Chuyện 'xe to đền xe nhỏ' nhìn từ một phiên tòa

Chứng kiến phiên tòa mới đây tại TAND quận Cầu Giấy, nhiều người chắc chắn sẽ phải thay đổi suy nghĩ 'xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ'.

Tài xế Nam (bên phải) cùng luật sư vui mừng vì không bị xử án tù giam sau khi kết thúc phiên tòa ngày 29/6

Tài xế Nam (bên phải) cùng luật sư vui mừng vì không bị xử án tù giam sau khi kết thúc phiên tòa ngày 29/6

Trên nguyên tắc chung của luật thì vẫn là ai sai, ai gây ra tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm. Mặc dù vậy, nguyên tắc bất thành văn “xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ” vẫn phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, chứng kiến phiên tòa mới đây tại TAND quận Cầu Giấy, nhiều người chắc chắn sẽ phải thay đổi suy nghĩ.

Cơ hội mở cho tài xế container

Ngày 29/6, TAND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm Luật GTĐB gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo là anh Nguyễn Văn Nam (SN 1988, ở huyện Kiến An, TP Hải Phòng), lái xe cho Công ty CP Giao nhận vận tải Đức Phúc (có địa chỉ tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội).

Theo cáo trạng, vào 16h ngày 21/12/2018, anh Nam điều khiển ô tô đầu kéo container BKS 29C-924.5x kéo theo rơ-moóc 29R-075.5x chở 2 container gạch men đi trên đường Hồ Tùng Mậu. Khi chuyển hướng rẽ phải, xe container do tài xế Nam điều khiển đã đâm vào xe mô tô BKS 37B1-832.3x do chị Nguyễn Thị H. (SN 1977, trú xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) điều khiển. Hậu quả, chị H. bị thương dập nát đùi, cẳng chân phải; gãy xương đùi phải; gãy hai xương cẳng chân trái... Sau một thời gian chữa chạy, giám định pháp y cho kết quả: Chị H. bị tổn hại 79% sức khỏe.

Kết luận điều tra cho thấy, tài xế Nam điều khiển xe khi có GPLX, giấy tờ xe và các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện đầy đủ. Lỗi của tài xế là rẽ phải thiếu chú ý quan sát. Còn chị H. điều khiển mô tô khi không có GPLX, điều khiển xe máy vượt xe khác không đúng quy định.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, tài xế Nam cho hay, sau tai nạn, dù đã dốc hết sức vay mượn khắp nơi để điều trị cho chị H., nhưng anh luôn nghĩ mình chắc chắn sẽ phải đi tù. “Cả hai chúng tôi đều sai, nhưng tôi luôn nghĩ ở Việt Nam vẫn có lệ “xe to đền xe bé”, “người lành đền người què” nên vẫn chuẩn bị sẵn tinh thần”, tài xế kể.

Thời điểm trước tai nạn, Nam chuẩn bị kết hôn. Ngoài dự kiến hủy bỏ mọi hẹn ước với người yêu, Nam còn đau đáu lo cho mẹ già. Nhà Nam chỉ có hai mẹ con, trước nay Nam là trụ cột kinh tế cho mẹ. Khi tai nạn xảy ra, mẹ Nam phải bươn trải đi phụ hồ, còn Nam chuyển sang đi lắp đặt điều hòa để lấy tiền đền bù cho chị H.

Thế nên, khi Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án tù treo trong sự đồng tình của những người dự tòa, kể cả người thân của nạn nhân, thì Nam khá ngỡ ngàng. “Tôi có cơ hội được cải tạo không giam giữ, tức là tôi vẫn có thể đi làm nuôi mẹ, trả nợ tiền vay đền bù cho chị H., cũng như thăm hỏi, chăm sóc chị H. được tốt hơn”, Nam nghẹn ngào tâm sự ngay sau phiên xét xử và cho biết, sẽ về tìm người thương để tổ chức đám cưới.

Không còn chuyện “xe to đền xe nhỏ”

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa container do tài xế Nam điều khiển và xe máy của chị H.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa container do tài xế Nam điều khiển và xe máy của chị H.

Tham gia bào chữa cho Nam tại phiên xét xử, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, đối với vụ án này, Hội đồng xét xử rất nhân văn, đồng thời cân nhắc, lỗi của tài xế Nam chỉ có 10 - 15% và lỗi của bị hại nhiều hơn.

“Tài xế Nam có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như nhân thân rất tốt và đã hỗ trợ, chăm sóc chu đáo cho nạn nhân, được gia đình nạn nhân có đơn xin giảm án từ giai đoạn điều tra truy tố và đến giai đoạn xét xử. Nam khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, phạm tội nhưng chưa gây hậu quả lớn”, luật sư Hiệp phân tích.

Theo luật sư Hiệp, theo quy định thì hành vi của tài xế Nam thuộc khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm… “Ban đầu tài xế Nam xác định tinh thần sẽ phải ngồi tù ít nhất 6 tháng, nhưng sau đó được tòa tuyên án án 10 tháng cải tạo không giam giữ. Tòa đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đưa ra một bản án thấu tình, đạt lý, rất nhân văn”, luật sư Hiệp nói.

Từng tham gia bào chữa cho nhiều vụ TNGT, trong đó có vụ tai nạn giữa xe container và xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên làm 4 người tử vong, luật sư Hiệp cho biết: Từ trước tới nay, mọi người thường có suy nghĩ cứ tai nạn xảy ra là xe to phải đền xe bé. Xe lớn đền xe bé khi va chạm giao thông là quan niệm luật bất thành văn đã tồn tại trong suy nghĩ của người dân nhiều năm qua. Quan điểm này hình thành phần nào dựa trên cảm tính rằng phương tiện lớn hơn khi vận hành khả năng xảy ra lỗi trong tai nạn nhiều hơn; người điều khiển có khả năng tài chính tốt hơn để bồi thường thiệt hại xảy ra.

“Nhưng đó là quan điểm của ngày xưa. Hiểu đúng đắn, đầy đủ theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường phải dựa trên yếu tố lỗi. Lỗi lớn hay lỗi nhỏ đều do con người điều khiển, vì vậy lỗi của ai nhiều thì người đó phải chịu trách nhiệm, không nên quy kết việc cứ xe to là phải bồi thường tiền”, luật sư Hiệp nói.

Lưu Huế

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-xe-to-den-xe-nho-nhin-tu-mot-phien-toa-d471549.html