Chuyện 'xé rào' đưa thuốc điều trị đến F0 của Bí thư quận 6

Là quận đầu tiên phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 tự điều trị tại nhà dù chưa có hướng dẫn của Sở Y tế, Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin chia sẻ đây là quyết định phải làm.

Cuối tháng 7, quận 6 là nơi đầu tiên tại TP.HCM chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay khi chưa có hướng dẫn của ngành y tế. Phải đến giữa tháng 8, hai loại thuốc này mới được Sở Y tế chính thức hướng dẫn F0 sử dụng để điều trị tại nhà (túi thuốc B).

Từ gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, sau khi tìm hiểu, Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin (44 tuổi) hướng dẫn sử dụng thuốc này cho F0 điều trị tại nhà. "Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. Mình chần chừ thì đâu kịp", nữ Bí thư nói về quyết định khi đó của mình.

Nhìn lại giai đoạn ấy, Bí thư Hờ Rin thừa nhận lựa chọn "xé rào" của quận là hơi mạo hiểm, nhưng khi đó, số ca tử vong rất cao, bà không thể thấy có cách cứu dân mà không làm. Zing chia sẻ lại quá trình ra quyết định của nữ Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin qua lời kể của bà.

Không thể không làm

Trong tháng 6, quận 6 chỉ lác đác ca mắc Covid-19, không xuất hiện ca tử vong nào. Thế nhưng, quận có nhiều người dân liên quan tới các chuỗi lây nhiễm tại Công ty Lạc Tỷ (quận Bình Tân) và chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Đây là hai quận giáp ranh với quận 6.

Hai chuỗi lây nhiễm này khiến số ca mắc Covid-19 tăng dần, rồi dẫn đến những ca tử vong đầu tiên. Càng lúc, số ca tử vong càng tăng cao.

Khi đó, trong công tác phòng chống dịch, tôi nghĩ ở đâu cũng có cái khó. Trong y tế, cái khó lớn nhất của quận là thiếu nhân sự, trang thiết bị, sinh phẩm, các loại thuốc đặc trị, và việc chuyển viện cấp cứu. Thấy người bệnh tử vong nhiều, tôi chắc chắn ai cũng mong muốn làm sao phải giảm, và giảm nhanh tỷ lệ này.

Cuối tháng 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi vào nhóm chung của bí thư các quận/huyện/TP một đơn thuốc với 2 loại là kháng đông và kháng viêm. Hai loại thuốc này được dùng để điều trị có hướng dẫn cho F0 trong bệnh viện, khu cách ly. Tuy nhiên, thuốc này chưa được Sở Y tế hướng dẫn sử dụng ngoài cộng đồng.

Từ gợi ý của Bí thư Nên, tôi hỏi ý kiến một số bác sĩ. Ba tôi cũng là bác sĩ nên tôi được làm quen, tiếp xúc với các loại thuốc ngay từ nhỏ. Tôi biết thuốc kháng viêm không xa lạ gì với nhiều người dân, vấn đề là sử dụng sao cho đúng.

Với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm

Thời điểm khó khăn như thế, nhiều ca tử vong như thế, với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm.

Tại sao trong bệnh viện và khu cách ly dùng được mà chưa cho sử dụng ngoài cộng đồng? Vì thuốc này có chống chỉ định đối với một số trường hợp. Thế nên, điều quan trọng là trạm y tế phường phải hướng dẫn rõ và kỹ cho người dân trước khi sử dụng (phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày…)

 Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin (nữ áo xanh) báo cáo về nỗ lực chống dịch với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Phó thủ tướng tuyên dương mô hình chủ động của quận 6 và đề nghị các địa phương nhân rộng tinh thần này trong chống dịch. Ảnh: Thuận Thắng.

Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin (nữ áo xanh) báo cáo về nỗ lực chống dịch với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Phó thủ tướng tuyên dương mô hình chủ động của quận 6 và đề nghị các địa phương nhân rộng tinh thần này trong chống dịch. Ảnh: Thuận Thắng.

Tôi chủ động đề nghị bí thư 14 phường trong quận vận động để có 2 loại thuốc kháng đông, kháng viêm phát cho F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, phường có thể phát bổ sung các loại khác như thuốc hạ sốt, vitamin C…

Tôi biết khi đó mình yêu cầu một chuyện chưa có trong quy định và chưa được Sở Y tế hướng dẫn, nhưng vì tình thế cấp bách, mình phải lựa chọn và ra quyết định, không thể chần chừ.

Tôi dặn các phường khi điều trị F0 bằng thuốc này phải đưa xuống cho trạm y tế, hỏi rõ người dân có bệnh nền gì thì liên hệ bác sĩ của họ để phối hợp cho uống thuốc.

