Có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự đã được ban hành
Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự, 11 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Sáng 29/7, Văn phòng Quốc hội đã thông báo về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa mới diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ, và kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với dự kiến.
Tại kỳ họp, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ nhất đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Về công tác tổ chức, nhân sự: Đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 9 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ… Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tích cực lắng nghe, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, phát triển bứt phá trong giai đoạn 2021-2026, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Những tháng đầu năm 2021 đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,…
Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường cácgiải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Theo đó, điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3.
Chương trình năm 2022 gồm 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần.
Quốc hội yêu cầu các cơ quan đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường cácgiải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Đồng thời thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.