Chuyện về 'tỷ phú 0 đồng' ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người gọi Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội là 'tỷ phú 0 đồng' bởi vì số tiền anh vận động được lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm đều dành tất cả cho người bệnh.

Anh là người khởi xướng nhiều chương trình ý nghĩa hỗ trợ người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong 15 năm qua.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển (đứng đầu, bên trái) tặng quà cho bệnh nhân ung thư trong chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K". Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Thạc sĩ Lê Minh Hiển (đứng đầu, bên trái) tặng quà cho bệnh nhân ung thư trong chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K". Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Ngành Y là “duyên”, công tác xã hội là “nghiệp”

Năm 1996, anh Lê Minh Hiển bắt đầu công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy với vị trí là một kỹ thuật viên xét nghiệm ở Khoa Huyết học. Là một cán bộ Đoàn, anh năng nổ tham gia vào nhiều chuyến đi khám bệnh tình nguyện do Bệnh viện tổ chức. Từ những chuyến đi này, những ý nghĩ về việc làm sao hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh, người dân nghèo khi đến bệnh viện cứ thế nhen nhóm trong lòng anh. Năm 2008, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định thành lập Đơn vị Y xã hội. Anh Lê Minh Hiển xung phong tham gia và trở thành một trong ba người đầu tiên của Đơn vị. Từ đó, các hoạt động trợ giúp bệnh nhân bắt đầu được triển khai nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn. Đơn vị Y xã hội từ ba người giờ đã trở thành Phòng Công tác Xã hội với hàng chục nhân viên thực hiện hàng chục chương trình do anh Lê Minh Hiển làm Trưởng phòng.

Anh Lê Minh Hiển kể lại, thời gian đầu, hoạt động của Phòng Công tác xã hội chỉ đơn giản là xin tiền hỗ trợ viện phí cho người bệnh. Trung bình mỗi năm, anh có thể vận động được cho người bệnh từ 10 - 20 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đều được chi hỗ trợ cho người bệnh một cách minh bạch, rõ ràng. Biệt danh “tỷ phú 0 đồng” của anh ra đời từ đó. Càng về sau, khi quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, anh bắt tay vào triển khai các chương trình hỗ trợ khác. Anh đã phối hợp với cộng sự Phòng Công tác xã hội cùng lúc vận hành 25 hoạt động; trong đó có nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa sâu sắc cho người bệnh như: Hỗ trợ viện phí, hướng dẫn khám chữa bệnh, hướng dẫn cấp cứu, bảo vệ quyền lợi người bệnh, tư vấn và giúp đỡ bảo hiểm y tế, phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em, bếp yêu thương, Chủ nhật chia sẻ yêu thương, Đồng hành cùng chiến binh K, Đồng hành cùng bệnh nhân chạy thận, Nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân…

Mỗi chương trình dù lớn hay nhỏ đều mang một ý nghĩa riêng và thể hiện sự lắng nghe, thấu cảm của anh Hiển và các cộng sự. Đó có khi là một ngày Chủ nhật muôn vàn yêu thương của hàng trăm người bệnh hay đôi khi chỉ là một đôi dép đặt trong nhà vệ sinh để người bệnh không bị ngã, một cái móc treo để máng bịch dịch truyền hay một cái thanh chắn để người bệnh có chỗ bám tay khi đứng lên ngồi xuống… “Cô bác khi đến Bệnh viện hầu như ai cũng có những lo lắng, băn khoăn, từ chỗ không biết đăng ký khám ở đâu, đóng tiền chỗ nào đến khi nhập viện gặp không ít khó khăn, trở ngại. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp cô bác bớt đi một phần bỡ ngỡ, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện như ở nhà để yên tâm chữa bệnh”, anh Hiển giãi bày.

Trong giai đoạn cả Thành phố Hồ Chí Minh “oằn mình” chống COVID-19, anh Hiển trở thành cầu nối tiếp sức cho cả nhân viên y tế cũng như người bệnh. Anh “chia lửa” với các đồng nghiệp bằng việc cung cấp các vật dụng thiết yếu và nhu yếu phẩm mỗi ngày như: khẩu trang, quần áo bảo hộ, hoặc có khi là những ly trà sữa mát lạnh, lúc lại là ổ bánh mì thịt chống đói giữa đêm khuya… Với người bệnh, anh không quên cung cấp những vật phẩm thiết yếu như: tã, khăn giấy ướt, khăn giấy khô, thau tắm… Anh còn triển khai kênh tìm thông tin - cập nhật tình trạng người mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Kênh thông tin đã trở thành “ngọn hải đăng” chỉ đường giúp nhiều gia đình có được thông tin về người thân trong thời khắc “thập tử nhất sinh”. Thời điểm giãn cách xã hội, 300 “chuyến xe hồi sinh” do anh Hiển và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức đã đưa hơn 1.100 người mắc COVID-19 đã được điều trị khỏe mạnh trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nặng lòng với người bệnh

