Chuyện về vị Hoàng hậu đoản mệnh nhất lịch sử Trung Hoa: Được Hoàng đế nhất mực yêu thương nhưng chỉ làm mẫu nghi thiên hạ nửa ngày thì qua đời

Sau khi bà qua đời, Đường Đức Tông không hề lập bất kỳ nữ nhân nào làm Hoàng hậu nữa.

Trong hơn 2 nghìn năm phong kiến Trung Hoa, có vô số nữ nhân được sách lập làm Hoàng hậu khi còn sống, cũng có người được truy phong ngôi Hoàng hậu sau khi qua đời. Tuy nhiên, nếu tính thời gian tại vị thì có một Hoàng hậu có thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Đó là Chiêu Đức Hoàng hậu Vương thị, vị Hoàng hậu duy nhất của Đường Đức Tông Lý Thích.

Không có tài liệu lịch sử nào ghi chép cụ thể tên và ngày tháng năm sinh của Chiêu Đức Hoàng hậu, chỉ biết bà họ Vương, là người Tân Đô, Ích Châu (nay là quận Tân Đô, thành phố Thành Đô, Trung Quốc).

Vương thị xuất thân từ gia đình quan lại, phụ thân là Bí thư giám Vương Ngộ, mẹ là Trịnh thị. Vương thị được gả cho Lý Thích khi ông vẫn còn là Phụng Tiết quận vương, lúc đó bà ở độ tuổi 16, 17.

Đối với những nữ nhân được gả vào hoàng tộc, để ổn định địa vị và có thể thăng cấp cao hơn, họ nhất định phải có con trai. Năm 761, Vương thị hạ sinh trưởng nam Lý Tụng cho Lý Thích, nhờ đó mà bà càng được sủng ái hơn trước, lấn át những nữ nhân khác của Lý Thích. Năm 762, bà tiếp tục hạ sinh trưởng nữ.

Năm 779, Lý Thích lên ngôi Hoàng đế, tức Đường Đức Tông. Vào thời điểm đó, Vương thị được sách phong làm Thục phi, Lý Tụng được lập làm Thái tử.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, với sự sủng ái và địa vị cao quý của Vương thị, bà hoàn toàn có đủ tư cách bước lên ngôi Hoàng hậu. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số Hoàng đế nhà Đường, phi tần một khi trở thành Hoàng hậu sẽ thích dính đến chính trị, dẫn đến rối ren ở tiền triều lẫn hậu cung. Chính vì vậy, Đường Đức Tông quyết định không lập Hoàng hậu. Tuy nhiên, dù không có cái danh phận Hoàng hậu nhưng Vương thị đã là chủ nhân tại hậu cung của Đường Đức Tông.

Năm 783, hoàng tộc nhà Đường rời khỏi thành Trường An để tránh binh biến. Trong chuyến chạy nạn này, tình cảm giữa Thục phi Vương thị và Hoàng đế càng nồng ấm hơn. Nhưng cũng có biến cố bất ngờ xảy ra, con gái bà là Đường An Công chúa đã chết trên đường đi. Cái chết của con gái đã khiến sức khỏe lẫn tinh thần của Vương thị sa sút nhanh chóng. Năm 786, Thục phi Vương thị lâm trọng bệnh.

Sau khi trở về kinh đô, Đường Đức Tông muốn sách lập Vương thị làm Hoàng hậu để bày tỏ sự biết ơn với những gì bà đã giúp ông trong thời gian binh biến, nhưng sức khỏe của bà không thích hợp để tiến hành điển lễ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 786, Hoàng đế phát hiện sủng phi đã quá yếu, không còn cách nào chữa trị nữa. Đường Đức Tông vừa đau đớn vừa tức giận bản thân vì không lập sủng phi làm Hoàng hậu sớm hơn. Theo Cựu đường thư, Đức Tông bản kỷ và Hậu phi liệt truyện - Đức Tông Chiêu Đức Hoàng hậu ghi chép, ngày 3/12/786, Đường Đức Tông lập tức tiến hành lễ sách phong. Nhưng khi vừa kết thúc điển lễ thì Hoàng hậu Vương thị qua đời.

Tuy nhiên, theo ghi chép trong một số tài liệu khác như Tư trị thông giám hay Tân đường thư, thì Hoàng hậu Vương thị mất vào ngày 6/12/786, tức là 3 ngày sau khi chính thức được sách lập làm Hoàng hậu.

Nhưng dù là nửa ngày hay 3 ngày thì thời gian ở vị trí Hoàng hậu của Vương thị là vô cùng ngắn ngủi. Sau khi bà mất, Đường Đức Tông đã truy ban thụy hiệu cho bà là Chiêu Đức Hoàng hậu, lệnh cho toàn dân để tang Hoàng hậu 3 ngày, riêng Hoàng đế là 7 ngày. Không chỉ vậy, từ đó trở đi, Đường Đức Tông không hề lập nữ nhân nào làm Hoàng hậu nữa.

Theo Thủy Linh/Gia đình & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chuyen-ve-vi-hoang-hau-doan-menh-nhat-lich-su-trung-hoa-duoc-hoang-de-nhat-muc-yeu-thuong-nhung-chi-lam-mau-nghi-thien-ha-nua-ngay-thi-qua-doi/20210212010144025