Tôi cũng thấy đây là một việc có phần mạo hiểm. Các phường cũng có chần chừ. Nhưng tôi phải rất quyết liệt, chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong.

Trong quá trình này, tôi thường xuyên theo dõi, động viên các phường. Phường nào chần chừ, tôi sẽ xuống kiểm tra nhiều lần, theo rất sát. Tôi hỏi đã mua thuốc chưa, phát chưa, đi xuống tận nơi chưa, đã có ai uống chưa, uống rồi thì như thế nào.

May mắn, từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Uống chừng 5-7 ngày thì xét nghiệm ra âm tính. Nhờ đó, nhiều người yên tâm với cách làm này.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) từng nhiều lần biểu dương quận 6 vì đã "xé rào", đưa thuốc điều trị tới dân sớm. Ảnh: Thuận Thắng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) từng nhiều lần biểu dương quận 6 vì đã "xé rào", đưa thuốc điều trị tới dân sớm. Ảnh: Thuận Thắng.

Ngoài việc dùng thuốc này, trước đó, từ tháng 6, tôi đã đề nghị các phường tăng cường tuyên truyền về các biện pháp nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể như sử dụng chanh, sả, gừng, lá tía tô, xông các loại thảo dược có tinh dầu… theo y học cổ truyền, sử dụng các loại vitamin phù hợp…

Đồng thời, tôi cũng đề nghị Hội Phụ nữ quận 6 nấu nước chanh - sả - gừng chuyển vào khu cách ly cho bệnh nhân điều trị, đề nghị các phường chủ động mua hoặc vận động để có chanh - sả - gừng phát cho các hộ dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân trong khu phong tỏa.

Song song đó, tôi cũng có đề nghị các cơ quan, đơn vị của quận, phường mua thêm vitamin C và D3 để phát cho cán bộ, công nhân viên, người dân hoặc thông tin để người dân tự mua uống các loại vitamin một cách phù hợp, tùy theo thể trạng của mỗi người.

Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong

Ngoài uống thuốc, quận phải kết hợp cả yếu tố ổn định tâm lý. Từ tháng 6 đến tháng 7, quận luôn trong tình trạng thiếu đội ngũ y tế, tôi chỉ đạo các bí thư phường phải phân công ít nhất 5 người/phường, công bố số điện thoại để sẵn sàng tư vấn cho F0 mỗi ngày.

Nhiều bí thư phường cũng đã chủ động tham gia các việc như lấy mẫu xét nghiệm, đến đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Khi có thuốc điều trị, tâm lý người dân cũng an tâm hơn, muốn điều trị ở nhà thay vì vào bệnh viện, thế nên đây cũng là một cách “chia lửa” với các cơ sở y tế tuyến trên.

Tiêm vaccine trong khu phong tỏa

Song song với việc điều trị bệnh nhân F0, quận tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vaccine. Trong đó, việc tiêm vaccine đối với những khu vực có nguy cơ như khu phong tỏa cần được chú trọng.

Nếu chờ giải tỏa phong tỏa mới tiêm thì sẽ rất chậm. Quận 6 lại có nhiều khu phong tỏa, làm như vậy lâu quá, tôi không chờ được. Ngoài ra, tôi nhận thấy, nhiều người dân trong khu vực phong tỏa có nguyện vọng, mong muốn được tiêm vaccine. Tôi quyết định chỉ đạo tiêm cả trong khu phong tỏa.

Nhiều người khi đó có tâm lý e ngại tiêm trong khu phong tỏa vì vùng nguy hiểm. Tôi phải xuống tận nơi đề nghị, động viên từng người.

 Giai đoạn đầu TP.HCM có chủ trương không tiêm vaccine trong khu phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Giai đoạn đầu TP.HCM có chủ trương không tiêm vaccine trong khu phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, tôi lưu ý việc tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ phải là những người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và đã đảm bảo thời gian để vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ.

Đồng thời, cách làm tôi đề nghị lúc đó là phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh (test nhanh) rồi mới tiêm. Đội xét nghiệm đến lấy mẫu test nhanh, nếu người dân có kết quả xét nghiệm âm tính thì mời tiêm vaccine, còn có kết quả dương tính thì điều trị. Thời điểm này, số lượng bộ xét nghiệm nhanh được cấp không đủ, tôi đã đề nghị các phường chủ động trang bị, vận động thêm bộ xét nghiệm nhanh để thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

Thời gian này, tôi cũng nhận thấy người dân nghe cụm từ “khu phong tỏa” dễ bị áp lực tâm lý bởi từ “khu” nghe vừa nhiều, vừa lớn, trong khi nhiều người trong đó không nhiễm bệnh. Do đó, tôi có đề nghị đổi sang dùng từ “điểm phong tỏa”, phạm vi là theo hộ gia đình, theo hướng dẫn của Bộ Y tế là “địa điểm cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19”, người dân nghe cũng bớt áp lực hơn.

