Chuyện vui còn lắm nhiêu khê
Họ hàng, khách khứa tề tựu đông đủ, ông Lừng bồn chồn đi ra, đi vào, liên tục liếc nhìn đồng hồ. Hôm nay là ngày ăn hỏi cô Lài, con gái ông. Cô Lài kết hôn với cậu Hùng, người cùng làm công nhân sản xuất đồ điện ở khu công nghiệp ngoài thị xã. Nhà cậu Hùng ở xa, cho nên gia đình phải vất vả thuê xe ô-tô tới làm lễ ăn hỏi, rồi ở lại liên hoan với nhà gái.
Văn hóa và đạo đức
Ông Lừng mặc bộ com-plê rộng lùng thùng, do mấy hôm liền tất bật lo sắp xếp công việc mà có phần gầy xọp đi. Bà Vấn, vợ ông, diện áo dài lóng lánh, đeo dây chuyền lủng lẳng, tóc sấy loăn xoăn, khăn choàng thướt tha.
Ở buồng trong, nhân viên trang điểm tỉa tót nốt công đoạn cuối cho cô Lài thêm phần xinh xắn, má phấn môi son, mái tóc bồng bềnh, guốc cao gót lênh khênh điệu đà. Dù mới chỉ là lễ ăn hỏi, chưa tới ngày cưới chính thức, song để gây ấn tượng với nhà trai, Lài kỳ công thuê mướn váy áo, làm tóc, trang điểm.
“A, nhà trai đến rồi!”, tiếng tụi trẻ reo vang ngoài đầu ngõ. Mọi người hồ hởi hướng cả ra phía cánh cổng mở toang. Vì đường làng chật chội cho nên xe ô-tô chở nhà trai phải đỗ ngoài đầu thôn, sau đó cả đoàn cuốc bộ, bê đồ lễ đi vào. Dẫn đầu có vài cụ cao niên, rồi đến nhóm các chàng trai trẻ quần âu, áo trắng bưng đồ lễ và tiếp đó là chú rể chỉnh tề cùng họ hàng cô dì chú bác, bạn bè. Lần lượt các thành viên họ nhà trai bước qua cánh cổng sắt rộng mở tiến thẳng vào phòng khách nhà gái lúc đó đã đông người. Hai họ niềm nở bắt tay chào hỏi thân tình. Phần trao lễ vật, các chàng trai lần lượt chuyển cho các cô gái từng mâm lễ được phủ kín bằng những tấm vải đỏ. Ông Lừng thắp hương khấn ông bà tổ tiên xin lộc họ nhà trai. Mùi hương trầm phảng phất trong không khí rộn ràng.
Kết thúc phần lễ lạt, cỗ bàn được dọn ra. Mọi người lục tục ngồi vào mâm nâng cốc ăn uống, chuyện trò râm ran. Bữa tiệc đang rôm rả, bỗng bà Vít, em ruột bà Vấn, lách qua bàn bên đi tới hắng giọng lên tiếng: “Mạn phép hỏi nhà trai, hôm trước đã thống nhất, sao nay lại đưa thiếu tiền lễ ạ?”. Mọi người đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác. Phía nhà gái qua kiểm tra thấy tiền thách cưới thiếu mười triệu đồng. Thì ra, theo thỏa thuận ban đầu, nhà trai mang năm mâm lễ, ngoài số chè thuốc, trầu cau, bánh phu thê, mỗi mâm kèm thêm phong bì tiền mặt năm triệu đồng; nhưng nay mỗi phong bì rút xuống chỉ còn ba triệu đồng.
Sự việc trở nên nhốn nháo khi mấy bà cô, bà dì bên nhà gái mặt mày vẻ khó chịu, ngấm nguýt thì thào bảo nhà trai bù đủ số tiền lễ đã hứa. Một người bên nhà trai cũng chẳng chịu vừa bĩu môi nói đổng, tuy đã xuống giọng mà vẫn có nhiều người nghe thấy: “Cô dâu như thế mà thách cưới trên trời!” khiến không khí thêm phần căng thẳng. Lời qua, tiếng lại, ban đầu chỉ là những lời lào xào của một vài người, sau bùng lên thành cuộc tranh cãi, nhiều vị khách dự tiệc lắc đầu ngán ngẩm, có người ra về sớm. Đôi bạn trẻ thì lo âu nhìn nhau, luýnh quýnh chẳng biết giải thích ra sao với người lớn. Lài chạy vào phòng trong sụt sịt ôm mặt khóc, nước mắt nhòe nhoẹt lớp son phấn trang điểm. Vẫn may, cuối cùng ngày vui của đôi trẻ cũng được mấy cụ cao tuổi của hai họ dàn xếp ổn thỏa.
Chuyện cưới của cô Lài và cậu Hùng tưởng là không có gì, nhưng lại là chuyện của không ít đám hỷ thời nay. Trong cuộc sống hiện đại, việc cưới ở các nơi đã trở nên giản tiện, văn minh hơn. Đã đến lúc chuyện vui của các đôi trẻ cần bớt đi những nhiêu khê, rườm rà với ý nghĩa kỷ niệm một cách vui tươi, lành mạnh, nhất là phải bỏ đi các hủ tục thách cưới vẫn phổ biến ở một số địa phương.