CIEM chỉ ra những điểm bất cập trong quy định pháp lý với ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện

Kết quả rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực được Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 6/7 cho thấy những bất cập của quy định pháp lý và thực thi đang ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi của doanh nghiệp sau Covid-19…

Nhiều quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp.

Nhiều quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết từ năm 2020 đến nay, Chính phủ có khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh tới cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Nhờ đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường cũng như đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Tuy vậy, đại diện CIEM cho biết Kết quả rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực có nhiều điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, chất lượng đăng ký kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được cải thiện. Cụ thể, đăng ký kinh doanh trong một số lĩnh vực được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi; số lượng đăng ký kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đã giảm đáng kể so với trước năm 2017; điều kiện kinh doanh về nhân sự, cơ sở vật chất cũng được quy định rõ và giảm mức độ đáp ứng điều kiện.

Ngoài ra, các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh cũng được cắt giảm đáng kể; các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực;… Từ đó tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch.

Thứ hai, về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ năm 2014, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề.Sau đó, Danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020).

Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Thậm chí, theo bà Thảo, thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, có một số ngành nghề được quy định tại pháp luật chuyên ngành, nhưng không thống nhất với tên quy định tại Luật Đầu tư 2020; một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề hiện Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh; một số ngành nghề không có trong Danh mục, nhưng vẫn ban hành ĐKKD; một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi Danh mục của Luật Đầu tư 2020, nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành.

“Mặt khác, có sự không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, bà Thảo nhấn mạnh.

Thứ ba, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh cho thấy vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định.Điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau.

Một số khó khăn nổi bật khác cũng được nhận diên như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép hay việc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép,…

“Có thể thấy, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh;… và do vậy tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế”, bà Thảo nhấn mạnh.

Anh Nhi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ciem-chi-ra-nhung-diem-bat-cap-trong-quy-dinh-phap-ly-voi-nganh-nghe-dau-tu-kinh-doanh-co-dieu-kien.htm