỏa trong cuộc chiến với “giặc lửa”; hòa mình cùng sắc nắng với CSGT trên những tuyến đường. Lỉnh kỉnh mang theo micro, ống kính theo bước chân lực lượng Công an xuống địa bàn tâm dịch, khu cách ly trong suốt 2 năm dịch COVID-19 bùng phát… Dẫu biết rằng phải đối diện với những hiểm nguy nhưng với sự đam mê, nhiệt huyết trở thành động lực để Thượng úy Nguyễn có thể tiếp cận, kịp thời ghi lại những thước phim, khắc họa được những khoảnh khắc đẹp, những giây phút hào hùng của chiến sĩ Công an tỉnh Bạc Liêu lan tỏa đến nhân dân một cách chân thực nhất. Trong hành trình lăn lộn với nghề “cầm bút”, Thượng úy Lê Trọng Nguyễn và các đồng đội đã gặt hái được những tấm huy chương, những giải thưởng tại các kỳ Liên hoan Truyền hình CAND; các giải báo chí do Trung ương, địa phương phát động, cũng chính là động lực, niềm vui đối với nghề. Nhớ nhất là tháng 8/2019, đúng 2 năm Thượng úy Nguyễn chính thức làm báo. Khi ấy, anh cùng anh em trong Đội Tuyên truyền lặn lội xuống vùng quê phản ánh hiện trường các vụ chết người do dùng xung điện bẫy chuột, hoặc đến từng nhà nạn nhân ghi nhận chia sẻ sau các vụ tai nạn thương tâm… Và rồi tác phẩm “Bẫy chuột hay bẫy người?” ra đời, thu hút được Ban giám khảo và kết quả được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình CAND lần thứ XI năm 2019.

Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng và Đại úy Trương Đức Trung đang dựng hình cho chuyên mục An ninh Sóc Trăng.

Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng và Đại úy Trương Đức Trung đang dựng hình cho chuyên mục An ninh Sóc Trăng.

Những người đi tìm sự thật về giống lúa “Thiên Đàng”

Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Giáo dục Phòng PX03 Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đa số là dân “tay ngang”, không qua trường lớp đào tạo chuyên môn về báo chí, nhưng đều nỗ lực hết mình, vừa làm vừa học, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện một bài viết, một tác phẩm báo chí, chúng tôi đảm nhận hết tất cả các công đoạn như: tìm hiểu, ghi nhận thông tin, quay phim, chụp ảnh, dựng phim, viết kịch bản, viết thuyết minh, biên tập… Chúng tôi nỗ lực hết mình để xuất bản nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, được lãnh đạo và bạn đọc đánh giá cao. Nhiều tác phẩm dự thi đạt giải cao”.

Đại úy Trương Đức Trung tác nghiệp tại một một buổi tập đua ghe Ngo của đồng bào Khmer trong tỉnh.

Đại úy Trương Đức Trung tác nghiệp tại một một buổi tập đua ghe Ngo của đồng bào Khmer trong tỉnh.

Đại úy Trương Đức Trung (cán bộ Phòng PX03 Công an tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Chúng tôi đảm nhận từ A đến Z cho tác phẩm của mình. Công tác tuyên truyền trên lĩnh vực ANTT có cái khó riêng, đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, sử dụng các phương tiện ghi hình tác nghiệp, làm sao ghi nhận những hình ảnh chân thực, sinh động để phục vụ tuyên truyền”.

Nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền báo chí, Ban Giám đốc Công an tỉnh giao cho Đội Tuyên truyền – Giáo dục đảm nhiệm. Hiện, quân số của Đội có 10 đồng chí, đảm nhiệm nhiều công việc, như: sản xuất, phát sóng chuyên mục An ninh Sóc Trăng mỗi tuần 1 kỳ trên sóng Đài PT-TH Sóc Trăng; thực hiện tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh; tin, bài, phóng sự cộng tác với các cơ quan báo, đài trung ương, địa phương. Do tính chất công việc, nhiều hôm anh em không về nhà mà phải ăn cơm hộp, uống nước chai, làm việc xuyên đêm cho kịp ra đời tác phẩm phục vụ người đọc, người xem. Nam đã vất vả, nữ vất vả hơn. Trong đội, Thiếu tá Ngô Thị Diễm Hương có con nhỏ, chồng công tác trong Quân đội đóng ở TP Cần Thơ nên đồng chí vừa hoàn thành việc nhà, vừa hoàn thành công việc chuyên môn của mình.

Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng kể, khoảng cuối năm 2019, trên mạng xã hội, giống lúa “Thiên Đàng” được quảng bá hết sức rầm rộ. Nhiều người trong clip phát biểu rằng, Việt Nam có nhiều giống lúa nhưng chưa thấy giống lúa nào kỳ lạ như vậy. Không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật lúa vẫn cho chất lượng gạo ngon, thơm mùi sữa. Rồi người ta nói giống lúa “trời ban” này có khả năng chữa được nhiều bệnh. Ở một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng, nhà nông mua giống lúa này về trồng với hy vọng lãi to. Từ thông tin trên, anh em tìm đến nhiều vùng nông thôn của các tỉnh miền Tây. Nông dân cho biết họ mua 50.000đ/kg lúa giống, được người của công ty bán giống lúa cho biết đây là giống lúa quý hiếm do một nhà sư ở Thái Lan tìm được. Lúa này sạ giống nông dân ít tốn chi phí, là giống lúa “trời ban” giúp nông dân làm giàu, không chỉ ăn ngon mà còn trị được nhiều bệnh như: cao huyết áp, tiểu đường. Tin vào những lời quảng bá này, chỉ thời gian ngắn, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã ồ ạt trồng giống lúa “Thiên Đàng”. Riêng 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã có hơn 200ha canh tác giống lúa này trong vụ Đông Xuân 2019-2020. “Để làm rõ vụ việc, chúng tôi tìm đến trụ sở của Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng tại tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang nhưng hoàn toàn không có. Sau đó, chúng tôi phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng và Công an các tỉnh An Giang, Hậu Giang bóc trần thủ đoạn lừa đảo bán giống lúa giả cho nông dân của công ty này. Sau khi thu thập chứng cứ ở các địa phương, Công an tỉnh Sóc Trăng bước đầu khẳng định, hành vi kinh doanh của công ty này có dấu hiệu lừa đảo. Giống lúa “Thiên Đàng” đã trở thành địa ngục với nhiều nông dân miền Tây”, Thiếu tá Hoàng kể lại. Vụ việc này được Phòng PX03 Công an tỉnh Sóc Trăng xuất bản thành phóng sự “Vỡ mộng trồng lúa Thiên Đàng”, tham gia Liên hoan truyền hình, phát thanh CAND lần thứ XIII năm 2022 tại TP Cần Thơ và đã được Ban Tổ chức trao giải Vàng ở thể loại phát thanh.

Văn Đức – Cao Xuân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-ve-phong-vien-px-vung-chau-tho-cuu-long-i734997/