Chuyện xưa ở Him Lam
ĐBP - 66 năm đã trôi qua từ ngày giải phóng Ðiện Biên. Mọi thứ trên vùng 'cửa ngõ' Him Lam đều thay đổi, nhưng ký ức một thời dù đau thương vẫn sắt son tin Ðảng, đồng lòng vượt khó đi lên mãi là niềm tự hào, lời nhắc nhở, động lực cho thế hệ sau nỗ lực vươn lên, dựng xây mảnh đất này.
Vợ chồng ông Lường Văn Cu, bản Huổi Phạ cùng xem ảnh cũ, ôn lại ký ức Him Lam một thời gian khó.
Con trai ông Lò Văn Cu, bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ vừa hoàn thiện ngôi nhà sàn khang trang, to đẹp và tổ chức ăn mừng tân gia rộn rã. Sau bữa tiệc trưa, mọi người trong gia đình đều đi nghỉ, còn ông Cu ngồi lặng lẽ bên lan can, nhìn đường sá, người qua lại. Hỏi thì được ông cho biết: “Mỗi lần con, cháu dựng nhà mới, tôi lại nhớ hồi Pháp nhảy dù xuống đây, cưa, phá nhà cửa rồi phóng hỏa, thả bom thiêu rụi mọi thứ. Cả bản bị Thực dân Pháp dồn vào trong trại tập trung. Sau giải phóng thì trắng tay chỉ căng được túp lều che mưa, che nắng. Phải 3, 4 năm sau mới làm được nhà tạm để ở”. Ký ức ông hồi tưởng là thời gian khó khăn, nhiều nước mắt nhất của người dân Him Lam nói riêng, lòng chảo Mường Thanh nói chung khi Pháp vào chiếm đóng 1953 - 1954. Ông Cu năm nay 85 tuổi nhưng vẫn nhớ rõ, trước đây bản Him Lam có 30 hộ dân thuần nông, dù sản xuất còn lạc hậu nhưng cũng tạm đủ ăn, đủ mặc. Thực dân Pháp đến đã phá hết mọi thứ, từ nhà cửa đến ruộng nương và đẩy người dân vào cuộc sống khốn cùng. “Không đủ lương thực, không có thuốc men, thiếu thốn cả nước sinh hoạt. Chúng tôi bắt buộc phải dùng nước suối để nấu ăn, đun uống dù không đảm bảo vệ sinh. Mỗi gia đình đều khoét một hố sâu bên bờ suối, chờ nước ngấm vào đầy rồi múc về dùng chứ không dám lấy trực tiếp tại suối” - ông Cu nhớ lại thời gian ở trong trại tập trung của Pháp. Ðó còn là những ngày “ăn không ngon, ngủ không yên, chết lúc nào không biết” (theo lời ông Cu kể) khi bom đạn của cuộc chiến 56 ngày đêm dội liên tục, cả ngày lẫn đêm.
Cùng tại mảnh đất Him Lam, những năm ấy người dân bản Huổi Phạ cũng điêu đứng, khổ cực. Ông Lường Văn Cu (90 tuổi), người bản địa, kể rằng: “Khi Pháp tràn vào bắn phá, cả bản Huổi Phạ đều lo sợ, thả hết trâu lên đồi, rồi mang theo ít đồ đạc cần thiết sơ tán lên rừng Huổi Sai Ðường (thuộc địa phận bản Tân Quang, xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ ngày nay). Ở được gần 10 ngày thì bị Pháp phát hiện, bà con lại cùng nhau chạy xuống trú trong rừng hồ Huổi Phạ. Pháp thả bom đe dọa làm ai nấy đều lo sợ nên dắt díu nhau về bản, bị Pháp đưa vào trại tập trung”. Huổi Phạ thời ấy có 8 thanh niên bị Pháp bắt đi lính, lao động khổ sai. Ông Cu không phải phục dịch cho địch nhưng nhiều lần bị bắt đi chặt những bụi tre gai bên bờ sông, bờ suối để Việt Minh không có nơi ẩn nấp. Những ngày tháng khổ ải trong trại tập trung phần nào được xoa dịu nhờ mỗi khi đêm xuống, bộ đội ta bí mật vào động viên, làm tư tưởng cho người dân và mang thuốc vào giúp dân bản chữa bệnh. Vì thế mà dù khó khăn, nguy hiểm, bà con vẫn đồng lòng nuôi giấu bộ đội, kiên trì bám trụ, không trốn qua biên giới, không làm lính cho Pháp, giữ niềm tin bộ đội cụ Hồ sẽ sớm giải phóng nơi đây.
