Chuyện về 'phù thủy' kèn sô na

Chẳng hiểu ai đã đặt cho NSƯT Ngọc Khánh (nguyên nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam) biệt danh 'phù thủy' kèn sô na.

NSƯT Ngọc Khánh (ngoài cùng bên trái) và các giám khảo trong Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020. Ảnh: NVCC.

NSƯT Ngọc Khánh (ngoài cùng bên trái) và các giám khảo trong Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020. Ảnh: NVCC.

Chẳng hiểu ai đã đặt cho NSƯT Ngọc Khánh (nguyên nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam) biệt danh “phù thủy” kèn sô na (hay còn gọi là kèn bầu, kèn bóp, kèn đám ma).

Có thể nhiều người cho rằng như thế là chưa khiêm tốn nhưng suy đi tính lại thì thấy biệt danh ấy xứng đáng với nghệ sĩ xứ Đoài này.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ tập

NSƯT Ngọc Khánh với cây kèn sô na. Ảnh: NVCC.

NSƯT Ngọc Khánh với cây kèn sô na. Ảnh: NVCC.

Là chỗ quen biết đã lâu với gia đình NSƯT Ngọc Khánh, tôi thực sự nể phục tình yêu và dòng chảy nghệ thuật trong đại gia đình ông.

Cha của nghệ sĩ Ngọc Khánh là nghệ nhân Ngọc Bỉnh, người được coi là “linh hồn” của đội tuồng làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nức tiếng một thời.

Mới đây, nghệ nhân Ngọc Bỉnh cùng con gái và con dâu (vợ của nghệ sĩ Ngọc Khánh) đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu là Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực tuồng.

Các con của nghệ sĩ Ngọc Khánh phần nhiều theo nghệ thuật, trong đó có 2 người công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được phong danh hiệu NSƯT là nghệ sĩ Ngọc Anh (con trai) và nghệ sĩ Thành Nam (con rể).

Ở tuổi 68 nhưng hằng ngày nghệ sĩ Ngọc Khánh vẫn say sưa luyện tập và với ông đó chính là hơi thở, là nguồn sống cuộc đời. Mỗi ngày mở trang Facebook lại thấy ông đăng tải những video đang thổi kèn bầu đầy cuốn hút.

Mới đây, ông đưa lên video đang biểu diễn ca khúc “Đêm sông Hương” của nhạc sĩ, NSƯT Đình Lưu trong vở tuồng “Người không mang họ” (tác giả: NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn: NSƯT Tạ Tạo) của Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã có nhiều người vào bình luận bày tỏ sự nể phục.

Trong đó, người con gái thứ 2 của ông đã để lại bình luận: “Nghề đã ngấm vào máu bố thật sự. Mấy hôm rồi bố có chút vấn đề về sức khỏe, đi khám bệnh bác sĩ khuyên bố phải nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho ca mổ sắp tới, vậy mà bố cũng chỉ kiêng thổi kèn được vài ba ngày.

Thương bố, muốn bố nghỉ ngơi nhưng mình cũng hiểu niềm đam mê nghề nghiệp của bố giống như một chất gây nghiện và khó có thể dứt nên cứ để bố thỏa với đam mê mặc dù ngày nào cũng gọi nói bố phải nghỉ ngơi nhé (không được thổi kèn).

Về hưu gần 10 năm nay nhưng chưa một ngày nào bố dừng luyện tập. Giờ thì mình đã hiểu vì sao những tác phẩm khi bố thể hiện trên cây kèn sô na lại đỉnh đến vậy...”.

Sáng tạo cùng cây kèn bầu

NSƯT Ngọc Khánh và vợ. Ảnh: NVCC.

NSƯT Ngọc Khánh và vợ. Ảnh: NVCC.

Yêu, đắm say với cây kèn bầu, nghệ sĩ Ngọc Khánh đã tìm đủ mọi cách cải biến, nâng cao nó cũng như mày mò, nghiên cứu để kèn bầu - nhạc cụ xưa nay chủ yếu dùng trong dàn nhạc tuồng và nhã nhạc cung đình Huế thể hiện được các ca khúc.

