Chuyện về tàu Cảnh sát biển 8005 - Bài 1: Những phút giây trải lòng
Đối với người thủy thủ, mỗi chuyến đi biển là một kỷ niệm sâu sắc, là một đợt đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Chuyện về cán bộ, thủy thủ trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 8005 trong bài viết này, tôi muốn đề cập tới những điều chưa kể, những nét dung dị giữa đời thường của họ trong chuyến chở đoàn công tác của CSB Việt Nam; Bộ tư lệnh Vùng CSB 3; các cơ quan báo chí Quân đội đến thăm và làm việc với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ...
14 giờ 30 phút ngày N, Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng CSB 3, trưởng đoàn công tác hạ lệnh xuất phát, Tàu CSB 8005 nhổ neo, thẳng hướng ra biển lớn.
Vài chục phút sau, nhìn qua cửa sổ con tàu, tôi thấy ánh đèn trên phố biển Vũng Tàu xa dần. Mưa bắt đầu rơi, mặt biển dềnh lên, con tàu chồm lên, đè sóng lướt tới...
Tàu CSB 8005 hành quân với tốc độ 9-10 hải lý/giờ. Những đợt sóng lớn nối nhau. Đêm, biển khơi hun hút, thăm thẳm, không ranh giới, không bến bờ. Giữa màn đêm mịt mù, tít tắp ấy, tôi thấy tâm trạng mình bồi hồi khó tả.
Chặng đường hành quân trên vùng biển Ấn Độ Dương tuy sóng to, gió lớn nhưng tôi vẫn cố gắng tranh thủ tác nghiệp.
Vừa trông thấy tôi, Thượng úy Hoàng Tuấn Anh, Chính trị viên Tàu CSB 8005 đã pha trò:
- Em tưởng bác say mèm rồi chứ?
- Còn lâu! Ít ra, tớ cũng thâm niên 11 năm là lính biển cơ mà!
Tôi hỏi lại Tuấn Anh:
- Sóng to, gió lớn thế này, anh em có mệt lắm không?
Thoáng chút ưu tư, Tuấn Anh trả lời:
- Thực lòng, mỗi lần tàu đi biển phải chống chọi với sóng gió, mệt bã cả người, nhưng vì nhiệm vụ nên mọi người phải gắng sức anh ạ! Đã lên tàu là không ai được rời khỏi vị trí.
- Thế còn chuyện vợ con đến đâu rồi?
- Lính CSB bọn em da nhôm nham, quen “ăn sóng, nói gió” nên chẳng có cô nào ưng thuận làm vợ!
Tuy Tuấn Anh nói vậy nhưng tâm sự với anh, tôi hiểu nỗi niềm của người chính trị viên trẻ tuổi. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, về nhận công tác tại Hải đoàn 32 (Bộ tư lệnh Vùng CSB 3) nhưng Tuấn Anh đã có thâm niên gần 6 năm trên tàu. Vì là cán bộ chủ trì của tàu nên anh phải gương mẫu trực chiến. Thế nên từ ngày ra trường đến nay, anh mới đón có hai cái Tết cùng bố mẹ ở quê nhà Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 2022, khi đang thu xếp công việc để về thăm gia đình thì anh cùng cán bộ, thuyền viên của tàu nhận lệnh khẩn trương thực hiện nhiệm vụ cứu 7 ngư dân Bình Thuận bị nạn trên vùng biển Phú Quý. Chuyến đi ấy, anh cùng đồng đội đã vượt biển trong điều kiện sóng gió cấp 6, cấp 7, cứu được toàn bộ ngư dân trở về đất liền. Mải lo lắng theo công việc nên gần U.30 rồi mà Tuấn Anh chưa có thời gian đi tìm "một nửa" của mình.
Không khí thêm phần sôi nổi khi Trung tá QNCN Nguyễn Trọng Thuật, Điện trưởng tàu và Thiếu úy QNCN Phan Bá Tân, nhân viên mặt boong từ khoang máy lên góp chuyện. Tân chia sẻ: “Đi biển là nhiệm vụ thường xuyên, nhận lệnh là chúng tôi khẩn trương ra khơi. Lênh đênh trên biển, chống chọi với bão gió, có lúc không tránh khỏi những phút chạnh lòng, nhưng rồi cũng vượt qua được vì chúng tôi xác định vinh dự, trách nhiệm và sự gian khổ, hy sinh luôn song hành trên đôi vai người lính”.
Chàng thiếu úy QNCN có thời gian công tác trên tàu hơn 4 năm nhưng đã có 5 chuyến ra khơi thực hiện nhiệm vụ. Tân quê ở Hải Phòng, cưới vợ đầu năm 2023 thì cuối năm có con gái Phan Bảo Khang. Cách đây gần hai tháng, anh đưa vợ con vào Ninh Hòa (Khánh Hòa) thuê nhà ở để hợp lý hóa gia đình. Nhưng vợ con vừa vào được hơn một tháng thì Tân lại tham gia chuyến đi Ấn Độ. Vậy là những ngày này, trong căn phòng trọ chật hẹp, vợ của anh-chị Nguyễn Thị Thúy Ngọc lại ôm con gái mới hơn một tuổi vào lòng mà mong nhớ chồng da diết...
