Có 2 mã số thuế cá nhân, xử lý thế nào?

Ông Phạm Quốc Thạch (Bà Rịa – Vũng Tàu) được cơ quan thuế cấp mã số thuế cá nhân thứ nhất ngày 1/12/2009. Ngày 29/11/2018, ông cũng được Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp mã số thuế cá nhân thứ hai.

Việc có 2 mã số thuế ảnh hưởng đến đồng bộ thông tin cá nhân trên hệ thống thuế khiến ông Thạch không thể cập nhật được Căn cước công dân theo mã định danh.

Ông Thạch đã có văn bản đề nghị cấm dứt hiệu lực mã số thuế thứ 2 và cam kết không hoàn số thuế TNCN đã khấu trừ tại cơ quan chi trả thu nhập từ mã số thuế thứ 2, cũng như không đề nghị cơ quan thuế điều chỉnh, thay đổi đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa được hỗ trợ chấm dứt hiệu lực mã số thuế thứ hai này.

Ông Thạch đề nghị cơ quan thuế xem xét, hỗ trợ ông chấm dứt/đóng mã số thuế cá nhân đã được cấp vào ngày 29/11/2018 để ông hoàn thành các bước thay đổi thông tin cá nhân tiếp theo.

Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ý kiến như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2029;

Căn cứ Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế;

Theo hồ sơ quyết toán thuế TNCN của tổ chức chi trả thu nhập và qua kiểm tra dữ liệu trên Hệ thống quản lý thuế tập trung của ngành Thuế (TMS), Cục Thuế nhận thấy ông Phạm Quốc Thạch có phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 2 mã số thuế cá nhân. Phát sinh đăng ký người phụ thuộc trên 2 mã số thuế cá nhân.

Về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế: Để bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế có số thuế đã khấu trừ trên mã số thuế đề nghị chấm dứt hiệu lực, Cục Thuế đã phát hành Công văn số 4367/CTBRV-KK ngày 30/6/2023 và Công văn số 8465/5/CTBRV-KK ngày 14/12/2023 về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Theo đó, trường hợp cá nhân sử dụng nhiều mã số thuế do cấp trùng để kê khai, nộp thuế, Cục Thuế đề nghị ông xác định lại mã số thuế cần chấm dứt hiệu lực (ưu tiên giữ lại mã số thuế đã cấp trước hoặc mã số thuế đang dùng để kê khai, nộp thuế, đăng ký giảm trừ gia cảnh) và có trách nhiệm liên hệ đề nghị cơ quan chi trả thu nhập thực hiện điều chỉnh mã số thuế đã kê khai khấu trừ quyết toán thuế TNCN, đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mã số thuế đề nghị chấm dứt hiệu lực sang mã số thuế giữ lại (nếu có).

Lý do, mã số thuế đã chấm dứt hiệu lực sẽ trong các giao dịch kinh tế theo quy định của Luật Quản lý thuế, kể cả trường hợp không được sử dụng điều chỉnh, thay đổi đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh và đề nghị hoàn số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ tại cơ quan chi trả thu nhập trước thời điểm thuế cá nhân chấm dứt hiệu lực.

Đồng thời, Cục Thuế đã hướng dẫn ông Thạch gửi lại công văn đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế sau khi đã xác định sẽ không đề nghị cơ quan Thuế điều chỉnh, thay đổi đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh, hoặc đề nghị hoàn số thuế TNCN đã khấu trừ tại cơ quan chi trả thu nhập đối với mã số thuế đề nghị chấm dứt hiệu lực.

Thời điểm chuẩn hóa mã số thuế cá nhân

Thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện từ phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tại Quyết định số 107/QĐ-BTC ngày 28/1/2022; Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ: "Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, Cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã chủ động làm việc với Bộ Công an trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế, đẩy mạnh triển khai rà soát, chuẩn hóa mã số thuế cá nhân, hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Để không tăng thủ tục hành chính không cần thiết, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế, trong thời gian chờ Bộ Tài chính và Bộ Công an đồng bộ dữ liệu, trường hợp người nộp thuế có nhiều mã số thuế do cấp trùng thì người nộp thuế không phải thực hiện thủ tục đóng hoặc hủy các mã số thuế cấp trùng đang tồn tại trong hệ thống. Cơ quan thuế sẽ căn cứ thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế để hợp nhất các mã số thuế cùng số định danh về một mã số thuế là mã số định danh cá nhân.

Trong giai đoạn rà soát, chuẩn hóa mã số thuế cá nhân, cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế cần xác định lại mã số thuế giữ lại (ưu tiên giữ lại mã số thuế đã cấp trước hoặc mã số thuế đang dùng để kê khai, nộp thuế, đăng ký giảm trừ gia cảnh) để thống nhất sử dụng vào việc kê khai, nộp thuế.

Trường hợp thông tin kê khai chưa chính xác thì người nộp thuế cập nhật đầy đủ, chính xác 3 thông tin: Họ và tên; số CCCD hoặc CMND; ngày tháng năm sinh của cá nhân vào mã số thuế bảo đảm khớp đúng với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp cá nhân ông Phạm Quốc Thạch có 2 mã số thuế do cấp trùng ảnh hưởng đến thủ tục hành chính khác, nhất thiết phải đóng một mã số thuế tại thời điểm này, Cục Thuế đề nghị ông thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 8465/5/CTBRV-KK ngày 14/12/2023.

Cục Thuế lấy làm tiếc về việc cá nhân ông trước đây đã đề nghị cơ quan thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập cấp 2 mã số thuế, và ông đã cung cấp cả 2 mã số thuế cho nhiều cơ quan chi trả thu nhập khấu trừ thuế TNCN của ông.

Chinhphu.vn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-2-ma-so-thue-ca-nhan-xu-ly-the-nao-166485.html