Chuyện vụn đại ngàn: Chuyến thăm các đại lão mộc

Bước chân của những người quản lý rừng đang sải ngày một nhanh. Họ đang háo hức được gặp lại những người 'bạn cũ', thèm được vòng tay ôm lấy, cảm nhận hơi thở của những lão mộc. Những lão mộc rừng già đang ngày một hiếm đi nếu không có sự bảo vệ của những người yêu rừng như máu thịt.

Trạm quản lí và bảo vệ rừng giữa mênh mang sóng nước

Trạm quản lí và bảo vệ rừng giữa mênh mang sóng nước

Mười cây số gian nan

Chuyến đi tuần rừng cùng các thành viên thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lâm Bình (Tuyên Quang) bắt đầu lúc 6h sáng, khi sương còn chưa tan. Con thuyền rẽ nước, xuyên vào màn sương mờ ảo trên mặt hồ Thủy điện Tuyên Quang. Một lúc sau, đã bắt đầu thấy rừng, núi hiện ra hòa quyện vào nhau. Rừng xanh quá, xanh cả mặt hồ, xanh cả bầu trời. Khi sương tan, bóng những ngư dân đang lúi húi đặt lưới “bát quái” để bắt tôm dần hiện ra trên mặt hồ. “Lát nữa, anh em ta sẽ đi vào những tầng mây trắng!”, chỉ tay vào một cánh rừng nằm ven hồ, anh Phan Văn Thắng, thành viên thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình, hào hứng nói với tôi.

Trong chuyến đi này, chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng của các cây nghiến - một loại cây đặc trưng của các cánh rừng tại Lâm Bình. Nghiến là loài cây thân gỗ lớn, cao 30-35 mét, chu vi gốc phải 4-5 người trưởng thành mới ôm hết. Gỗ của cây nghiến rất cứng, dai và bền, rất phù hợp để dựng nhà sàn. Vì vậy, cây nghiến là một trong những mục tiêu ưa thích nhất của cánh lâm tặc. Đúng 7h sáng, con thuyền đỗ lại ở chân núi Khuổi Pín. Cả đoàn xuống thuyền, tiến vào rừng sâu. Quãng đường cả đi và về khoảng 10 cây số, dự kiến 3h30 chiều là về đích.

Phút dừng chân giải lao trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Phút dừng chân giải lao trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Những cây số đầu tiên không quá khó khăn vì đường đi còn bằng phẳng. Đi qua một con suối nhỏ, anh Nguyễn Chí Kiên - trưởng đoàn , bảo cả nhóm nghỉ chân để lấy nước uống, đề phòng việc lượng nước ngọt mang theo không đủ cho tất cả. Anh Thắng cẩn thận đặt những chiếc chai nhựa xuống khe suối, nơi có nguồn nước trong vắt lấy nước dự phòng. Tôi cũng khum bàn tay đón lấy chút nước vã lên mặt, nước mát lạnh, tỉnh hẳn. “Nhìn trong veo vậy chứ nước suối không ai đảm bảo là sạch đâu, đừng uống nhiều. Nhiều loài cây trong rừng có độc tố, nếu uống nước suối chảy qua rễ những loài cây đó sẽ bị đau bụng, đi rừng rất mệt. Tốt nhất vẫn là mang theo nước đun sôi để nguội”, anh Thắng nói. Phả hơi thuốc cuối cùng vào ánh nắng, trưởng đoàn Kiên khoát tay, cả đoàn lại bước tiếp.

Đi được khoảng 2 cây số, chúng tôi tới khu vực rừng quế rộng do các thành viên của BQL rừng phòng hộ Lâm Bình tự tay trồng và chăm sóc. Cây quế cho vỏ quế khô dùng để làm gia vị và làm thuốc, cho lá và cành dùng để chưng cất tinh dầu, cho gỗ quế dùng để xây nhà và làm bàn, ghế, tủ… Vậy nên, quế là loài cây hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Đường đi đã bắt đầu dốc hơn, mấp mô hơn, rậm rạp cây cỏ hơn. Những người quản lý rừng vẫn lao đi phăm phăm, dù trên lưng mỗi người là một chiếc ba lô đựng nước uống, thực phẩm, đồ dùng sơ cứu, quần áo… Tôi mím môi cố bắt kịp, hơi thở bắt đầu lạc nhịp. Nhưng mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Gặp lại “cố nhân”…

Từ cây số thứ 3 trở đi là khu vực rừng phòng hộ. Độ dốc ngày càng tăng lên, đủ loại cây bịt kín đường đi. Bốn bề là những vách đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn đủ hình thù, dựng đứng sừng sững như những bức tường thành. Tôi mở điện thoại, thấy cả bốn cột sóng đều đã trở thành bốn chấm nhỏ màu xám. Chỉ còn cây, đá và người đối mặt với nhau. Anh Quan Văn Hùng, một thành viên của BQL rừng, rút dao chặt lấy vài cành cây rồi vót nhọn đầu để làm gậy đi rừng cho cả đoàn. “Đi với hội “Tây ba lô” là không làm thế được đâu. Họ không cho chặt cái cành cây hay vặt cái lá nào cả. Đến cả vắt bám vào người họ cũng bảo chỉ được gỡ ra, vứt đi chứ không được giết. Rồi thấy rác là họ nhặt bỏ hết vào ba lô. Văn minh lắm!”, anh Hùng nói.

