Clip: Trận đánh kinh điển của Quan Vũ với Hoàng Trung trong Tam quốc

Trận chiến giữa Hoàng Trung và Quan Vũ tại Trường Sa là một trong số những trận so tài hấp dẫn nhất của Tam quốc diễn nghĩa.

Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông được người đời sau tôn làm “Võ thánh”, sánh ngang với “Văn thánh” Khổng Tử.

Trong dân gian, Quan Vũ thường được xem là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và là người đứng đầu trong số Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.

Tạo hình Quan Vũ trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Tạo hình Quan Vũ trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.

Hoàng Trung (?-221) tự Hán Thăng quê ở quận Nam Dương thuộc Kinh Châu. Ông được Tam quốc diễn nghĩa mô tả là một lão tướng nhưng sức địch muôn người, đã lập nhiều công lao cho Lưu Bị và là một trong Ngũ hổ tướng của quân Thục.

Hoàng Trung vốn là người ở quận Nam Dương thuộc Kinh Châu. Kinh Châu mục Lưu Biểu cho ông làm Trung lang tướng, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ huyện Du thuộc quận Trường Sa.

Tạo hình Hoàng Trung trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Tạo hình Hoàng Trung trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Năm 208, Lưu Biểu chết, con Biểu là Lưu Tông đầu hàng, dâng Kinh Châu cho Tào Tháo. Tào Tháo cho Hoàng Trung kiêm chức Tỳ tướng, vẫn giữ chức trách cũ, dưới quyền thái thú Trường Sa là Hàn Huyền.

Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Tào Tháo bị đánh bại ở Xích Bích, Lưu Bị đem quân đến lấy Kinh Châu. Lưu Bị mến mộ tài năng của lão tướng Hoàng Trung, nhiều lần ngỏ ý muốn mời nhưng vị tướng già nhất định không theo.

Trong trận chiến tại Trường Sa giữa Quan Vũ và Hoàng Trung, sau nhiều hiệp giao tranh bất phân thắng bại, Quan Vũ giả thua dụ Hoàng Trung đuổi theo rồi vung đao bắt sống đối thủ, tuy nhiên vì mến mộ tài năng nên Quan Vũ không giết lão tướng. Nợ đối thủ một mạng, ngày hôm sau khi hai bên nghênh chiến, Hoàng Trung bắn rụng dải mũ trên đầu Quan Vũ với hàm ý tha chết, hai bên không còn nợ gì nhau.

Cũng bởi lý do trên Hoàng Trung bị nghi có thông đồng với Quan Vũ nên bị ra lệnh chém đầu nhưng ông được Ngụy Diên cướp pháp trường cứu sống. Trước biến cố đó Lưu Bị, Quan Vũ nhiều lần gặp thuyết phục Hoàng Trung, cuối cùng vị tướng già đã đồng ý theo nhà Thục.

Quan Vũ so tài với Hoàng Trung.

Tuy nhiên, theo sử liệu, sau trận Xích Bích thắng lợi, Lưu Bị sai Quan Vũ đi đánh Trường Sa. Hàn Huyền chống cự không hàng. Ngụy Diên muốn theo Lưu Bị, bèn tới thuyết phục viên tướng giỏi nhất ở Trường Sa là Hoàng Trung đầu hàng. Hoàng Trung bằng lòng theo Ngụy Diên hàng Quan Vũ, vì vậy cuối cùng ép được Hàn Huyền không thể tiếp tục chống cự, phải dâng thành đầu hàng nốt.

Do sử liệu không đề cập đến trận đánh giữa Hoàng Trung và Quan Vũ, nên nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây chỉ là tình tiết do La Quán Trung hư cấu ra, bởi bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa được mô tả theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu).

Video: Trận đánh giữa Quan Vũ và Hoàng Trung.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/clip-tran-danh-kinh-dien-cua-quan-vu-voi-hoang-trung-trong-tam-quoc-a507091.html