CLB Hà Nội bay cao khi nhẹ gánh trước thềm V.League 2021
Giống như chiếc phi cơ phải chuyên chở quá nhiều trọng trách cho các đội tuyển quốc gia, CLB Hà Nội tại V.League 2020 có thời điểm mất độ cao và không thể trở lại ngôi vô địch.
Tuy nhiên, mùa giải V.League 2021 là một câu chuyện khác, khi đội bóng của bầu Hiển được giảm tải rất nhiều.
Gánh nặng từ đội tuyển
Câu lạc bộ Hà Nội là đội bóng đóng góp nhiều nhân sự nhất trên các mặt trận, từ U19, U22 đến tuyển Việt Nam trong 3 năm qua, và hệ quả là hứng chịu nhiều chấn thương nhất do quá tải.
Theo thống kê của các chuyên gia, trong 2 năm (2018, 2019), Quang Hải đã chơi 125 trận, bao gồm 53 trận cho các đội tuyển và 72 trận cho CLB. Quang Hải chỉ được tạm nghỉ ngơi khi anh rách cơ đùi tại SEA Games 30. Đó là ngày 3/12/2019.
Tuy nhiên, một tháng sau, anh đã lại phải ra sân trong muôn vàn mong ngóng ở VCK U23 châu Á 2020, nơi U23 Việt Nam là đương kim á quân. Kết quả không như ý, lần đầu tiên có một giải đấu mà thầy trò ông Park Hang-seo bị loại ngay từ vòng bảng, còn Hải “con” vào danh sách cầu thủ gây thất vọng.
Những cuộc viễn chinh kiểu ấy đã vắt Quang Hải đến những giọt sáng tạo cuối cùng. Anh chơi thứ bóng đá mệt mỏi, thất thường, và trải qua tròn một năm tịt ngòi từ ngày 15/9/2019 đến 12/9/2020 mới tìm lại được cảm giác ghi bàn, lại là ở Cúp Quốc gia.
Ở sân chơi này, CLB Hà Nội vẫn thẳng tiến, nhưng quay về V.League với thể thức mới, họ đã đánh rơi quá nhiều lợi thế và không còn quyền chủ động trong cuộc đua về đích.
Dẫu sao, Quả bóng Vàng 2018 vẫn còn may mắn được xỏ giày ra sân. Nhiều đồng đội khác của anh như Đình Trọng, Duy Mạnh đã phải lên bàn phẫu thuật.
Riêng Đình Trọng, chấn thương tái phát liên tục do mức độ nghiêm trọng cũng có, do bị sử dụng đốt cháy giai đoạn cũng có, đã khiến tương lai của trung vệ chốt chặn này bị đe dọa thật sự.
Suốt mùa V.League 2020, HLV Chu Đình Nghiêm chưa bao giờ có trong tay một hàng phòng ngự đủ đầy. Văn Hậu trở về từ Hà Lan, lập tức rơi vào cảnh nghỉ dài hạn vì những vấn đề dai dẳng từ đầu gối.
Thành Chung dù được “tín nhiệm” trên nhiều mặt trận nhưng lại phân thân ở 2 vị trí: trung vệ và tiền đạo, khiến bản thân anh đôi lúc cũng hoang mang với lựa chọn của mình.
Ngay cả một cỗ máy bền bỉ như Hùng Dũng cũng không dưới một lần thừa nhận anh và các đồng đội cần được tái tạo năng lượng, thay vì cứ bị cuốn đi theo các giải đấu, các mục tiêu. Sau một năm đại thành công với danh hiệu Quả bóng Vàng 2019, Dũng “chíp” bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Trong một mùa giải mà các nội binh không có trạng thái tốt nhất, các chân sút ngoại của CLB Hà Nội cũng không làm tròn nhiệm vụ. Pape Omar mất cái “duyên” như hồi anh mới chuyển đến từ Thanh Hóa, còn Rimario thực sự là nỗi thất vọng tràn trề.
