CLIP: Hàng loạt cây rừng bên suối La La bị cưa hạ
Hàng loạt cây rừng tự nhiên đã bị cưa hạ tận gốc hoặc bị ủi cả cây lẫn gốc xuống bờ suối La La đoạn chảy qua huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Từ phản ánh của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Ngọc Tiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ - cho biết ngày mai (9-9) đơn vị này sẽ phối hợp với chủ rừng và UBND xã Cam Tuyền vào hiện trường kiểm tra việc nhiều cây rừng tự nhiên tái sinh dọc theo suối La La bị cưa hạ.
Theo ghi nhận, tại hiện trường có hàng loạt gốc cây rừng tự nhiên đường kính từ 10 - 40 cm bị cưa hạ sát gốc. Phần lớn gỗ đã được cắt khúc, vận chuyển khỏi hiện trường. Từ dấu vết cưa xẻ cho thấy cây rừng vừa bị cưa hạ gần đây.
Đặc biệt, một tuyến đường (dài khoảng 200 m) được san ủi, nối từ khu vực rừng trồng dẫn vào nơi có nhiều cây rừng tự nhiên quần tụ. Đất đá và hàng loạt gốc cây bị ủi xuống sát bờ suối La La.
Từ các hình ảnh kèm tọa độ mà phóng viên cung cấp, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ xác định vị trí cây rừng bị cưa hạ thuộc Tiểu khu 771 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 quản lý. Trong quy hoạch 3 loại rừng thì toàn bộ tiểu khu này thuộc rừng sản xuất.
Qua kiểm tra, vị trí các gốc cây bị cưa hạ thuộc các lô thiết kế trồng rừng thuộc dự án 661 năm 2004 và xen lẫn hoặc tiếp giáp khu vực rừng trồng nói trên. Tiểu khu này đang được một đơn vị khai thác trắng khoảng 200 ha.
Để trả lời câu hỏi vì sao một diện tích rừng tự nhiên tái sinh rộng lớn nằm trong rừng sản xuất nhưng lại không được báo cáo để đánh giá, phân loại, bảo vệ, phóng viên đã nhiều lần gọi vào số điện thoại ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (đơn vị chủ rừng), nhưng ông này không nghe máy.
Cần nghiêm túc đánh giá
Theo quan sát, đây là một khu vực rừng tự nhiên tái sinh rộng lớn, ôm lấy suối La La với diện tích cả ha. Trong rừng có rất nhiều cây gỗ đường kính đến 50 - 60 cm, cao hàng chục mét. Dọc khe suối này, một số cây đường kính lên đến 70 - 80 cm đã bị cưa hạ, nhiều lóng gỗ còn để lại hiện trường. Người dân địa phương thông tin khu vực này có rất nhiều cá thể khỉ, voọc quý hiếm sinh sống.
"Nếu cơ quan chức năng không sớm đánh giá đúng mức để bảo vệ thì nguy cơ cánh rừng này tiếp tục bị xâm hại rất cao. Khi đó, không những rừng bị phá, môi trường sống của động vật cũng mất đi. Thượng nguồn suối La La cũng sẽ bị bồi lấp, khô cạn, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân" - anh M., ngụ thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, lo lắng.