Như thế là ông đã cho đàn bầu có một đời sống mới và bản thân ca khúc được truyền tải đến người nghe, người xem thêm mới lạ, độc đáo. Nhiều nhạc sĩ sau khi nghe Ngọc Khánh thể hiện ca khúc của họ bằng kèn bầu đã thốt lên những từ ngữ đầy hoa mỹ.

Chẳng hạn, khi thổi bài “Miền Trung nhớ Bác” nhạc sĩ Thuận Yến đã rất xúc động nói với ông: “Tôi nghĩ NSND Thu Hiền hát bài này đã rất hay nhưng hôm nay nghe cậu thổi luyến láy rất sâu, rất mới mẻ và thú vị. Cảm ơn nghệ sĩ Ngọc Khánh rất nhiều”.

Không chỉ vậy, ông đã vận dụng, sáng tạo tài tình cây kèn bầu vào trong các loại hình kịch hát dân tộc cải lương, chèo, múa rối... đặc biệt là trong giao hưởng. Ông đã nhiều lần được Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mời chơi kèn bầu cho một số bài dân ca do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí.

Là nghệ sĩ cháy hết mình với nghệ thuật, Ngọc Khánh luôn tìm cách giới thiệu phần biểu diễn của mình sao cho đến được với càng nhiều người xem, người nghe càng tốt.

Ông đã thường xuyên giới thiệu dòng tuồng Bắc mà ông được cố NSƯT Hoàng Hiệp Tắc dạy, những ngón kèn đỉnh cao của kèn Bình Định ông học từ cố NSƯT Văn Bá Anh và những nét nhạc cổ do cha ông, Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Bỉnh dạy…

Và nhờ có mạng xã hội Facebook ông đã thổ lộ, tâm tình và sẻ chia với công chúng nhiều hơn. Ông thổi kèn bầu bài “Nhớ mẹ” kèm dòng chia sẻ: “Thuở nhỏ, tôi thường được nghe mẹ hát bài này để ru em.

Những giai điệu trữ tình sâu thẳm đã in đậm trong tim tôi. Hơn 60 mươi năm nay, tôi ghi lại chút nhớ nhung với mẹ kính yêu”. Được biết mẹ của ông cũng mới chỉ qua đời vài năm trở lại đây và với ông đó là nỗi đau khôn cùng.

Là người sống nặng nghĩa, nặng tình nên ông đã làm một việc mà có phần… “khác người”, đó là đặt ảnh thờ các thầy: Văn Bá Anh, Lại Thương, Dương Long Căn, Đinh Quả, Hoàng Hiệp Tắc tại nhà riêng.

Trò chuyện với tôi hôm nay, ông vẫn đầy ngậm ngùi, xúc động khi kể về những kỷ niệm với các thầy, những người cha, người mẹ sinh ra mình lần thứ hai, đã truyền cho ông lòng đam mê, tình yêu và sự sống chết với nghề cũng như những gì tinh túy nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Chắc chắn rằng, nếu không có các thầy sẽ không có “phù thủy” kèn sô na Ngọc Khánh.

Nhọc nhằn với nghề

NSƯT Ngọc Khánh (đứng giữa) và con trai NSƯT Ngọc Anh (bìa phải) và con rể NSƯT Thành Nam. Ảnh: NVCC.

NSƯT Ngọc Khánh (đứng giữa) và con trai NSƯT Ngọc Anh (bìa phải) và con rể NSƯT Thành Nam. Ảnh: NVCC.

Để có ánh hào quang như hôm nay, nghệ sĩ Ngọc Khánh đã phải trải qua cuộc đời hoạt động nghệ thuật đầy gian khó, nhọc nhằn. Ông chỉ biết khổ luyện và khổ luyện những mong có ngày được khán giả “quen mặt, biết tên”.

Tất nhiên, sinh ra ở “cái nôi” của tuồng xứ Đoài (làng Dương Cốc) và sinh ra trong gia đình có người cha say mê nghệ thuật là một lợi thế với ông. Nhưng nếu ông không nỗ lực và cố gắng thì mọi điều kiện thuận lợi ấy cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Tốt nghiệp chuyên ngành kèn bầu tại Trường Sân khấu Việt Nam (một trong những đơn vị tiền thân của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ngày nay), những năm 70 của thế kỷ trước - thời cái nghèo, cái đói bủa vây - đã khiến ông dặn lòng phải cố gắng gấp mười, gấp trăm lần. Ông biểu diễn khắp nơi trong khi bụng còn chưa đủ no, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai gầy của ông bố có 4 người con.