Làm mới thói quen đã cũ
Đội bóng của bầu Hiển mỗi năm hầu như đều cất vào tủ truyền thống một vài chiếc cúp. Năm vừa rồi, thua V.League, nhưng họ vẫn thắng Cúp Quốc gia và mới đây giành thêm Siêu cúp thứ 4. Giờ là lúc họ làm mới lại thói quen đã cũ: chinh phục V.League 2021.
Để khởi động cho mùa giải này, CLB Hà Nội đã tham dự cúp giao hữu Tứ hùng tại TP.HCM. Dù không thắng nổi một trận nào (thua TP.HCM, Sài Gòn, hòa tân binh Bình Định), họ vẫn không hề bối rối.
Chưa bao giờ CLB Hà Nội bước vào một kỳ V.League mà sự chuẩn bị lại ung dung, an nhàn đến thế. Hệ thống thi đấu của đội tuyển quốc gia đình trệ, giúp các cầu thủ trụ cột của HLV Chu Đình Nghiêm có một mùa rảnh rỗi hiếm hoi. Giờ này các năm trước, ông Nghiêm luôn đau đầu với bài toán làm thế nào để các cầu thủ trẻ nhồi đủ khối lượng, trong khi nhóm tuyển thủ kịp xả hơi.
Ở một khía cạnh khác, thất bại của V.League 2020 không hẳn đã toàn màu xám. Nó chỉ ra những người tưởng đã hết thời nhưng được giao trọng trách, họ vẫn biết cách vượt qua ngưỡng bản thân. Tấn Trường chơi mùa bóng có lẽ là hay nhất và ổn định nhất của anh ở tuổi 35, khi đã chớm nảy sinh ý tưởng treo găng. Tấn Tài, Thành Lương vẫn là bậc thầy về giữ nhịp trên sân. Và Văn Quyết, hơn cả những thời điểm bùng nổ nhất thời trai trẻ, anh giành Quả bóng Vàng 2020 sau 10 năm chơi chuyên nghiệp.
Trong tình thế bất đắc dĩ, nhiều cầu thủ được trao cơ hội sớm hơn dự kiến, và họ cũng trưởng thành bất ngờ hơn dự kiến. Chúng ta đang nói đến những Văn Xuân, Thái Quý, và đặc biệt là Bùi Hoàng Việt Anh - cầu thủ trẻ hay nhất năm.
Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ thiếu trung vệ, nhưng một người còn ở độ măng sữa, vừa tốt về thể hình lại hiện đại về tư duy như Việt Anh thì không thường xuyên xuất hiện. Ghi 2 bàn thắng rất ý nghĩa liên tiếp ở các trận đấu của U22 Việt Nam và Siêu cúp quốc gia, Việt Anh đã đóng khung tên mình trong các kế hoạch của HLV Chu Đình Nghiêm và trở thành “của để dành” cho thầy Park.
Để phục vụ lối chơi vốn đã quyến rũ nhưng cần tăng thêm tính hiệu quả, bầu Hiển mở hầu bao mua về bộ đôi Bruno và Geovane, đều là “hàng tuyển” đã được kiểm chứng của các địch thủ kỳ phùng Viettel và CLB Sài Gòn.
Trong bối cảnh săn ngoại binh khó hơn tìm vàng giữa dịch bệnh, 2 bản hợp đồng mới này có thể coi là nước cờ đầy quyết đoán và hứa hẹn. Bruno có kỹ năng săn bàn thượng thặng, còn Geovane chơi kỹ thuật, bao quát hơn ở vị trí hộ công.
Lúc này, ông Nghiêm đã có thể đón nhận tin vui từ Duy Mạnh và Đình Trọng. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ duy trì tập luyện và thi đấu cho họ ra sao để trở lại kịp thời, không vội vã. Văn Hậu cũng hứa hẹn tái xuất sau khoảng 3 tháng nữa.
Mọi thứ đang sáng sủa dần lên cho một hành trình mới.