CIEM ghi dấu ấn bằng tư duy đổi mới, thẳng thắn, khách quan

Tư duy đổi mới, cải cách, tiếng nói thắng thắn, khách quan, độc lập sẽ tiếp tục ghi dấu ấn Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong sự phát triển của đất nước.

Tọa đàm Vai trò của CIEM đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Đức Trung

Tọa đàm Vai trò của CIEM đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Đức Trung

Phát biểu tại Tọa đàm Vai trò của CIEM đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển của Viện, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó viện trưởng CIEM tiếp tục kỳ vọng vào những đóng góp mang tính cải cách, đột phá trong tư duy của CIEM trong xây dựng, hoạch định và phản biện chính sách.

“Trong bối cảnh hiện tại, với những thay đổi lớn quốc tế, trong nước, đất nước đang đứng trước nhiều thách thức, các vấn đề cần giải quyết trong kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp, đa chiều, khó khăn hơn, đòi hỏi những tư duy đột phá, mạnh mẽ và chủ động. Đây là vốn quý, là thế mạnh đã tạo nên dấu ấn của CIEM trong 45 năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn từ CIEM”, ông Hiếu phát biểu.

Trong lịch sử 45 năm của CIEM, qua chia sẻ của TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, dù là Viện nghiên cứu, nhưng CIEM rất mạnh về tham mưu cho các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về cải cách, đổi mới đất nước.

“Ngay từ những năm đầu thành lập, Viện đã dám nói đến "bung ra", đến yếu tố thị trường khi kinh tế đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn. Có thể nói, Nghị quyết 20 năm 1979 đánh dấu điểm đầu tiên của Đổi mới. Sau đó, dấu ấn của CIEM đều rất lớn trong khoán 10, khoán 100 và công cuộc Đổi mới của đất nước từ Đại hội VI năm 1986…”, TS. Lê Xuân Bá nhắc lại.

Giai đoạn này được TS. Đặng Đức Đạm, nguyên Phó Viện trưởng CIEM gọi là thời kỳ khám phá đường hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, với những dấu ấn rất lớn của CIEM. Đây cũng là thời điểm CIEM đã trở thành "think tank" của nền kinh tế, với những tư duy đổi mới, cải cách…

Điểm khác biệt của CIEM với các viện hàn lâm khác, đó là tính thực tiễn cao, gắn kết chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ khi CIEM được giao nhiệm vụ soạn thảo nhiều văn bản luật, như Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước… và đặc biệt là các phiên bản Luật Doanh nghiệp… Gần đây, các đề án kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn... cũng có dấu ấn lớn của CIEM.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “đi trước về tư duy, cách thức quản lý".

“Cho đến giờ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhắc đến tư duy "doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm" của Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo nên thay đổi mang tính cách mạng về quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Tư duy này được bắt nguồn từ chính CIEM…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đặt niềm tin vào CIEM khi vào thời điểm hiện tại, những thách thức, cơ hội mới của nền kinh tế đang đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách, rất cần tư duy đổi mới, đột phá, tiếng nói khách quan, độc lập, phản ánh sự vận động của thực tế cuộc sống…

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể CIEM đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp và phát triển ngành kế hoạch và đầu tư.

Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Tập thể lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Tập thể lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ciem-ghi-dau-an-bang-tu-duy-doi-moi-thang-than-khach-quan-d206093.html