Có 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em nhưng khi có chuyện, không ai phải chịu trách nhiệm

Theo Cục trưởng Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam, mỗi khi có vụ việc liên quan tới xâm hại trẻ em, mọi người đều nói có tới 17 cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em sao nhưng mỗi cơ quan, tổ chức đều có trách nhiệm của mình nên mới có cảnh 'công tranh, còn tội thì tránh'. Việc trẻ em đang hàng ngày đối mặt nhiều nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng là điều đáng lo hiện nay.

Chia sẻ trên của Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam được đưa ra tại Hội thảo về bảo vệ trẻ em diễn ra sáng 25/5. Theo ông Nam, thực tế về hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em phụ thuộc nguồn thu ngân sách từng địa phương, nếu ngân sách địa phương có dư sẽ chi thỏa đáng cho chăm sóc trẻ em (như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh…), ngược lại sẽ cắt khoản chi cho trẻ em đầu tiên.

Ông Nam đánh giá, những năm gần đây trẻ tử vong do đuối nước giảm, nhưng nửa đầu năm nay bất ngờ tăng cao. Người đứng đầu Cục Trẻ em cho rằng, có thể ưu tiên phổ cập bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ tại các địa bàn nguy cơ cao (như vùng nhiều sông suối, ao, hồ), nếu mỗi trường không thể tự đầu tư, có thể đầu tư tại một trường để dùng chung.

Ông Nam cho biết, Cục Trẻ em đã phối hợp với một tổ chức quốc tế tiến hành đánh giá chi phí dạy trẻ biết bơi và có kỹ năng an chỉ tốn khoảng 700 nghìn đồng/trẻ (khoảng 30 USD/trẻ), gồm đầu tư một bể bơi thông minh khoảng 100 triệu đồng, kinh phí duy trì (điện, nước), thầy dạy… “Khoản đầu tư này không đáng bao nhiêu so với đầu tư các lĩnh vực khác, đổi lại trẻ sẽ an toàn hơn, nhưng nhiều địa phương không đầu tư. Có vẻ như lãnh đạo nhiều địa phương bận quá nên không sốt ruột với thực tế trẻ tử vong do đuối nước, trong khi Thủ tướng đã có công điện khẩn chỉ đạo”, lãnh đạo Cục Trẻ em nói thêm.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH.

Cũng theo lãnh đạo Cục Trẻ em, trong các nguyên nhân dẫn tới tử vong của trẻ, hàng đầu là do đuối nước với bình quân 2.000 trẻ tử vong mỗi năm, và tai nạn giao thông cũng ở mức tương tự. Gần đây nổi lên các vụ việc trẻ rơi ngã do tự tử hoặc môi trường sống chưa an toàn (như ở chung cư cao tầng).

“Chúng ta đã quá quen một thực tế, có tới 17 cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em sao vẫn xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng. Đó là sự thật, nhưng mỗi cơ quan có trách nhiệm đã được pháp luật định rõ, nhưng vấn đề các cơ quan, đơn vị đã làm hết trách nhiệm chưa, tránh việc công tranh, còn tội thì tránh”, ông Nam nói. Ông cũng cho rằng, trước khi nói tới trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cần rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trẻ là không thể thay thế, khi chính gia đình cũng làm chưa tốt, cha mẹ thiếu kiến thức về bảo vệ và chăm sóc trẻ. Thậm chí bạo lực, xâm hại trẻ em trong chính gia đình, từ người thân, cha mẹ trẻ, hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ.

Theo thống kê của Cục Trẻ em, trong 3 tháng đầu năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 trường hợp (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Cùng thời gian, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại (tăng 30 em so với cùng kỳ năm trước), trong đó có nhiều em bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Đa số trường hợp xâm hại trẻ tới từ chính người thân trong gia đình (cha, mẹ) hoặc những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ (giáo viên, người làm trong các trung tâm chăm sóc trẻ em).

Phó Cục trưởng Trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, năm 2021, có gần 2.000 vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực được phát hiện, xử lý, giảm khoảng 1,6% so với năm liền trước. Tuy nhiên, đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội như vụ việc trẻ bị bạo hành ở TPHCM và Hà Nội. Điều này, theo bà Nga, có một phần nguyên nhân từ ảnh hưởng dịch COVID-19, nên trẻ ở nhà và học trực tuyến kéo dài, nhiều bố mẹ mất việc làm hoặc giảm thu nhập tạo thêm áp lực lên cuộc sống gia đình.

Cục Trẻ em đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an xây dựng quy trình xử lý xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, dự kiến quý 3 năm nay sẽ ban hành. Trong đó có các quy định về xóa bỏ các nội dung không phù hợp trên môi trường mạng.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-17-co-quan-lien-quan-den-bao-ve-tre-em-nhung-khi-co-chuyen-khong-ai-phai-chiu-trach-nhiem-post1441210.tpo