Clip: Phát hiện con trăn Anaconda khổng lồ dài 8 mét, nặng 200kg

Con trăn lớn nhất thế giới được phát hiện ẩn nấp ở sâu trong rừng nhiệt đới Amazon.

Con trăn Anaconda xanh phương Bắc này được phát hiện bởi người dẫn chương trình truyền hình về động vật hoang dã, Giáo sư Freek Vonk ở Brazil.

Con trăn khổng lồ này lớn hơn nhiều so với loài lớn nhất từng được biết đến trước đây - loài trăn lưới, có chiều dài trung bình là 6,1 mét.

Trước đây, chỉ có một loài Anaconda xanh – còn được gọi là Anaconda khổng lồ – được công nhận ở Amazon.

Trăn Anaconda xanh phương Bắc được công bố trong một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Diversity vào ngày 16/2. Nhà sinh vật học người Hà Lan, Giáo sư Vonk, 40 tuổi, được quay phim đang bơi cạnh con trăn khổng lồ.

Ông giải thích: "Cùng với 14 nhà khoa học khác đến từ 9 quốc gia, chúng tôi đã phát hiện ra loài trăn lớn nhất thế giới, loài Anaconda xanh.

Những con trăn Anaconda xanh được tìm thấy ở phía bắc, phạm vi phân bố của chúng ở Nam Mỹ - bao gồm Venezuela, Suriname và Guiana thuộc Pháp - dường như thuộc về một loài hoàn toàn khác.

Mặc dù thoạt nhìn chúng trông gần giống nhau nhưng sự khác biệt về mặt di truyền giữa hai loài là 5,5% và con số đó là rất lớn.

Giáo sư Vonk nói thêm: "Chúng tôi đã đặt cho loài mới này tên Latin là Eunectes hay còn gọi là Anaconda xanh phương Bắc. Bạn có thể thấy trong clip con trăn Anaconda lớn nhất mà tôi từng thấy, dày như lốp ô tô, dài gần 8 mét và nặng 200kg – với cái đầu to bằng đầu tôi".

Nhà sinh vật học truyền hình cũng mô tả tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực.

Ông nói: "Khu vực Amazon đang chịu áp lực nặng nề từ biến đổi khí hậu và nạn phá rừng tiếp tục. Hơn 1/5 diện tích Amazon đã biến mất. Sự sống sót của những con rắn khổng lồ mang tính biểu tượng này gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng".

Giáo sư Jesus Rivas, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng lần đầu tiên họ nhận ra có nhiều hơn một loài Anaconda xanh là hơn 15 năm trước.

Cùng với vợ là Tiến sĩ Sarah Corey-Rivas, họ bắt đầu phân tích các mẫu để tìm kiếm sự khác biệt về mặt di truyền. Tuy nhiên, phải đến tận bây giờ họ mới công bố phát hiện của mình.

Giáo sư Rivas cho biết: "Sarah và tôi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này vào năm 2007 khi lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn về mặt di truyền giữa các mẫu của Venezuela và một số mẫu từ Peru .

Sau đó, chúng tôi bắt đầu quá trình thu thập các mẫu và cộng tác viên trên khắp Nam Mỹ và xa hơn nữa để hoàn thành việc ghép các mẫu cho phép chúng tôi kết hợp nghiên cứu lại với nhau.

Tôi đã làm việc trên khắp các quốc gia với nhiều đồng nghiệp khác nhau để thu thập các mẫu và Sarah thực hiện hầu hết các công việc nặng nhọc, giải trình tự gen và thực hiện phân tích phát sinh loài.

Đây thực sự là một dự án quốc tế, nhìn vào danh sách các tác giả thì có một người đến từ Bỉ, một đến từ Úc, một đến từ Hà Lan, một đến từ Colombia, một đến từ Brazil, hai đến từ Bolivia, hai đến từ Mỹ, ba đến từ Ecuador và ba người từ Venezuela"

Ông nói: "Tôi đã nghiên cứu về trăn Anaconda trong 32 năm nên điều này đặt ra câu hỏi là còn có bao nhiêu loài khác mà chúng ta chưa biết.

Nếu một loài động vật mang tính biểu tượng như vậy không được chú ý trong nhiều năm, vậy còn những loài động vật và thực vật ít nổi bật và ít được nghiên cứu hơn thì sao? Phát hiện này khiến người ta phải suy nghĩ về sự đa dạng thực sự của Nam Mỹ".

Hải Vân (Theo Thesun)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/clip-phat-hien-con-tran-anaconda-khong-lo-dai-8-met-nang-200kg-a650554.html