Gian khổ thời chiến không còn nhưng ký ức Him Lam một thời đau thương vẫn hằn sâu trong tâm trí những người cao tuổi bản địa, và thường được nhắc, kể lại cho con cháu thế hệ sau. Hình ảnh Him Lam xưa còn đọng cả trong trí nhớ của những chiến sĩ Ðiện Biên đã đương đầu với đạn bom để giành lại từng tấc đất nơi đây. Ông Hoàng Công Ðẩy (Ðại đội 946, Tiểu đoàn 654, Trung đoàn 165) là cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 19, phường Him Lam. Ông Ðẩy kể lại: “Tôi không tham gia trận đánh Trung tâm Ðề kháng Him Lam nhưng khi chúng tôi bí mật tiến quân vào Mường Thanh (tháng 1/1954) thì cả Him Lam và vùng lòng chảo đã bị tàn phá tan hoang, cây cối cũng bị chặt gần hết. Ngay sau ngày chiến thắng, sáng 8/5/1954, đơn vị chúng tôi phải hành quân về xuôi tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận khác. Ði qua cửa ngõ Him Lam, người dân các bản đã đứng đông 2 bên đường vẫy tay chào. Mặc dù vừa ra khỏi trại tập trung, mọi thứ đều ngổn ngang, không nhà cửa nhưng bà con vẫn rất tình cảm. Cảm ơn bộ đội bằng những cái bắt tay thật chặt và nhảy, múa, hát mừng chiến thắng”.
Sau ngày giải phóng, đã có nhiều chiến sĩ Ðiện Biên được giao nhiệm vụ ở lại “3 cùng”, giúp người dân các bản gây dựng lại cuộc sống. Bộ đội không chỉ giúp dân thu dọn tàn tích chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh còn giúp những đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, san sẻ với bà con từng hạt muối, hạt gạo. Bộ đội giúp các bản bình bầu và vận hành lại bộ máy chính quyền bản để lãnh đạo nhân dân cùng nhau chung sức vượt khó. Ông Lường Văn Cu cho biết: “Tại bản Huổi Phạ chúng tôi, bộ đội chia thành từng tổ ở tại nhà dân cả tháng để cùng người dân lên nương, xuống ruộng, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất. Bộ đội có gì tốt cũng cho dân, nhưng khi dân cho, dân tặng lại bất cứ cái gì các anh cũng không lấy. Ai cũng quý các anh như con cháu, anh em trong nhà”.
Nhờ sự giúp sức ấy của Bộ đội Cụ Hồ và nỗ lực của người dân bản địa, Him Lam dần hồi sinh, đơm những trái ngọt. Gắn bó với Him Lam gần cả đời người, cựu chiến binh Hoàng Công Ðẩy kể rằng: “Him Lam đi lên từ con số 0, đến giờ đây đổi thay quá nhiều, không tả nổi”. Quả thật, Him Lam ngày nay đã trở thành 1 đơn vị hành chính quan trọng của TP. Ðiện Biên Phủ với nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ. Những bản làng đồng bào dân tộc Thái xưa kia vẫn còn ở chốn cũ, nhưng ngày càng đủ đầy, hiện đại, văn minh hơn. Và còn là bản văn hóa du lịch thu hút khách thập phương. Kỷ niệm ngày diễn ra trận mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đánh vào Trung tâm Ðề kháng Him Lam của Pháp (13/3), chúng tôi muốn nhắc lại một vài câu chuyện xưa ở Him Lam để thế hệ trẻ thấy được hình ảnh một mảnh đất với những con người đã từng trải qua đau thương và đi lên từ tận cùng gian khó. Chính sự kiên cường từ trong quá khứ ấy đã, đang và sẽ bồi đắp thêm nỗ lực, quyết tâm cho những người con của Him Lam cùng chung tay dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/176454/chuyen-xua-o-him-lam