Có 3 kịch bản về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030
Mỹ - Trung Quốc tiếp tục là cặp quan hệ quan trọng nhất, ảnh hưởng toàn diện, tác động đa chiều và có ý nghĩa quyết định đối với xu thế an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị và trật tự thế giới trong tương lai, nhất là tại châu Á - Thái Bình Dương. Sự định hình và vận động của cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương tới đây phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ này.
Kịch bản 1: Chưa có được một cấu trúc bao trùm, tổng thể mà tiếp tục tồn tại đồng thời hai tiểu cấu trúc do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt, vừa riêng biệt, vừa đan xen; ASEAN duy trì vai trò “trung tâm” trong khó khăn
Đây là kịch bản đang diễn ra và có khả năng cao nhất trong thời gian tới, xuất phát từ xu hướng phát triển và vận động của các nhân tố chủ chốt trong cấu trúc an ninh khu vực đã được dự báo.
Thứ nhất, quan hệ Mỹ - Trung là mâu thuẫn đối kháng không thể dung hòa, vì thế đấu tranh là bản chất còn hợp tác là hình thức.
Thứ hai, đến năm 2030, Mỹ vẫn tiếp tục chiếm ưu thế so với Trung Quốc ở sức mạnh tổng hợp trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên khoảng cách có thể tiếp tục bị thu hẹp và tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc có nhiều lợi thế có thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ; quan hệ Mỹ - Trung ở trong trạng thái giằng co, chưa bên nào có ưu thế rõ rệt, hình thành cục diện “lưỡng siêu, đa cường” tại khu vực.
Ở kịch bản này, hai quốc gia sẽ tăng cường triển khai các chiến lược lớn tập hợp lực lượng, mở rộng ảnh hưởng với hình thức và tên gọi có thể thay đổi, nhưng vẫn đảm bảo những định hướng lớn của BRI và IPS. Cả hai bên sẽ tiếp tục tìm cách lôi kéo các nước, hình thành hai tập hợp lực lượng riêng, củng cố hai tiểu cấu trúc do mình dẫn dắt.
Trong bối cảnh đó, các cường quốc khu vực như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định tương quan lực lượng và sức mạnh giữa hai siêu cường cũng như sự định hình và phát triển của cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, rộng hơn là trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi Nga có xu hướng tiếp tục liên kết chặt chẽ với Trung Quốc nhằm gia tăng khả năng đối phó với Mỹ và phương Tây thì các quốc gia còn lại, với quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ cũng như lo ngại trước sự trỗi dậy và tham vọng mạnh mẽ của Trung Quốc, sẽ có xu hướng tăng cường hợp tác với Mỹ và kết nối với nhau.
Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước cũng như lợi ích chung của các bên ngày càng gia tăng, mang tính đan xen, hai tập hợp lực lượng, hai tiểu cấu trúc do Trung Quốc và Mỹ lãnh đạo sẽ không hoàn toàn đối lập mà sẽ có những phần chồng lấn, giao thoa với nhau và các quốc gia trong khu vực có thể tham gia cả hai tập hợp lực lượng, là một phần trong cả hai tiểu cấu trúc của hai siêu cường.
Trong một cấu trúc an ninh khu vực tồn tại song song hai tiểu cấu trúc riêng biệt như vậy, sức mạnh nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Trước hết, nguy cơ chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ sẽ có xu hướng gia tăng do sự khác biệt trong lựa chọn quan hệ và ưu tiên đối ngoại giữa các quốc gia thành viên.
Thêm vào đó, để mở rộng ảnh hưởng và nâng cao sức mạnh tại khu vực, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động can thiệp, tác động vào ASEAN, khiến các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đang tồn tại giữa các thành viên trở nên phức tạp hơn và khó đạt được phương án giải quyết triệt để, thống nhất.
Việc duy trì được sự phối hợp, đồng thuận về chính sách trong ASEAN tới đây phụ thuộc không nhỏ vào vai trò của các nước lớn trong ASEAN và vai trò của các nước chủ tịch luân phiên trong thời gian tới, cụ thể là trong việc đưa ra và triển khai các sáng kiến, phối hợp lập trường nội khối, cùng xử lý quan hệ với các nước lớn trên các vấn đề an ninh khu vực... Trong ASEAN, xét trên các giá trị địa - chiến lược và uy tín quốc tế thì Việt Nam, Indonesia và Singapore là những nước có thế mạnh và trách nhiệm đi đầu trong công cuộc củng cố, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh tại khu vực.