Thạc sĩ Lê Minh Hiển và khoảnh khắc vui vẻ bên một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TTXVN phát

Thạc sĩ Lê Minh Hiển và khoảnh khắc vui vẻ bên một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TTXVN phát

Với mỗi hoàn cảnh khó khăn biết được, anh Hiển đều dành hết tâm sức của mình, tìm mọi cách để hỗ trợ người bệnh. Không biết bao nhiêu lần anh ngược xuôi tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh. Anh nặng lòng và nhớ như in từng hoàn cảnh éo le đã gõ cửa Phòng Công tác xã hội nhờ trợ giúp. “Mình cứ đặt mình vào vị trí của người thân, gia đình người bệnh, họ sẽ lo lắng, bấn loạn như thế nào khi người thân của mình không may rơi vào cảnh ngặt nghèo. Và hơn lúc nào hết, một bàn tay chìa ra với họ trong lúc này có ý nghĩa biết bao nhiêu”, anh Lê Minh Hiển tâm sự. Điều đặc biệt, anh Hiển không bao giờ gọi những người đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy là người bệnh, bệnh nhân mà thường gọi một cách thân thương “cô bác”. Với anh, người bệnh là cô, là bác, là những người thân trong gia đình nên phải cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ đến cùng.

Trường hợp hai anh em ruột bị ngộ độc Botulinum mới đây, sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn (trong đó người em không có bảo hiểm y tế), Thạc sĩ Lê Minh Hiển đã ngay lập tức liên hệ với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hậu Giang để người em có bảo hiểm y tế ngay trong tháng 5. Dù việc xin bảo hiểm y tế gặp một số trục trặc, anh Hiển vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm giải quyết đến cùng. Bên cạnh đó, anh đã vận động được 130 triệu đồng hỗ trợ chi trả viện phí cho họ.

Trường hợp của chị Hồ Liễu Hương (tỉnh Bình Thuận) nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép tim khi trong túi chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng. Chị đã được anh Hiển và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Sau 1 tuần kêu gọi, số tiền quyên góp lên tới 400 triệu đồng đủ để chị Hương trang trải chi phí ghép tim và điều trị sau ghép. Anh Nguyễn Quốc Dũng, chồng chị Hương xúc động chia sẻ: “Lúc đó, gia đình tôi không có tiền, tưởng như phải từ chối cơ hội ghép tim quý giá. Anh Hiển và các bác sĩ động viên cứ ghép trước, tiền tính sau. Anh Hiển và các bác sĩ là ân nhân của gia đình tôi, sinh ra vợ tôi lần thứ hai”.

Mười lăm năm tham gia hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy với Thạc sĩ Lê Minh Hiển, niềm vui nhất là chứng kiến bệnh nhân vượt qua cảnh ngặt nghèo, xuất viện về với gia đình, người thân bằng nụ cười nở trên môi. “Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn Bệnh viện Chợ Rẫy và chọn làm công tác xã hội. Ở đây tất cả nhân viên y tế và người bệnh đều là người thân trong gia đình. Tôi vẫn còn muốn làm nhiều hơn nữa cho người bệnh nghèo, cận nghèo”, anh Lê Minh Hiển bày tỏ. Cũng trong 15 năm ấy, điều khiến anh tự hào nhất đó là nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Bệnh viện, của các nhà hảo tâm và người bệnh, thân nhân của họ. Căn phòng nhỏ chỉ vẻn vẹn mấy mét vuông ở khu hành chính Bệnh viện Chợ Rẫy luôn sáng đèn và điện thoại của anh luôn trong trạng thái mở để sẵn sàng lắng nghe, thấu cảm.

Tự bao giờ, anh Lê Minh Hiển và Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở thành chỗ dựa tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của những người bệnh nghèo.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/chuyen-ve-ty-phu-0-dongo-benh-vien-cho-ray-20230609132910732.htm