Gian nan, hiểm nguy tuyến đường bảo vệ rừng

Gian nan, hiểm nguy tuyến đường bảo vệ rừng

Những người quản lý rừng bước đi trên những vách đá cheo leo nhẹ nhàng như người ta đi bộ trong công viên. Vách đá nghiêng bên nào, họ nghiêng hông dồn trọng tâm cơ thể sang phía ngược lại để giữ thăng bằng. Những bước chân không dài mà nhỏ và nhanh, tưởng như đang lướt trên đá. Gặp những bờ vực nhỏ, họ khom lưng hạ trọng tâm, hai chân bật nhẹ, mang cả thân người bay vụt qua, tiếp đất nhẹ nhàng như một chú sóc ở tảng đá bên kia bờ vực. “Quan trọng nhất là phải kiểm soát được trọng tâm cơ thể để giữ thăng bằng”, anh Hùng nói.

Rừng đẹp nhưng rất nhiều cạm bẫy. Đó là những loài cây dây leo mọc dày đặc trên mặt đất, khiến người đi rừng rất dễ bị mắc chân, mất đà và ngã nhào vào một tảng đá tai mèo sắc lẹm, hoặc tệ hơn - ngã xuống vực. Đó là những thảm lá tưởng vững chắc, nhưng khi chọc chiếc gậy đi rừng vào, lá bỗng sụt xuống, để lộ những miệng hố sâu hun hút. Một thời gian sau, cây rừng rụng lá, những miệng hố ấy lại có một lớp ngụy trang mới. Khi bám vào đá, phải đặc biệt để ý vì không phải tảng nào cũng chắc chắn; chúng có thể rời ra và lăn trúng những người phía sau bất cứ lúc nào...

Với lực lượng 27 người, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đang quản lý gần 40.000 héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn, lớn nhất tại tỉnh Tuyên Quang. Địa hình của các cánh rừng phòng hộ phức tạp, nhiều đồi núi cao, vách đá dựng đứng và hang động, nhiều vùng gần như biệt lập với bên ngoài.

Cả đoàn cứ tiếp tục leo, trèo, đến khoảng 11 rưỡi trưa mới gặp những cây nghiến. Chúng đứng đó, sừng sững và hiên ngang như những thủ lĩnh của cánh rừng này. Theo anh Thắng, để đạt được chiều cao hơn 30 mét và có chu vi 4-5 vòng tay người trưởng thành, một cây nghiến phải trải qua 400 - 500 năm phát triển. Anh Hùng bước đến trước một cây nghiến, ngắm nghía thân cây một lúc rồi bỗng reo lên: “Đây rồi! Bút tích 3 năm trước vẫn còn ở đây!”. “Bút tích” là một dòng chữ màu trắng, đã rất mờ nhưng vẫn có thể đọc được: “KL-PH, …/10/20”. Thì ra, đó là dòng chữ chính tay anh đã viết bằng bút xóa 3 năm trước.

Anh Hùng giải thích, KL-PH nghĩa là kiểm lâm - phòng hộ, cụm từ này là sự xác nhận rằng hai lực lượng đã phối hợp làm việc cùng nhau. “Bọn anh viết như vậy lên thân cây rồi chụp lại để về báo cáo cấp trên về tình trạng hiện tại của cây”, anh Hùng nói, rồi viết bên dưới bút tích của mình dòng chữ “KL-PH, 5/10/23”. Viết xong, anh vòng tay ôm lấy thân cây một hồi lâu. Rồi anh ngả lưng lên một nhành rễ lớn của cây, lặng lẽ ngắm nhìn những tán lá rừng đang xào xạc trong gió.

“Anh muốn con cháu mình sau này phải biết cây nghiến là cây gì. Nếu không bảo vệ nó, tương lai gần thôi con cháu sẽ không còn biết tới cây nghiến nữa”, anh Hùng chia sẻ. Còn anh Triệu Văn Nội, một thành viên khác của BQL, cảm thấy gặp cây nghiến giống như gặp lại “cố nhân”. “Thấy cây vẫn còn đứng đó, thấy bút tích mình vẫn còn trên thân cây là vui lắm rồi. Lúc ôm thân cây, cảm thấy mình thật nhỏ bé, như đang được thiên nhiên che chở. Xúc động lắm chú ạ”. Có lẽ đó là cách để họ cảm nhận hơi thở, năng lượng và nghe lời tự sự ngàn năm của thiên nhiên chăng?

(Còn nữa)

Theo Việt Khôi (TPO)

Link bài gốc: https://tamviet.tienphong.vn/chuyen-vun-dai-ngan-chuyen-tham-cac-dai-lao-moc-post1580485.tpo

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-vun-dai-ngan-chuyen-tham-cac-dai-lao-moc-post253412.html