Kịch bản 2: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung dẫn tới xung đột vũ trang hoặc thỏa hiệp phân chia ảnh hưởng; trạng thái cấu trúc hiện có bị phá vỡ; ASEAN không còn duy trì được vai trò trung tâm
Tuy là không nhiều khả năng xảy ra, nhưng với xu hướng đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc thì kịch bản này không phải là không hiện hữu. Với sự áp đặt chiến lược của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, hành động mang đậm màu sắc cá nhân, khó đoán biết của Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy lên cao như ở cuối thập niên 2010, tình hình khu vực rất có thể biến động phức tạp từ những quyết sách “độc đoán”, thực dụng và khó lường.
Trường hợp xung đột xảy ra khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát, các “điểm nóng” có nguy cơ bùng phát, chiến tranh cục bộ có thể xuất hiện. Đây là kịch bản không mong muốn đối với tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên với sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở mỗi quốc gia, xung đột có thể phát sinh từ những va chạm thiếu kiểm soát tại một số “điểm nóng” tương tự như vụ tàu chiến Mỹ USS Decatur và tàu khu trục Trung Quốc Lữ Dương suýt đụng độ nhau tại Biển Đông vào tháng 9-2018.
Triển vọng này được nhấn mạnh hơn trong bối cảnh nội tình mỗi nước đang diễn biến phức tạp, khó lường và đáng chú ý là xu hướng cá nhân lãnh đạo ngày càng chi phối, quyết định chính sách đối ngoại của quốc gia khiến cho khả năng xảy ra những thay đổi lớn, thậm chí là sự đảo chiều chính sách của các nước cao hơn, dẫn đến khả năng rủi ro cao hơn.
Nếu xung đột Mỹ - Trung xảy ra, có thể xuất hiện khả năng một trong hai bên sụp đổ, bên còn lại giành thắng lợi, trở thành quốc gia thống trị khu vực và hình thành một trật tự mới đơn cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu chính trị, khả năng căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đến mức xung đột, “một mất một còn” là không cao do cả hai bên đều phải trả giá rất lớn khi xung đột xảy ra cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Bên cạnh đó, sự ràng buộc và phụ thuộc lợi ích ngày càng cao giữa hai quốc gia cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hòa bình. Thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều rất thận trọng và có ý thức về giới hạn của sự va chạm và xung đột với nhau.
Khi sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt đến bờ vực xung đột vũ trang, vì lợi ích thực tế, hai bên cũng có thể dàn xếp để có thỏa hiệp, phân chia ảnh hưởng mà không tính tới lợi ích của nước nhỏ. Điều này sẽ hình thành nên một dạng thức cấu trúc an ninh “lưỡng siêu” trong một trật tự khu vực do G2 chi phối, cùng lãnh đạo khu vực.
Điều kiện để xảy ra kịch bản này là khi Mỹ không còn đủ ưu thế và khả năng để kiềm chế Trung Quốc, không thể duy trì vị trí lãnh đạo số một tại khu vực, còn Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, làm suy giảm nỗ lực thiết lập liên minh “Bộ tứ” của Mỹ, nhưng cũng chưa đủ khả năng thay thế Mỹ; cả hai nhận thấy lợi ích của việc chia sẻ quyền lực tại khu vực thực tế hơn là việc tiếp tục đấu tranh gay gắt, và Mỹ thấy việc bảo đảm lợi ích của mình quan trọng hơn so với việc phải bảo vệ lợi ích của đồng minh tại khu vực.
Thực tế, nhiều chính trị gia và học giả trên thế giới có xu hướng nghiêng về kịch bản này dựa trên cơ sở là sự ràng buộc lợi ích và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nước. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski cũng có tư tưởng cổ vũ ý tưởng thiết lập mô hình G2 giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm cùng quản lý thế giới, trong khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger lại đưa ra khuyến nghị Mỹ nên can dự thay vì kiềm chế Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung về bản chất là đối đầu giữa một bên đang cố gắng duy trì vị thế lãnh đạo thế giới (Mỹ) và bên còn lại (Trung Quốc) đang trỗi dậy mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu thay thế trật tự thế giới hiện hành, nên khả năng xảy ra kịch bản thỏa hiệp nói trên trong thời gian tới 2030 là thấp. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập và liên kết toàn cầu, vai trò của các nước nhỏ cũng ngày càng được chú ý hơn, khiến cho các cuộc “mặc cả” giữa các nước lớn cũng phải tính toán, thận trọng hơn đối với lợi ích của các nước còn lại.
