CIA từng cảnh báo Đức nguy cơ đường ống Dòng chảy phương Bắc bị tấn công
Trước khi xảy ra vụ phá hoại hai đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ngày 27/9, tình báo Mỹ từng cảnh Đức về nguy cơ hệ thống này bị tấn công.
Tờ Der Spiegel dẫn lời các nguồn tin cho biết, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng cảnh báo Đức về một cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào hai hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 (Dòng chảy phương Bắc) chạy dọc biển Baltic.
Cảnh báo về an toàn của đường ống Dòng chảy phương Bắc được tình báo Mỹ đưa ra vài tuần trước, tuy nhiên chính phủ Đức lẫn các cơ quan tình báo của nước này đều không bình luận về thông tin này.
Phía Đức đang điều tra nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ làm hư hỏng cả 3 trong số 4 đường ống Dòng chảy phương Bắc (1 đường ống thuộc Dòng chảy phương Bắc 2 và 2 đường ống thuộc Dòng chảy phương Bắc 1) nằm ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch.
Hiện Đức đang tiến hành kiểm tra dữ liệu vệ tinh của một số khu vực được xác định xảy ra vụ nổ dẫn đến việc giảm áp suất bên trong các đường ống Dòng chảy phương Bắc. Thông tin ban đầu cho thấy hoạt động của hải quân các nước trong khu vực này trước đó không đáng kể.
Theo nhận định của tờ Tagesspiegel, các vụ nổ bên dưới vùng biển các đường ống Dòng chảy phương Bắc chạy qua không phải là sự cố ngẫu nhiên, chúng là hành động phá hoại cố ý. Để làm được điều này, cần đến các lực lượng biệt kích hải quân hoặc tàu ngầm mini mới có thể gài thuốc nổ vào các đường ống nằm dưới đáy biển Baltic.
Trước đó, ngày 27/9, các đường ống của Dòng chảy phương Bắc đồng loạt giảm áp, ngay sau đó các nhà chức trách Đan Mạch báo cáo một vụ rò rỉ khí đốt ở ngoài khơi Bornholm, còn nhà địa chấn học Thụy Điển ghi nhận nhiều vụ nổ trong khu vực.
Hôm 27/9, nhà điều hành Dòng chảy phương Bắc nói rằng việc phá hủy đồng thời ba đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic là chưa từng có. Họ từ chối cung cấp ước tính về thời điểm các đường ống này có thể hoạt động trở lại.
Theo tờ Tagesspiegel, chính phủ Đức tin rằng đường ống Dòng chảy phương Bắc này đã trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công có chủ ý. Berlin đang xem xét khả năng Ukraine hoặc “các lực lượng thân Ukraine” có thể đứng đằng hành động này, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng Nga đứng sau vụ việc nhằm khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao hơn nữa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một cuộc điều tra để có tìm ra chân tướng sự việc. “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất có thể”, bà Ursula von der Leyen viết trên Twitter ngày 27/9.
Cũng trong ngày 27/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết một cuộc tấn công vào Dòng chảy phương Bắc “là hành động vô ích”, nhưng nó cũng mang lại một "cơ hội đáng kể" để châu Âu từ bỏ khí đốt tự nhiên của Nga để chuyển sang cung cấp năng lượng thay thế, có lẽ là như vậy như LNG của Mỹ, và “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo” để chống lại biến đổi khí hậu.