Nhờ các cách làm đó, quận đạt được 3 mục đích: Phủ vaccine, xét nghiệm và giải tỏa tâm lý cho người dân. Ở đâu mà nhân dân an tâm, đồng thuận thì sẽ góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Dám nghĩ, biết làm, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm

Hiện giờ, thuốc đã đủ, vaccine đã phủ, đội ngũ y tế được tăng cường, tình hình đi vào ổn định.

Quận đang xét nghiệm diện rộng để phát hiện F0 theo chủ trương của thành phố. Nhiều phường sắp hết vòng xét nghiệm thứ 3, có phường đã qua vòng thứ 4. Vòng 1, tỷ lệ dương tính là 6,9%. Vòng 2 là 2,9%. Vòng 3 là 1,5%. Tôi tin chắc rằng vòng 4 sẽ giảm.

Sau khi hoàn thành vòng 4, các phường sẽ tiếp tục thực hiện việc xét nghiệm vòng 5 (từ ngày 13/9 đến 15/9) ở tất cả vùng. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn còn trường hợp dương tính thì tiếp tục thực hiện việc xét nghiệm vòng 6, vòng 7 ở tất cả vùng theo chu kỳ 3 ngày/vòng.

Sau vòng 7, khi số ca dương tính còn dưới 20, các phường sẽ tiếp tục xét nghiệm với khu vực có ca dương tính theo chu kỳ tương tự như trên.

Song song đó, định kỳ 5-7 ngày sẽ thực hiện việc xét nghiệm ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ có người nhiễm; đồng thời, gửi bộ xét nghiệm, hướng dẫn và khuyến khích người dân tự xét nghiệm, báo về phường nếu có ca dương tính. Việc này sẽ tiến hành thường xuyên, song song với việc phục hồi kinh tế, văn hóa, xã hội…

Mình phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, quyết tâm cao, kiên trì, chủ động, phải "dám nghĩ, biết làm"

Nhìn lại thời gian qua, tôi thấy kinh nghiệm đầu tiên là mình phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, quyết tâm cao, kiên trì, chủ động, sâu sát với cơ sở, phải “dám nghĩ, biết làm, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm”. Dám làm mà làm không đúng thì cũng bằng không, nên phải biết làm sao cho đúng, dựa trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, suy nghĩ thấu đáo, tính toán thật kỹ, tham khảo nhiều nơi, nhiều nguồn, tự bản thân đúc kết phương pháp, cách làm… để đưa ra chỉ đạo đúng.

Hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, trên dưới đồng lòng. Vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành rất quan trọng. Một chủ trương muốn biến thành hiện thực thì phải kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đề ra giải pháp phù hợp, quan tâm, giải quyết rốt ráo.

Song song với phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải luôn xuyên suốt, hiệu quả bởi để dân thiếu, dân đói, dân không an, xã hội không an toàn, không ổn định thì không thể phòng chống dịch hiệu quả.

Quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng, ủng hộ, giúp sức của nhân dân. Điều này có ý nghĩa quyết định. Cả hệ thống chính trị vào cuộc và có sự tham gia tích cực của người dân, khi người dân hiểu, biết làm, cùng làm, có thể tự kiểm tra, giám sát, ủng hộ thì việc gì khó mấy cũng xong.

Trong các chuyến thị sát tại quận 6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần biểu dương lãnh đạo quận 6 vì quyết liệt "xé rào" để cứu dân. Ông nhận định quận rất sáng tạo, vận dụng rất tốt các biện pháp phòng chống dịch từ các văn bản hướng dẫn chung của Bộ Y tế, thành phố với mục tiêu hiệu quả trên hết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.

Tính đến ngày 11/9, quận 6 có 12.117 ca mắc Covid-19. Quận hiện có khoảng 7.200 F0 điều trị tại nhà. Về vaccine, quận hiện đã phủ vaccine mũi 1 cho 96% người dân trên 18 tuổi và tỷ lệ tiêm mũi 2 là 14%.

Bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư quận 6

Thu Hằng ghi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-xe-rao-dua-thuoc-dieu-tri-den-f0-cua-bi-thu-quan-6-post1261665.html