Thế rồi, ông trời không phụ công ai bao giờ. Năm 1990, ông giành giải Nhất (duy nhất) ở bộ môn kèn bầu trong lần đầu tiên Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cuộc thi Diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc.

Đó là cột mốc quan trọng trong cuộc đời để ông thấy vững tin vào tương lai xán lạn phía trước. Và đó cũng chính là năm người ta biết đến trong giới nghệ thuật có một Khánh “kèn”.

Năm 2011, ông được Cục Nghệ thuật biểu diễn chọn đi giới thiệu về âm nhạc cung đình Huế cho bạn bè 150 nước. Trong chương trình, ông đã không chỉ chơi kèn bầu cho nhạc cung đình Huế mà còn đệm bài hát “Thăm bến Nhà Rồng” cho NSND Thái Bảo hát, đệm cho ca sĩ Ngọc Chi hát cải lương, đệm cho hai nghệ sĩ Thanh Mạn, Thanh Tân ở Nhà hát Chèo Việt Nam diễn trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

Với khả năng xoay chuyển tài tình, nhiều chuyên gia và khán giả đã phải trầm trồ thán phục trước tài năng của ông. Trong đó, Giáo sư Trần Văn Khê đã không tiếc lời ngợi khen hậu sinh và cũng dặn ông là “phải truyền nghề cho thật nhiều người càng tốt”.

Tấm lòng với thế hệ trẻ

Gần như dành cả cuộc đời để giải đáp cho câu hỏi: “Vì sao kèn bầu không được nhiều người quan tâm?”, nghệ sĩ Ngọc Khánh tự hỏi rồi tự tìm ra câu trả lời: “Có lẽ do nó xuất thân có phần tầm thường hóa khi được thổi trong các đám hiếu hay nó chưa có đất diễn trong các chương trình nghệ thuật rồi cát-xê chả đáng là bao…”.

Dù biết rất rõ điều đó nhưng ông như một hiệp sĩ đi tìm “công bằng” cho kèn bầu. Có thể hiểu tất cả những việc ông đã và đang làm đã khẳng định: “Kèn bầu không phải không hay mà do bản thân nghệ sĩ chưa khám phá hết công năng của nó”.

Đúng vậy, được nghe nghệ sĩ Ngọc Khánh kể chuyện và được tận mắt chứng kiến ông thể hiện kèn bầu không chỉ trong ca khúc mà các loại hình nghệ thuật khác thì thấy nhạc cụ này cũng đa dạng, hấp dẫn; cũng làm xao xuyến người nghe không khác đàn bầu, sáo, nhị…

Hiện nay, NSƯT Ngọc Khánh và người vợ thân yêu đã rời ngôi nhà nhỏ ở Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội) để về sinh sống ở quê nhà. Mấy năm trước, trước khi về hưu, ông đã bàn tính với vợ ra khu đất ngoài đồng làm trang trại để trồng rau, nuôi gà, cải thiện thu nhập.

Nhưng đó chỉ là một phần, còn lý do quan trọng là ông muốn có không gian thoáng đãng để tâm hồn được phiêu lãng với cây kèn sô na. Nhớ cách đây 2 năm về thăm trang trại của ông, ông bảo mong muốn có nhiều người trẻ tìm đến ông để học nhạc cụ, trong đó có kèn sô na.

Và khi có nhiều người học, ông sẽ cho xây dựng lớp học đàng hoàng. Tôi biết, điều kinh tế gia đình nghệ sĩ Ngọc Khánh không dư dả nhưng với tấm lòng của mình, ông luôn sẵn lòng vì thế hệ trẻ, vì tương lai của nghệ thuật truyền thống nước nhà.

Bản thân ông cũng đã từng dìu dắt con em trong họ, trong làng mạc được đến với nghệ thuật và hiện nay họ cũng đã phát huy được năng lực ở các đoàn nghệ thuật, như nghệ sĩ Quỳnh Liên ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhã Mạnh Hùng ở đội biểu diễn Công viên Ấn tượng Hội An, Thanh Huyền ở Nhà hát Chèo Hà Nội...

Ngô Khiêm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-phu-thuy-ken-so-na-post634786.html