Chuyện về tờ giấy khai sinh

Cuộc đời của một con người bắt đầu bằng tờ giấy khai sinh, cũng là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng cơ sở dữ liệu của một công dân. Sẽ là thiệt thòi lớn nếu như những đối tượng bị bỏ rơi không có được tờ hộ tịch gốc của cá nhân...

Công an TP Sầm Sơn làm thẻ căn cước cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

Công an TP Sầm Sơn làm thẻ căn cước cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

1.Câu chuyện đặc biệt về bà Trương Thị Thư, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hà Trung. Bà chính là người đã rong ruổi trong suốt nhiều năm để đi làm giấy khai sinh cho một số đứa trẻ bị bỏ rơi. Dù công việc này không thuộc chức năng của hội nhưng bà Thư vẫn tham gia một cách kiên trì để giành lại quyền lợi cho những đứa trẻ không may mắn này.

Không may mắn ở chỗ, những đứa trẻ dù vẫn có cha, có mẹ nhưng cha, mẹ lại cắt đứt mối quan hệ với chính con mình từ khi con còn nhỏ. Tờ giấy khai sinh của con, vì thế cũng không còn quan trọng với người lớn. Vô tình, con trở thành đứa trẻ bị bỏ rơi.

Đó là chuyện về N.T.V., sinh năm 2016. Khi 1 tuổi, mẹ bỏ lại N.T.V. với ông bà ngoại để đi tìm cuộc sống mới. Thời gian sau đó, bà ngoại cũng đi lấy chồng, căn nhà nhỏ chỉ còn 2 ông cháu. Bố N.T.V. là ai, không ai biết. Bà Trương Thị Thư nhớ lại: “Khi cháu 2 tuổi, tôi mới nhận được thông báo về hoàn cảnh của cháu. Tôi đã làm việc với phòng giáo dục, những mong có sự can thiệp của phòng để xin cho cháu vào học ở một trường mầm non gần nhà. Lúc bấy giờ, trưởng phòng giáo dục là anh Huy rất đồng tình với mong muốn của tôi. Sau đó cháu N.T.V. được đi học ở Trường Mầm non Hà Vân”.

Không dừng ở đây, bà Thư tiếp tục cuộc hành trình với tờ giấy khai sinh. Bà làm việc với UBND huyện Hà Trung. Huyện giao cho phòng tư pháp làm việc với bộ phận tư pháp của địa phương, hướng dẫn gia đình thực hiện đăng ký giấy khai sinh. “Mẹ phải là người đứng ra làm giấy khai sinh vì mẹ đang còn”. Bà Thư nói. “Chúng tôi sau nhiều lần kết nối với mẹ của cháu thì mới có kết quả. Tuy nhiên, khi khai sinh cho cháu N.T.V., phải chứng minh được mối quan hệ cha - con để đưa tên cha vào trong giấy khai sinh thì người cha lại không nhận con mình. Cuối cùng thì cháu N.T.V. phải mang họ mẹ”.

Cuộc hành trình của bà Thư với tờ giấy khai sinh của cháu N.T.V. kéo dài trong 2 năm (từ năm 2020 đến năm 2022). Ngày 15/4/2022, mẹ cháu N.T.V. mới đi đăng ký khai sinh cho con. Như vậy, tính đến thời điểm của năm 2022, khi 6 tuổi, cháu N.T.V. mới có giấy khai sinh.

2. Hơn 4 năm, đã có 8 đứa trẻ bị bỏ rơi được đưa về Trung tâm Mái ấm tình thương Chung Thủy ở thôn Cẩm Cường, xã Hà Sơn (Hà Trung). Trong số đó, trẻ lớn nhất 4 tuổi rưỡi, ít nhất 2 tuổi. 8 đứa trẻ, có bé bị bỏ rơi ở ngay trung tâm hoặc ở xã khác, huyện khác. Những đứa trẻ này, khi về trung tâm đều không có giấy tờ tùy thân.

Giấy khai sinh, cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng dữ liệu của một công dân.

Nghệ nhân dân gian, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung, thủ nhang đền Hàn Sơn và đền Cô Bơ Bông là người quản lý của trung tâm tình thương này. “Theo quy định, tất cả trẻ em dù có cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hay bị bỏ rơi đều có quyền được khai sinh. Sau khi làm các thủ tục đăng ký việc nuôi dưỡng những đứa trẻ này, tôi có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho các cháu”, anh Nguyễn Văn Chung nói.

Giấy khai sinh của 8 đứa trẻ không có tên cha mẹ. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, khi làm giấy khai sinh đều mang họ Nguyễn theo họ của người đi khai sinh. Trung úy Vũ Đức Thành, cán bộ Công an xã Hà Sơn, cho biết: “Có giấy khai sinh tức là có cơ sở pháp lý để căn cứ vào đó thực hiện các quyền lợi của công dân, trong đó có việc làm căn cước. Đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại trung tâm mái ấm tình thương, khi các cháu đã được làm giấy khai sinh thì việc cấp căn cước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

3. 12 năm về trước, N.T.H. là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng một ngôi chùa. Sau đó, cháu được đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) số 2, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn). Những năm sau đó, trung tâm nhận thêm một vài đứa trẻ bị bỏ rơi khác là L.V.A., N.V.H... Những đứa trẻ bị bỏ rơi này đều không có giấy khai sinh.

Theo quy định, sau 30 ngày phát đi thông báo để tìm cha mẹ đẻ của trẻ, nếu không ai đến nhận, trung tâm có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ này. Cũng như một số cán bộ trong trung tâm, Đỗ Thị Liên, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội TTBTXH số 2 là người đã từng đi khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi. Chị kể lại: “Phần khai về cha, mẹ được để trống. Họ, tên của trẻ được ghi theo sự thống nhất của trung tâm trước đó. Tên con gái đệm là chữ Thị, trai đệm là chữ Văn”.

Giấy khai sinh là căn cứ quan trọng để phục vụ cho việc thu thập thông tin dân cư (DC01). “Thực tế, khi làm căn cước cho những đối tượng bị bỏ rơi từ 0 đến dưới 14 tuổi, theo quy định, cần phải có thông tin của người đại diện hợp pháp là cha mẹ hoặc người giám hộ mới thu nhận hồ sơ. Trong khi đó, giấy khai sinh của trẻ bị bỏ rơi không có hoặc không đầy đủ thông tin của cha mẹ thì sẽ lấy thông tin của cán bộ TTBTXH số 2 là người đại diện hợp pháp để làm căn cước cho các em”. Thiếu tá Nguyễn Khắc Dương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Sầm Sơn, cho biết.

Cuộc đời của một con người bắt đầu bằng tờ giấy khai sinh, cũng là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng cơ sở dữ liệu của một công dân. Với những người yếu thế, đặc biệt là đối tượng bị bỏ rơi sẽ là thiệt thòi lớn nếu như không có tờ hộ tịch gốc của cá nhân...

Bài và ảnh: Bằng An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-ve-to-giay-khai-sinh-33036.htm