CNN: Hàng trăm con voi chết bí ẩn, chuyên gia động vật nghi có thể do nhiễm COVID-19
Theo các nhà bảo tồn địa phương, hơn 360 con voi đã chết một cách bí ẩn ở Botswana trong ba tháng qua. Chuyên gia động vật McCann suy đoán có một số khả năng cho nguyên nhân có thể gây ra cái chết cho lũ voi, chẳng hạn như do ký sinh trùng riêng của loài voi - hoặc thậm chí là do COVID-19.
Theo Niall McCann, giám đốc bảo tồn tại Tổ chức Cứu hộ Công viên Quốc gia Vương quốc Anh, một số xác chết voi được tìm thấy xung quanh hố nước, trong khi những con khác dường như đã chết trong tư thế úp mặt xuống đất đầy tuyệt vọng.
Những con voi còn sống ở gần đó trông có vẻ ốm yếu, thậm chí có con đi vòng vòng một chỗ. Điều kỳ lạ là các loài khác trong khu vực dường như không bị ảnh hưởng tiêu cực như loài voi
Chính phủ Botswana đang thử nghiệm các mẫu từ những con voi đã chết, nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cái chết.
Chuyên gia Niall McCann thốt lên: "Thật kinh khủng - chúng ta cần phải biết chuyện quái gì đang xảy ra" và nói thêm rằng ông chưa từng chứng kiến cảnh rất nhiều con voi đã chết vì một nguyên nhân bí ẩn.
McCann suy đoán có một số khả năng cho nguyên nhân có thể gây ra cái chết cho lũ voi, chẳng hạn như do ký sinh trùng riêng của loài voi - hoặc thậm chí là do COVID-19.
"Điều tôi muốn nhấn mạnh là điều này có khả năng trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng", ông nói. Dù nguyên nhân là gì, McCann nói rằng điều quan trọng là phải đi đến tận cùng vì số voi mất mạng là "đáng kể trên toàn cầu".
Voi châu Phi được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương trong Danh sách đỏ của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN). Cuộc điều tra voi tại châu Phi được thực hiện vào năm 2016, đã tiết lộ rằng chỉ trong bảy năm từ 2007 đến 2014, số lượng voi đã giảm ít nhất là 30%, tương đương 144.000 con.
Năm ngoái, Botswana đã dỡ bỏ lệnh cấm săn bắn voi vốn thiết lập vào năm 2014, khiến quốc tế phản đối mạnh mẽ. Botswana là mái nhà của 130.000 con voi châu Phi - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên lục địa. Đồng bằng Okavango là nơi sinh sống của khoảng 10% số voi của đất nước phía nam châu Phi.
A.T (theo CNN)