CIA tuyển dụng gián điệp ở Iran như thế nào?

Theo mạng tin ABC của Australia, sắp tới, nhiều đơn vị tại trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, bang Virginia sẽ kích hoạt chế độ kiểm soát thiệt hại về các 'tài sản' ở nước ngoài sau khi Iran tuyên bố bóc gỡ một mạng lưới gồm 17 điệp viên CIA…

“Tài sản” ở đây chính là các gián điệp được CIA tuyển dụng thông qua hoạt động của những sĩ quan dưới vỏ bọc là viên chức. Họ đóng giả là những nhà ngoại giao và tìm cách kết thân với người dân địa phương trên khắp thế giới. Những sĩ quan này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Họ có thể bị trục xuất khỏi nước sở tại nhưng thường được bảo vệ khỏi bị truy tố nếu bị bắt vì tội hoạt động gián điệp.

Nhưng đó là câu chuyện của thời kỳ trước Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Kể từ sau cuộc cách mạng này, Mỹ đã không có sự hiện diện ngoại giao ở Iran, đồng nghĩa với việc CIA không có các sĩ quan tình báo mật tại quốc gia được cho là một trong những mục tiêu tình báo hàng đầu của thế giới. Điều này càng khiến cho CIA khó thu thập thông tin chính xác từ các nguồn địa phương.

 Hình ảnh biểu tượng của CIA. Ảnh: Getty Images.

Hình ảnh biểu tượng của CIA. Ảnh: Getty Images.

Những căng thẳng giữa Mỹ với Iran càng khiến nhu cầu tuyển dụng các “tài sản” tin cậy trong nội bộ Iran tăng lên theo cấp số nhân trong 40 năm qua. CIA phải tìm mọi cách và thậm chí “liều lĩnh” để gây dựng các nguồn tin am hiểu ở Cộng hòa Hồi giáo Iran. Vì không có đại sứ quán và quyền miễn trừ ngoại giao, các sĩ quan đặc vụ của CIA hoạt động trên đất Iran là rất nguy hiểm. Vì vậy, CIA được cho là chuyển sang tuyển dụng gián điệp từ giới thượng lưu Iran. Đây là những người từng được đào tạo ở phương Tây hoặc có điều kiện ra nước ngoài du lịch.

Phần lớn 17 cá nhân bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho CIA trong mạng lưới nói trên dường như đều đã bị “tây hóa”. Họ có thể là học giả, chuyên gia kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực quốc phòng của Iran, theo bài viết trên mạng tin ABC. Nhưng khả năng này là không thể, bởi những chuyên gia như vậy thường bị các cơ quan an ninh Iran giám sát chặt chẽ khi họ đi ra nước ngoài công tác và kể cả khi họ ở trong nước. Vì vậy, các tân binh của CIA nhiều khả năng chỉ là những người đảm nhận những công việc ngoại vi vốn cũng quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng và quân sự của Iran.

Sau khi mạng lưới gián điệp trên bị tóm gọn, báo chí Iran đã mô tả về cách thức những cá nhân này được tuyển dụng và huấn luyện. Tuy vậy, dường như không có quy tắc tuyệt đối về lý do vì sao họ làm việc đó. Một trong những lý do cơ bản mà người Iran làm gián điệp cho CIA là vì vật chất. Nhưng cũng có nhiều người khác hoạt động gián điệp vì họ muốn tới sống ở quốc gia giàu có hoặc nhập quốc tịch nước ngoài…

Không rõ động cơ nào khiến người Iran làm việc cho CIA hoặc các cơ quan tình báo nước ngoài. Khi mạng lưới tình báo nói trên bị Iran phá, các quan chức ở Tehran cho biết, tất cả các gián điệp đều là công dân Iran và bị CIA dụ dỗ với lời hứa sẽ cấp thị thực việc làm cho họ đến Mỹ. Những công dân Iran khác cũng đã được cấp thị thực và được cho là bị gây sức ép buộc họ phải làm gián điệp cho Mỹ để được gia hạn thị thực.

Theo một bộ phim tài liệu được phát sóng trên truyền hình quốc gia Iran, 17 điệp viên trên không hề biết nhau và tất cả họ được huấn luyện độc lập về cách hoạt động bí mật. Nội dung huấn luyện bao gồm thiết lập và sử dụng hệ thống thông tin liên lạc bí mật cũng như tạo các hộp thư chết mà không bị phát hiện. Các quan chức Iran cho biết, hộp thư chết là sử dụng các hộp thư được chế tạo giống với đá, được đặt ở vùng nông thôn Iran hoặc nơi nào đó ở Trung Đông. Một số gián điệp tiếp xúc với người huấn luyện họ khi tham gia các hội nghị khoa học ở châu Âu, châu Phi và châu Á.

Trong thước phim tư liệu trên, một người phụ nữ da trắng, tóc vàng được nhìn thấy đang hướng dẫn cho một người đàn ông không rõ danh tính về cách tránh sự giám sát của các sĩ quan tình báo Iran ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Người phụ nữ này nói tiếng Ba Tư giọng Mỹ không thể nhầm lẫn.

Iran được cho là phải mất rất nhiều nguồn lực trong công tác phản gián để phát hiện, xây dựng kế hoạch để tóm gọn 17 “tài sản” nước ngoài riêng biệt nói trên của CIA. Nhiều khả năng Iran đầu tiên chỉ phát hiện một nhóm nhỏ điệp viên CIA, có thể không quá hai người. Sau đó, họ mở rộng điều tra phản gián đối với đồng nghiệp, bạn bè và người thân của hai đối tượng này. Họ nhắm mục tiêu vào nhân viên của các cơ quan hoặc công ty có thể tiếp cận các thông tin nhạy cảm được coi là quá thân phương Tây, chẳng hạn có lịch sử chỉ trích công khai chế độ Iran.

Trước những tổn thất mới nhất này, CIA sẽ phải đánh giá lại quy trình bảo đảm an toàn cho các “tài sản” và đầu mối liên lạc ở nước ngoài của những sĩ quan này trên cơ sở từng trường hợp. Khả năng nhiều kế hoạch hoạt động tình báo, mà một trong số đó đã được thực hiện nhiều năm sẽ phải dừng lại hoặc chấm dứt hoàn toàn.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cia-tuyen-dung-gian-diep-o-iran-nhu-the-nao-583574