CLIP: Tết đến, gặp nghệ nhân 'chữa bệnh' cho đàn

Không chỉ yêu thích đờn ca tài tử và tự làm nhiều loại nhạc cụ, nghệ nhân Hoàng Nhân (63 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) còn được xem là một bác sĩ chuyên chữa bệnh cho các loại đàn.

Nghệ nhân Hoàng Nhân tên thật là Huỳnh Văn Đơn, hiện sống cùng gia đình tại một căn hộ trong chung cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Những ngày Tết đến xuân về, rất nhiều khách hàng đã tìm đến ông.

CLIP: Nghệ nhân Hoàng Nhân chuyên "chữa bệnh" các loại đàn

Nghệ nhân Hoàng Nhân cho biết lúc còn nhỏ, ông hay nhìn trộm người anh học đàn do một người thầy có tiếng tăm lúc bấy giờ dạy. Trò chuyện nhiều lần, người thầy phát hiện cậu bé này có năng khiếu đàn nên đã tận tình dạy bảo. Đến khi trưởng thành, ông Nhân đã theo nhiều đoàn cải lương đi biểu diễn khắp miền Tây và bắt đầu tự đóng được đàn guitar.

Nghệ nhân Hoàng Nhân nổi tiếng là người chuyên "trị bệnh" cho các loại đàn

Nghệ nhân Hoàng Nhân nổi tiếng là người chuyên "trị bệnh" cho các loại đàn

Sau 35 năm theo nghề, ông có thể chơi thuần thục 7 loại nhạc cụ đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu, song song đó ông cũng sửa được hầu hết các loại đàn cổ, như: đàn tranh; đàn bầu; đàn sến; đàn gáo; đàn kìm; đàn cò… Các loại đàn hiện đại như guitar, guitar điện, violin… khi "trở chứng" cũng không làm khó được vị "bác sĩ" này.

Đàn kìm là một loại nhạc cụ quan trọng trong đờn ca tài tử và cải lương. Loại nhạc cụ này có tiếng trong, vang, những âm thanh khi bổng, khi trầm, lúc réo rắt, dịu dàng, mềm mại, khi rắn rỏi, rộn ràng. Tuy nhiên, khi sử dụng một thời gian, nếu người đánh đàn không giữ kỹ thì bộ dây đàn bị giãn hoặc cần đàn, phím đàn bị mốc…

Nhiều loại đàn của khánh hàng đem đến ông Nhân sửa chữa

Nhiều loại đàn của khánh hàng đem đến ông Nhân sửa chữa

Nghệ nhân Hoàng Nhân am hiểu cách đóng đàn kìm và thay các bộ phận trên đàn để làm sao khi đánh, chúng phát ra âm thanh đúng như mong muốn.

"Đàn kìm thường có mặt làm bằng gỗ ngô đồng; vành, cần, trục làm bằng gỗ cẩm lai hoặc gỗ trắc. Khi lấy gỗ ngô đồng, nếu khúc gỗ này nằm bên mặt trời mọc rọi vào, gỗ có sớ, gân mềm nhưng đừng nằm sâu trong lõi thì khi dùng khúc gỗ này đóng đàn cho âm thanh rất tuyệt vời. Còn khúc gỗ nằm ở phía mặt trời lặn nếu lấy làm đàn kìm thì âm thanh sẽ không hay bằng"- nghệ nhân này tiết lộ.

Đối với đàn guitar, nếu bảo quản không kỹ thì dây thường xảy ra lỗi như bị chùng, giãn, hoặc nặng hơn là hư cần. Đối với loại này, nghệ nhân Hoàng Nhân sẽ cho thay từng bộ phận bị hư.

Với kinh nghiệm chơi nhạc cụ nên khi sửa xong, ông Nhân đàn nhiều lần để chỉnh âm, bảo đảm cây đàn cho âm thanh hoàn chỉnh, đúng ý mới giao cho khách. Để làm hoặc sửa hoàn thiện một cây đàn phải mất từ 2 - 7 ngày, với giá từ 100.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây. Ngoài sửa đàn, nghệ nhân Hoàng Nhân cũng đi đánh đàn cho các trung tâm văn hóa theo lời mời.

Không chỉ có tài sửa đàn, nghệ nhân Hoàng Nhân còn là người chơi được nhiều loại nhạc cụ

Không chỉ có tài sửa đàn, nghệ nhân Hoàng Nhân còn là người chơi được nhiều loại nhạc cụ

Anh Nguyễn Hoàng Khiêm (ngụ Sóc Trăng) cho biết: "Thông qua người quen, tôi từ Sóc Trăng đem đàn guitar điện lên cho nghệ nhân Hoàng Nhân sửa chữa vì bị hư cần. Sau khi thay cần, đàn nghe rất êm tai, thậm chí còn hay hơn trước, một phần cũng do tay nghề của người thợ".

Nghệ nhân ưu tú Trần Minh Đức (80 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) cho rằng nghệ nhân Hoàng Nhân vừa biết chơi rất nhiều loại đàn, lại biết sửa và làm đàn, là một nghệ nhân hiếm có của miền Tây. Chính vì sự am hiểu và tỉ mỉ nên rất nhiều khách hàng ở miền Tây mang đàn đến cho ông Nhân "bắt bệnh và chữa bệnh".

Hơn 35 theo nghề này, nghệ nhân Hoàng Nhân không chỉ thỏa mãn được niềm đam mê tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc và sống được với nghề mà còn truyền lại cho thế hệ mai sau. Hiện nay, con trai ông Nhân là em Huỳnh Trọng Phúc mới 9 tuổi đã biết chơi 7 loại nhạc cụ và phấn đấu có thể chơi được 10 loại đàn. Ngoài ra, nghệ nhân này còn mở lớp dạy đàn cho các bạn trẻ để nhạc dân tộc được lưu truyền.

Bài-ảnh-Clip: ca Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/clip-tet-den-gap-nghe-nhan-chua-benh-cho-dan-20230116202316537.htm