Chuyện xóa nghèo ở Phường 5 – khi đường lối của Đảng là 'kim chỉ nam'
Phường 5 (TP. Sóc Trăng) có gần 90% là đồng bào Khmer, nhưng đến cuối năm 2020 đã không còn hộ nghèo. Đây là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ để cùng thực hiện các giải pháp giảm nghèo trong suốt cả nhiệm kỳ và khẳng định sự đúng đắn khi có đường lối lãnh đạo của Đảng làm 'kim chỉ nam' cho mọi hành động.
Xây dựng đảng viên có phẩm chất, năng lực
Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng – Bí thư Đảng ủy Phường 5 cho biết, xác định công tác xây dựng Đảng là khâu then chốt, Ban Chấp hành Đảng bộ đã thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Thành ủy về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực đổi mới bắt đầu từ việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và tăng cường tổ chức thảo luận để đảng viên được trau dồi, hiểu sâu, vận dụng hiệu quả vào thực tế. Quan tâm định hướng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là quần chúng người Khmer gắn với xây dựng, củng cố tổ chức đảng. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, có 8 đảng viên được cử học lớp trung cấp chính trị, 2 đảng viên học lớp cao cấp chính trị, đến cuối nhiệm kỳ, cán bộ, công chức phường đều đạt chuẩn.
Bà Thạch Thị Bạch, Khóm 3, Phường 5 chăm chỉ trong lao động để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 – 2020, toàn phường kết nạp được 43 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 300 người (trong đó có 101 đảng viên người Khmer) sinh hoạt ở 12 chi bộ trực thuộc. Hàng năm, tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh từ trên 50%, không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, riêng năm 2018 được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Có được kết quả đó, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Phường 5 đã quyết liệt chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, đổi mới nội dung, quy trình ban hành nghị quyết, xác định được những vấn đề trọng tâm để tập trung lãnh đạo. Việc phân công cấp ủy viên phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn đã cụ thể hơn, gắn trách nhiệm các cá nhân với cơ sở. Kịp thời uốn nắn những đảng viên có biểu hiện lệch lạc, kiên quyết xử lý đảng viên vi phạm để làm trong sạch bộ máy, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xử lý kỷ luật 3 đảng viên (chiếm tỷ lệ dưới 1%). Nhờ làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương mà Thành ủy giao cho.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm: “Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, với tinh thần chủ động, khẩn trương củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt sau đại hội, Đảng bộ Phường 5 đã sớm ổn định bộ máy cấp ủy, chính quyền. Từ đó, phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể và năng lực, sở trường công tác của mỗi cán bộ trong xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Tin tưởng rằng, Phường 5 sẽ sớm đưa nghị quyết đại hội Đảng bộ phường đi vào cuộc sống".
Lãnh đạo thực hiện hiệu quả xóa nghèo
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ Phường 5 đã khai thác hiệu quả lợi thế là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, hình thành và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện đồng bộ. Nhiều mô hình có hiệu quả như: cánh đồng lúa cao sản, đặc sản, với diện tích gần 1.450ha thí điểm sản xuất lúa ST; mô hình trồng màu, áp dụng kỹ thuật mới, kết hợp chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập gia đình, cải thiện đời sống người dân... Từ đó, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên cùng một đơn vị diện tích đạt 152 triệu đồng/ha/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Công nhiệp, thương mại dịch vụ cũng được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo phát triển. Toàn phường có 46 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ và quy trình sản xuất luôn được đổi mới, nên tình hình sản xuất kinh doanh của phường phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao, giá trị sản phẩm tăng từ 11 tỉ đồng năm 2015, đến nay lên 38 tỉ đồng.
Theo đồng chí Lý Kim Sươl – Phó Chủ tịch UBND Phường 5, năm 2016 phường có 709 hộ nghèo, đến năm 2020 không còn hộ nghèo nào. Đây là điểm nổi bật đối với công tác giảm nghèo của địa phương. Để làm được điều này, Đảng bộ phường xác định mục tiêu là giúp cho người dân thoát nghèo bền vững, từ đó huy động nhiều nguồn lực, đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để mọi người dân phấn đấu tham gia thực hiện. Đồng thời, trong quá trình chỉ đạo phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nhu cầu của từng hộ nghèo để tháo gỡ, hỗ trợ; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xóa nghèo…
Bà Thạch Thị Bạch là một trong những hộ nghèo của Khóm 3 được hỗ trợ thoát nghèo. Cả hai vợ chồng đều lớn tuổi phải nuôi con bị tật câm, điếc bẩm sinh. Năm 2019, gia đình bà được địa phương vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà tình thương, nhờ vậy mà có nơi ăn, chốn ở ổn định. Vui mừng hơn là đầu năm 2020, gia đình bà tiếp tục được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản và cho vay vốn để duy trì mô hình chăn nuôi. Đến cuối năm 2020, bà Bạch đăng ký thoát nghèo. Bà cũng là 1 trong 37 hộ cuối cùng của Phường 5 đã thoát nghèo.
Đồng chí Lý Kim Sươl nhấn mạnh: “Để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được, trong thời gian tới, phường sẽ triển khai và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo hướng giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ về thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.
Được biết, tính đến cuối năm 2020, toàn TP. Sóc Trăng chỉ còn 44 hộ nghèo, có 3/10 phường không còn hộ nghèo, trong đó có Phường 5.