CIEM kiến nghị cắt bỏ hàng loạt thủ tục trong khởi sự kinh doanh

Nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, có thể xem xét bỏ thủ tục nộp thuế môn bài; và đơn giản hóa hồ sơ, giảm mạnh thời gian thủ tục mua hay in hóa đơn trong khởi sự kinh doanh.

Trong báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2015 - 2020 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, chương trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã huy động được toàn bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền.

Tuy vậy, một số chỉ số chỉ cải thiện ở mức quá nhỏ so với cải cách ở các nước khác; nên không tăng được thứ hạng cũng như điểm số so với nền kinh tế tốt nhất.

CIEM kiến nghị cắt bỏ hàng loạt thủ tục trong khởi sự kinh doanh.

Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới, CIEM cho biết: Xếp hàng Doing Business (chỉ số thuận lợi kinh doanh, hoặc thứ hạng khởi sự kinh doanh) của Việt Nam luôn ở mức thấp, không ổn định và có phần xấu thêm.

Cụ thể, năm 2016 có cải thiện 4 bậc so với năm 2015. Nhưng sang năm 2017 lại giảm 2 bậc so với năm 2016. Tương tự, năm 2018 cải thiện 18 bậc, nhưng ngay sau đó, vào năm 2019 lại giảm 11 bậc. Tính tới hết năm 2019, chỉ số Doing Business của Việt Nam nằm ở thứ hạng 115.

Nhóm nghiên cứu của CIEM kết luận, xét về thứ hạng chung, môi trường khởi sự kinh doanh của Việt Nam không đạt được mục tiêu đã đề ra, còn thấp quá xa so với thứ hạng 70 nền kinh tế đứng đầu trên bảng xếp hạng.

Theo CIEM, chỉ số khởi sự kinh doanh được đo lường bởi 4 chỉ tiêu thành phần, bao gồm số thủ tục, thời gian, chi phí và yêu cầu về vốn tối thiểu để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong số 4 chỉ tiêu nêu trên, duy nhất yêu cầu về vốn là có hiệu quả. Nhóm nghiên cứu của CIEM phân tích: Trên thực tế, yêu cầu về vốn pháp định đã được bãi bỏ từ năm 2000 bởi Luật Doanh nghiệp năm 1999. Do đó, còn ba yếu tố cần thay đổi trong cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh.

Về thủ tục và thời gian thực khởi sự kinh doanh, tính tới hết năm 2019, đã giảm được 2 thủ tục so với năm 2015. 2 thủ tục được miễn giảm là thủ tục khắc dấu và thủ tục đăng ký mã số thuế, giảm được 18 ngày đăng ký thành lập công ty. Thời gian giảm từ 34 ngày xuống còn 16 ngày. Như vậy, vẫn còn 8 thủ tục khác.

Tuy nhiên, chi phí khởi thành lập công ty, hay nói cách khác là khởi sự kinh doanh đã tăng lên trong các năm 2017 và 2018; giảm xuống còn 5,6% GDP/người năm 2019, nhưng vấn cao hơn năm 2015 là 5,3%.

Theo CIEM, thời gian và thủ tục khởi sự kinh doanh có được cải thiện; chi phí khởi sự kinh doanh lại tăng lên. Thời gian giảm 18 ngày là nhờ bãi bỏ thủ tục khắc dấu và sử dụng mã số thuế đồng thời là số đăng ký doanh nghiệp, và giảm thời gian mua hoặc in hóa đơn.

Nhưng, những kết quả đạt được đó chưa đủ để đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Kết quả xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh cũng chứng tỏ rằng nhiều nền kinh tế khác cũng đang cải cách với tốc độ nhanh hơn so với Việt Nam.

Theo CIEM, trong Nghị quyết 02, Chính phủ yêu cầu sửa đổi 2 nghị định để cắt giảm thời gian, thủ tục và chi phí khởi sự kinh doanh. Đó là thủ tục mở tài khoản ngân hàng, đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội; đăng ký mẫu dấu và khắc dấu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, có thể xem xét bỏ thủ tục nộp thuế môn bài; và đơn giản hóa hồ sơ, giảm mạnh thời gian thủ tục mua hay in hóa đơn.

Như vậy, kết quả đáng ra phải có là chỉ còn 2 thủ tục (giảm 8 thủ tục), thời gian từ 3-5 ngày (giảm khoảng 30 ngày), chi phí còn khoảng 1,5% GDP/người. Với kết quả đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, có thể vượt mục tiêu đề ra.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ciem-kien-nghi-cat-bo-hang-loat-thu-tuc-trong-khoi-su-kinh-doanh-post151745.html