CM12 - nguồn cảm hứng tiếp bước các thế hệ

Ngày 9/9/2024, tròn 40 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1984 - 9/9/2024, gọi tắt là Kế hoạch CM12). Thắng lợi Kế hoạch CM12 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; mang ý nghĩa sâu sắc về nghiệp vụ phản gián của lực lượng CAND Việt Nam.

Đây là mốc son chói lọi trong những trang vàng truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam, để lại nhiều bài học quý báu cho công tác đấu tranh, phòng chống các thế lực thù địch hiện nay.

Tương kế tựu kế

Kế hoạch CM12 do đồng chí Phạm Hùng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy. Đối tượng đấu tranh của Kế hoạch CM12 là gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, với ý đồ dựa vào đế quốc và các thế lực phản động quốc tế ở bên ngoài, móc nối, kích động số trong nước nhằm tạo dựng lực lượng, cơ sở, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng.

Toàn bộ âm mưu, ý đồ và kế hoạch hành động của chúng đã bị đập tan hoàn toàn với chủ trương "tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch" một cách tài trí, mưu lược, bản lĩnh của lực lượng An ninh nhân dân nói riêng và CAND Việt Nam nói chung. Từ tháng 5/1981 đến tháng 9/1984, ta đã đón bắt tổng cộng 18 chuyến xâm nhập, bắt 189 tên gián điệp, biệt kích, thu 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn, 1.200 kg chất nổ, 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác...

Công an các địa phương tổ chức về nguồn tại Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Công an các địa phương tổ chức về nguồn tại Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Khi mở ra Kế hoạch CM12, lãnh đạo Bộ Công an quyết định chọn những cán bộ cốt cán của lực lượng an ninh các tỉnh miền Tây Nam bộ để đánh vào tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đồng chí Trần Phương Thế (Tám Thậm, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau) là một trong những nhân chứng lịch sử tham gia Kế hoạch CM12. Lúc đó, đồng chí Tám Thậm là Trưởng Phòng Phòng, chống gián điệp Công an tỉnh Minh Hải (cũ) với cấp bậc hàm đại úy, được giao nhiệm vụ thâm nhập tổ chức phản động này với tên gọi Hai Tài, Hai Râu.

Trước khi thực hiện kế hoạch, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp gặp đồng chí Tám Thậm để giao nhiệm vụ. "Bộ trưởng Phạm Hùng căn dặn: Cháu phải tạo cho được lòng tin đối với Hạnh, Túy và đồng bọn, trong sinh hoạt, ăn nói phải đúng điệu, giao tiếp hằng ngày cần thận trọng, tránh để chúng nghi ngờ. Đó là vấn đề quan trọng nhất của trinh sát nội tuyến. Yêu cầu thứ hai là phải nắm được cơ cấu tổ chức và các nhân sự chủ chốt, thành viên nòng cốt của tổ chức phản động. Thứ ba là nắm được âm mưu, ý định của các nước lớn đối với Việt Nam, thông qua các tổ chức này...", Đại tá Trần Phương Thế nhớ lại. Để những ngày đầu xâm nhập đạt được kết quả cao, nhiều tháng ròng rã, ông đã chỉ đạo một số biệt kích xâm nhập chuyến đầu tiên đã được ta cảm hóa.

Theo chỉ đạo của ta, các đối tượng đã gửi điện về "Tổng hành dinh" với nội dung: "Đã vào đất liền an toàn, chôn giấu xong vũ khí, anh em đang dựa vào dân để sống. Mới ổn định, cần tiền bạc để sinh hoạt". Hai Râu lên kế hoạch nhằm đưa Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về Việt Nam trực tiếp nắm nội tình, tạo sự tin tưởng.

Đêm đầu tháng 6/1982, sau khi liên hệ với Hai Râu, hai tàu biệt kích chở Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh từ ngoài biển chạy thẳng vào huyện Trần Văn Thời (tỉnh Minh Hải). Với vai trò chỉ huy và cầm đầu, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra "kho tàng", "mật cứ", gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước, vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng mà không biết rằng tất cả đã nằm trong tính toán và kế hoạch của lực lượng CAND Việt Nam.

Ngày 9/9/1984, khi 2 con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam, ban chuyên án quyết định bắt giữ Mai Văn Hạnh cùng toàn bộ tài liệu, tang vật. Riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng không đi trong chuyến này. Ban chuyên án Kế hoạch CM12 đã quyết định rất táo bạo là vẫn kết thúc giai đoạn 1 của Kế hoạch CM12, nhưng chủ động cho tách một cách khéo léo Kế hoạch ĐN10 vốn được lập trong Kế hoạch CM12 để tiếp tục đấu tranh làm thất bại hoàn toàn âm mưu và hoạt động của địch. Ta đã phát hiện, bóc gỡ 10 tổ chức phản động khác của địch cài cắm trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh...

