Clip: Cận cảnh 'bậc thầy ngụy trang' sâu que, đánh lừa mọi ánh nhìn của kẻ thù

Sâu bướm của loài bướm đêm tiêu, hay còn gọi là sâu que, được xem là bậc thầy ngụy trang trong thế giới động vật. Với hình dáng giống cành cây khô và khả năng đổi màu theo môi trường, chúng khiến cả kẻ thù lẫn con người khó lòng phát hiện.

Sâu que, phân bố ở Bắc bán cầu như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, không chỉ có ngoại hình giống hệt cành cây với các chi tiết gồ ghề tự nhiên mà còn sở hữu khả năng đặc biệt: cảm nhận màu sắc của cành cây qua da và tự đổi màu để hòa hợp. Nở từ trứng vào giữa mùa hè, chúng hoạt động từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng hiếm ai nhận ra vì chúng gần như “vô hình” giữa thiên nhiên.

Cơ thể không đều, đầu trông như đoạn gãy của cành, chân nhỏ giống gai – tất cả kết hợp với tư thế hoàn hảo để đánh lừa kẻ săn mồi. Chúng có thể gắn đầu vào cành, duỗi thân ra như nhánh nhỏ và giữ nguyên tư thế trong thời gian dài. Thậm chí, một số còn tạo dáng giống phân chim để tăng tính thuyết phục.

Nghiên cứu trên Communications Biology chỉ ra rằng sâu que đổi màu ngay cả khi bị bịt mắt, chứng minh gen thị giác hoạt động cả ở da. Giáo sư Ilik Sacheri từ Đại học Liverpool giải thích: “Chúng bắt chước cành cây để tránh chim ăn thịt. Độ chính xác của khả năng này vượt xa cấu trúc mắt đơn giản của chúng.”

Bướm đêm tiêu trưởng thành cũng có đôi cánh lốm đốm, giúp hòa lẫn vào vỏ cây. Dù kém ấn tượng hơn giai đoạn sâu bướm, đây vẫn là một phần trong chiến lược sinh tồn của loài.

Sâu que là minh chứng cho sự kỳ diệu của tiến hóa. Từ hình dáng, tư thế đến màu sắc, chúng thể hiện tài năng ngụy trang đỉnh cao, truyền cảm hứng về khả năng thích nghi của tự nhiên. Nếu bạn tìm kiếm chúng trong mùa hè, đừng ngạc nhiên khi không thấy – đó chính là thành công của “nghệ sĩ” này.

Ngọc Bảo (Theo ODD)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/clip-can-canh-bac-thay-nguy-trang-sau-que-danh-lua-moi-anh-nhin-cua-ke-thu-13072.html