Trung tá Nguyễn Trọng Thuật, Trạm trưởng Trạm sửa chữa, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 - người hơn 30 năm trong quân ngũ thì trong đó có tới 18 cái Tết anh xa nhà. Anh Thuật được mệnh danh là thợ máy có “bàn tay vàng” bởi có nhiều kinh nghiệm thực tế trong sửa chữa hỏng hóc thông thường của các con tàu hoạt động trên biển. Cách đây chưa lâu, đầu năm 2024, khi đang cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đi trên Tàu CSB 8001 hoạt động ở vùng biển Tây Nam thì nhận được thông tin tàu cá CM 01332 TS bị hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu, trôi dạt trên biển. Được sự nhất trí của lãnh đạo, chỉ huy Tàu CSB 8001 hạ xuồng chở anh Thuật tiếp cận tàu cá ngư dân và sửa chữa thành công trong niềm vui mừng, biết ơn của chủ tàu cùng các thuyền viên.
Tâm sự với anh Thuật, tôi hiểu thêm về cuộc sống của anh. Ở tuổi 51 nhưng trông anh già hơn tuổi và khắc khổ. Một phần là vì năm 2000, khi đó anh là nhân viên máy Tàu 640 (Vùng 4 Hải quân), đang trực tại đảo Tốc Tan thì bị đau bụng dữ dội, phải đưa ngay về đảo Phan Vinh mổ ruột thừa, phần khác do nặng gánh gia đình. Hiện tại, gia đình anh vẫn tá túc trong ngôi nhà cấp 4 xây tạm trên đất nông nghiệp. Chồng bộ đội, vợ giáo viên, tằn tiện lắm cũng chỉ tạm đủ nuôi hai con ăn học chứ nói gì đến chuyện làm sổ đỏ và xây nhà kiên cố...
Đại úy Võ Ngọc Vũ, Trưởng ngành 5 Tàu CSB 8005 có thâm niên 7 năm trên các con tàu thuộc Vùng CSB 3. Vợ anh-chị Biện Thị Cẩm Thơ công tác ở quê nhà Hà Tĩnh. Vũ đóng quân ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). Thế nên hai lần chị Thơ vượt cạn đều đúng lúc anh đang lênh đênh trên biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đến khi về phép thì con trai đầu lòng là cháu Võ Thiện Nhân đã tròn 1 tuổi. Vũ kể: “Vợ sinh con gái thứ hai là cháu Võ Ngọc Khả Hân cũng tròn 4 tháng em mới được về thăm nhà. Lần về phép năm ấy, nỗi buồn cứ nao nao bởi khi em đưa tay định bế con gái thì ánh mắt cháu lộ rõ sự sợ hãi rồi òa khóc. Thấy vậy, vợ em cũng rơm rớm nước mắt. Phải mất hơn một tuần sau, cháu mới hết lạ. Nhưng bố con vừa kịp quen hơi, bén tiếng thì em lại phải chia tay vợ con để trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ...
Chặng đường hành quân sau khi qua eo biển Malacca và vùng biển Ấn Độ Dương sóng gió cấp 7, cấp 8, vậy mà Thiếu úy QNCN Lê Minh Phước, nhân viên hàng hải vẫn thức trắng đêm cùng anh em trong tổ hậu cần lo lắng chu toàn công việc bếp núc cho toàn tàu. Tuy mới 23 tuổi, về Tàu CSB 8005 từ tháng 9-2023 nhưng Phước đã có 3 chuyến đi biển. Chuyến thứ nhất tham gia cứu nạn 4 ngư dân Phú Yên bị chìm tàu trên vùng biển Khánh Hòa. Chuyến thứ hai là tàu trực Tết tại quần đảo Trường Sa. Trong chuyến đi này, Phước tham gia tổ phục vụ đoàn công tác. Gợi chuyện mãi Phước mới tiết lộ chuyện riêng tư. Bố mẹ Phước ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, còn “nửa kia” của anh là Trần Thị Thu Hiền, quê ở Thái Bình, hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương. Hai người gặp nhau trong điều kiện khá đặc biệt khi cùng tham gia lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh (thời điểm đó, Phước đang học tập tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân). Gần hai năm hẹn hò nhưng Phước và Hiền chỉ mới gặp nhau đúng một lần. Những tâm tư, tình cảm của đôi bạn trẻ chủ yếu được trao gửi qua điện thoại di động...
Đến giờ cơm, một số anh em trong đoàn công tác say sóng không dậy được. Thiếu úy QNCN Phan Bá Tân và Thiếu úy QNCN Lê Minh Phước cùng các đồng chí trong tổ hậu cần đã chuẩn bị rất chu đáo từng mâm cơm phục vụ đoàn. Xuống khoang máy, tôi thấy hệ thống động cơ, đường ống dọc ngang, tiếng máy nổ rền vang, hơi nóng phả hầm hập. Các đồng chí thợ máy áo quần lấm lem dầu mỡ, thường xuyên túc trực kiểm tra các thông số kỹ thuật. Trên boong tàu, Trung úy QNCN Nguyễn Văn Cường, Thủy thủ trưởng Tàu CSB 8005 đang bị sốt nhẹ vẫn không rời vị trí...
Trong những năm qua, phần lớn cán bộ, thủy thủ Tàu CSB 8005 là sĩ quan trẻ nên cũng có thời điểm khi tàu rời cảng, một vài đồng chí cảm thấy “mềm lòng”. Nhưng rồi những phút giây ấy nhanh chóng qua đi khi được cấp ủy, ban chỉ huy tàu gần gũi, động viên kịp thời. Trong chiến công thầm lặng không chỉ được vun đắp bằng những việc làm bình dị mà còn có cả những phút xao lòng đáng yêu như thế.
(còn nữa)