Lực lượng CAND Việt Nam đã làm nên thắng lợi vẻ vang trong Kế hoạch CM12, không chỉ đập tan tổ chức tình báo, gián điệp biệt kích do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu mà còn làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kế hoạch CM12 là một chiến công lừng lẫy, trọn vẹn, đỉnh cao về mặt chiến thuật nghiệp vụ khi "tương kế tựu kế" sử dụng "trò chơi nghiệp vụ" giăng bẫy, lôi kéo đánh bắt gần như toàn bộ vũ khí và đối tượng biệt kích xâm nhập.

Xuyên suốt quá trình thực hiện Kế hoạch CM12, Ban Chỉ đạo đã vận dụng linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, vận động quần chúng nhân dân, hành chính, vũ trang... vào công tác đấu tranh tạo nên sức mạnh toàn diện, tổng hợp, hiệu quả, đập tan âm mưu, hoạt động của địch.

Dấu ấn từ một cuộc thi đặc biệt

Ngày 4/9, Công an tỉnh Cà Mau tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết tìm hiểu 40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12. Ngay sau phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các đơn vị, Công an huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhất là đoàn viên, thanh niên.

Qua 1 tháng triển khai, ban tổ chức nhận được 161 bài dự thi, trong đó có những tác giả, nhóm tác giả dày công tìm hiểu, nghiên cứu đưa vào bài thi những tư liệu, tài liệu quý, những hình ảnh chân thật về bối cảnh, diễn biến, quá trình hình thành, kết quả, ý nghĩa của thắng lợi Kế hoạch phản gián CM-12. Đặc biệt, có bài thi được viết tay hàng trăm trang, thể hiện tinh thần nghiêm túc, chịu khó đào sâu nghiên cứu của người dự thi.

Kết quả, ban tổ chức trao 1 giải Đặc biệt cho Trung úy Hồng An Xuyên, Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Đồng thời, ban tổ chức cũng lựa chọn những bài thi đạt chất lượng tốt nhất gửi tham gia Cuộc thi tìm hiểu 40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 do Bộ Công an tổ chức.

Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, nơi ghi dấu ấn thắng lợi Kế hoạch CM12 của CAND Việt Nam.

Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, nơi ghi dấu ấn thắng lợi Kế hoạch CM12 của CAND Việt Nam.

Là người con của huyện Trần Văn Thời, Trung úy Hồng An Xuyên bày tỏ: "40 năm trôi qua, những ký ức về chiến thắng của Kế hoạch CM12 vẫn mãi in sâu trong lòng thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam nói chung, Công an tỉnh Cà Mau nói riêng. Đó không chỉ là một trang sử hào hùng của lực lượng CAND mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường, trí tuệ và lòng dũng cảm của toàn dân tộc. Phát huy tinh thần ấy, thế hệ trẻ lực lượng CAND tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, trong đó tiên phong, xung kích trong cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác thực tế là nhiệm vụ trọng tâm".

Còn Thiếu tá Lý Phương Lam, cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Cà Mau (người đoạt giải A) luôn bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được giao nhiệm vụ thuyết minh, tuyên truyền về Kế hoạch CM12. Từ nhiệm vụ này, Thiếu tá Lý Phương Lam thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, lời kể của các đồng chí, nhân chứng lịch sử và càng ngày càng bị thu hút, tự hào về thành tích, chiến công xuất sắc này. "Đó là động lực để tôi cố gắng trau dồi, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tuyên truyền về chiến công của Kế hoạch CM12 đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân...", Thiếu tá Lý Phương Lam tâm sự.

Thiếu tá Tạ Thành Đậm, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu an ninh và cảnh sát (Phòng Tham mưu Công an tỉnh Cà Mau, người đoạt giải A) chia sẻ: Kế hoạch CM12 là minh chứng về tinh thần chiến đấu can trường, chủ động của lớp cán bộ kiên trung, quả cảm và đầy mưu trí. Đây không chỉ là bài học quý giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hơn hết Kế hoạch CM12 còn là nguồn cảm hứng bất tận, xuyên suốt giúp cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Cà Mau ngày nay dấn thân vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ, nỗ lực cống hiến để tiếp bước thế hệ cha anh xây dựng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đức Vĩnh - Phương Thảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/cm12-nguon-cam-hung-tiep-buoc-cac-the-he-i743806/