Chuyện 'xuất ngoại' ở vùng cao

Những năm qua, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được nhiều xã vùng cao xem là hướng đi đột phá trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Từ nguồn tiền XKLĐ con trai gửi về, gia đình ông Lương Văn Sơn ở xã Tân Phúc (Lang Chánh) đã đầu tư phát triển chăn nuôi.

Ví dụ như ở xã Điền Trung (Bá Thước), để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hằng năm xã chỉ đạo các thôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, xã chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động địa phương nhằm kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về thủ tục để người lao động tiếp cận vốn nếu có nhu cầu.

Với những giải pháp trên, đến nay xã có 46 lao động đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Chủ tịch UBND xã Điền Trung Nguyễn Văn Thành cho biết: Các lao động đi làm việc ở nước ngoài có lương ổn định với thu nhập từ 20 đến 60 triệu đồng tùy theo đơn hàng. Từ nguồn tiền người lao động gửi về, nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, đầu tư chăn nuôi và trồng cây các loại góp phần nâng cao thu nhập. Ví dụ như hộ ông Nguyễn Đức Toàn ở thôn Điền Thái, có con là Nguyễn Đức Tuân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Hàn Quốc, có nguồn thu nhập ổn định gần 60 triệu đồng/tháng. Hay như hộ ông Trương Văn Mừng ở thôn Giát, có con là Trương Văn Quý đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc làm thợ hàn, thu nhập trên 60 triệu đồng/tháng. Công tác XKLĐ đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm, nếu như năm 2020 là 9,95%, thì nay còn 3,27%. Hơn nữa, người đi XKLĐ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, khi về nước sẽ bổ sung cho địa phương một lực lượng lao động có kỹ thuật, tay nghề.

Xác định XKLĐ không chỉ góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, mà còn là cơ hội để một xã miền núi như Tân Phúc (Lang Chánh) nâng cao chất lượng về nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng số người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Vì vậy, từ năm 2019 trở về trước, công tác XKLĐ đã được xã quan tâm nhưng chưa đạt kết quả do nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin về thị trường XKLĐ... Từ năm 2020 trở lại đây, xã đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của công tác XKLĐ. Đồng thời, liên hệ, phối hợp với nhiều công ty XKLĐ đủ tư cách pháp nhân, có uy tín đến từng thôn, từng nhà để tư vấn, tuyên truyền, vận động, khuyến khích người lao động tham gia ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm để tiếp cận được nhiều hơn với các doanh nghiệp và thị trường lao động...

Đến nay, toàn xã có 68 người đang làm việc ở nước ngoài, với thu nhập bình quân từ 15 đến 30 triệu đồng. Đời sống của những gia đình có con em đi XKLĐ có những chuyển biến mạnh mẽ. Đơn cử như hộ ông Lương Văn Sơn ở thôn Lập, có con là Lương Văn Tuy đang tham gia XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc. Ông Sơn chia sẻ: "Sau gần 3 năm con trai đi làm việc tại Hàn Quốc, từ nguồn tiền con gửi về, gia đình tôi đã trả hết nợ, xây được nhà mới và có tiền đầu tư nuôi lợn. Nhờ đó, gia đình đã có cuộc sống tương đối ổn định".

Tại huyện Mường Lát, trước đây người dân chưa mặn mà với việc đi XKLĐ, bởi tâm lý ngại đi làm ăn xa, sợ rủi ro... Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chính sách hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, nhiều người ở vùng cao chưa từng rời thôn, bản đã mạnh dạn vượt qua rào cản địa lý, đặt chân đến vùng đất mới với mong muốn thoát cảnh đói nghèo đeo bám.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát Trương Văn Bình cho biết: Trong điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ còn khó khăn, thì XKLĐ thực sự là giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương. Nếu như trước đây việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thì nay đã có sự khởi sắc. Người lao động của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chọn XKLĐ để “đổi đời”, nhiều nhất là ở các xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý... Trên thực tế, nhiều lao động sau khi hết hạn lao động trở về nước đã có vốn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-xuat-ngoai-o-vung-cao-215672.htm