Chuyện xóa nhà dột nát ở Yên Thuận

Từ những ngôi nhà tạm bợ, nhà tranh vách nứa, với các hộ nghèo trên địa bàn xã Yên Thuận (Hàm Yên), những ngôi nhà mới được xây dựng từ Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thực sự là món quà hiện thực hóa giấc mơ 'an cư', tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Xóa nhà mái cọ, phên nứa

Đến với những hộ nghèo ở xã Yên Thuận những ngày này, cảm nhận rõ được niềm vui, niềm hạnh phúc của rất nhiều người dân khi dọn vào ở ngôi nhà mới vừa xây.

Cán bộ, các đoàn thể và người dân địa phương giúp ngày công xây dựng nhà cho hộ nghèo ở xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Cán bộ, các đoàn thể và người dân địa phương giúp ngày công xây dựng nhà cho hộ nghèo ở xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, có diện tích 60m2 được xây mới, đưa vào sử dụng tháng 6-2024, hai vợ chồng ông Trương Văn Cải, thôn Lục Khang tuy không giao tiếp được bằng lời nói nhưng cử chỉ, niềm vui rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt. Ông Đặng Xuân Lịch, Trưởng Ban công tác Mặt trận, người có uy tín của thôn Lục Khang kể: “Gia đình ông Cải thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng đều bị câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Hàng chục năm sống trong căn nhà tạm bợ, mái cọ, phên nứa. Năm 2024, nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, các đoàn thể trong thôn và nhân dân cùng giúp đỡ ngày công hỗ trợ làm nhà giúp hai vợ chồng ông Cải, gia đình ông Cải không còn cảnh nơm nớp lo sợ nhà bị dột khi mưa lớn, mối mọt bị sập nữa”.

Niềm vui của vợ chồng ông Trương Văn Cải cũng là niềm vui của những người nghèo khác trên địa bàn xã khi được quan tâm, giải quyết nhu cầu về nhà ở.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến thôn An Thịnh, trò chuyện với bà Đặng Thị Nhàn mới thấy được những vất vả, lo toan mà người mẹ đơn thân bao năm đã phải vượt qua, trong khi người con trai đã lập gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Căn nhà xập xệ, trống trước, hở sau. “Những cơn mưa rả rích, mỗi khi có gió giật mạnh, kèm theo giông, là tôi lại thót tim vì sợ nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào” - bà Nhàn nói.

Với 50 triệu đồng tiền hỗ trợ theo Đề án 308 (Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025), nay căn nhà cấp 4 kiên cố được xây mới với diện tích 40 m2 che nắng che mưa cho bà mỗi khi trái gió trở trời, “Tuổi xế chiều được sống trong ngôi nhà kiên cố, vững chãi thế này. Tôi rất biết ơn các cấp lãnh đạo, các nhà hảo tâm và bà con nhân dân trong thôn đã quan tâm tới tôi. Từ nay nhà tôi không còn lo trời nắng cũng như trời mưa không sợ thấm dột hay gió lùa nữa rồi” - bà Nhàn xúc động nói.

“An cư, lạc nghiệp” vươn lên thoát nghèo

Tiếng xôn xao phấn khởi vang cả thôn Cuổm, nay người thân và bà con lối xóm đến chung vui với gia đình anh Lý Văn Thông dọn vào ở trong căn nhà mới trước Tết Ất Tỵ 2025.

Anh Lý Văn Thông (bên phải) vui mừng khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.

Anh Lý Văn Thông (bên phải) vui mừng khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.

Khi chúng tôi đến nơi, vợ chồng anh Thông niềm nở đón khách. Có tường tận hoàn cảnh của gia đình anh Thông mới thấu hiểu được hết niềm vui mừng của anh chị khi có căn nhà mới khang trang, nằm ngoài sức tưởng tượng. Hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, cỡ gần chục năm trời vợ chồng anh chị cùng 2 cô con gái nhỏ sống trong nhà mái cọ, phên nứa, mùa hè giữa cái nắng tháng 6 nóng hầm hập, bí bách. Nhưng đến mùa đông thì gió lạnh lùa “cắt da cắt thịt”, vợ chồng con cái dúm vào nhau, co ro tránh rét rất khổ sở nên việc có một mái nhà riêng vẫn luôn là ước mơ của đôi vợ chồng người Tày nơi khuất nẻo trong vùng đất Cuổm này.

“Vợ chồng tôi ra ở riêng, ruộng đất ít lại bạc màu nên sản lượng không được là bao, công việc bấp bênh, không ổn định, hai đứa con nhỏ, lo chuyện ăn uống thôi cũng đã không đủ. Được nhà nước hỗ trợ kinh phí, vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn thêm, cùng với sự động viên, giúp đỡ của hai bên nội, ngoại cũng như xóm làng nên đã xây được ngôi nhà mới trước thềm Tết Nguyên đán 2025. Năm nay, gia đình tôi sẽ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm” - anh Thông phấn khởi nói.

Giờ đây, trong căn nhà khang trang với tổng diện tích 100 m2, hai vợ chồng anh Thông và 2 cô con gái nhỏ không còn phải lo cảnh chạy mưa trong căn nhà cũ dột nát, xuống cấp từ nhiều năm của mình. Mà có thể yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, và các nguồn lực xã hội hóa, năm 2024, xã Yên Thuận có 30 hộ được xây nhà mới theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo của tỉnh cũng như xã hoàn thiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2025, bằng nhiều giải pháp huy động các nguồn lực, Đảng ủy, UBND, MTTQ xã quyết tâm phấn đấu rà soát và xây dựng hoàn thành những căn nhà còn lại trên địa bàn xã theo quy định “3 cứng” xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân”.

Rời Yên Thuận khi nắng chiều sắp tắt, chúng tôi bắt gặp những căn nhà mới đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng. Những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đã tạo bệ đỡ cho người dân nghèo nơi đây có mái ấm để an cư, an tâm phát triển kinh tế. Và quan trọng không kém chính là tinh thần chủ động, ý chí, nghị lực thoát nghèo của bà con nhân dân.

Bài, ảnh: Mai Dung

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chuyen-xoa-nha-dot-nat-o-yen-thuan-204543.html