Trong cả hai trường hợp này, vai trò trung tâm của ASEAN đều chịu tác động tiêu cực. Ở trường hợp thứ nhất, một trật tự đơn cực mới nổi lên sẽ chi phối toàn bộ các quốc gia trong khu vực, bao gồm các thành viên ASEAN. Ở trường hợp thứ hai, một trật tự lưỡng cực dựa trên sự hòa hợp về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ, cho dù không đặt ASEAN vào thế phải chọn phe, nhưng lại làm mất vai trò trung tâm điều phối, cân bằng của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Kịch bản 3: Các cường quốc khu vực ủng hộ, tạo không gian cho một dạng thức cấu trúc bao trùm do ASEAN thực sự giữ vai trò trung tâm
Kịch bản này xuất hiện trên cơ sở nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt nhưng chưa bên nào có ưu thế tuyệt đối để trở thành nhân tố chi phối, đồng thời cũng chưa thể thỏa hiệp với nhau để có thể tạo nên một trật tự mới, dẫn tới một dạng thức mới của cấu trúc an ninh khu vực.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang diễn ra như thế và chiều hướng trên sẽ tiếp tục trong những năm tới. Điều kiện cho kịch bản này là: (i) các hình thức tập hợp lực lượng do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt như IPS và BRI không phát huy được hiệu quả như mong muốn của mỗi bên, hai bên ở thế giằng co và cần đến một nhân tố trung gian để cân bằng, điều hòa quan hệ và lợi ích; (ii) ASEAN đạt được sự đồng thuận cao về cách thức củng cố và phát huy vai trò trung tâm của mình và tiếp tục được các đối tác lớn công nhận; và (iii) ASEAN có được một sự lãnh đạo từ bên trong bằng việc đưa ra các sáng kiến phù hợp và dẫn dắt triển khai các sáng kiến đó.
Thực tế, ASEAN đã bước đầu đạt được sự đồng thuận về những nội dung cơ bản của tầm nhìn về cấu trúc khu vực, mục tiêu củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình và phát triển cấu trúc vì hòa bình và thịnh vượng chung. Trong khi đó, cả hai hình thức tập hợp lực lượng của Mỹ và Trung Quốc tồn tại những hạn chế mang tính bản chất, gây ra tâm lý lo ngại và do dự cho các nước trong khu vực khi quyết định tham gia.
Đáng chú ý, các nước lớn ở trong và ngoài khu vực cũng có xu hướng ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện qua các cam kết cũng như hành động tham gia vào các liên kết, cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, nhất là “Bộ tứ”. Ở mức độ nào đó, dạng thức cấu trúc này đã được hình thành, nhưng vẫn đang biến động do chịu sự tác động, chi phối của nhiều nhân tố chủ quan (nội bộ ASEAN) và khách quan (các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc).
Trên thực tế, các diễn đàn, cơ chế hợp tác của ASEAN đã và đang tạo “sân chơi” và cân bằng quyền lực giữa các chủ thể tham gia, đồng thời giữ vai trò là một thành tố không thể thiếu trong các chính sách của Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khu vực khác.
Trong thời gian tới, các cơ chế của ASEAN như ARF, ADMM+, ASEAN+, EAS vẫn chứng tỏ được vai trò nhất định, là diễn đàn trao đổi quan điểm chính sách của các nước, giúp duy trì động lực hợp tác trong khu vực và đóng vai trò là cơ chế kiểm soát, quản lý trong các tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi nội bộ ASEAN có sự chia sẻ cao về lợi ích, thống nhất cao về cách thức xử lý các vấn đề an ninh khu vực; vai trò chủ động thúc đẩy, dẫn dắt của ASEAN, trực tiếp là những nước có điều kiện, ảnh hưởng và có ý chí dẫn dắt. Nó cũng đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ ASEAN, đồng thời có được sự ủng hộ có phối hợp của các cường quốc khu vực, trực tiếp là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Với tình hình đã diễn ra trong 10 năm qua và triển vọng trong 10 năm tới, đây là điều không dễ dàng.
Vấn đề cần lưu ý là trong kịch bản này, vai trò trung tâm của ASEAN được đề cao hơn nhiều trên vai trò trung gian, điều phối, cân bằng quan hệ giữa các nước, giúp các nước cùng đạt được lợi ích của mình. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo chi phối thì còn xa, bởi Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là nhân tố chiếm ưu thế trong khu vực. Điều này đặt ra các giới hạn và cách thức hành động của ASEAN ở vị trí “trung tâm” cho phù hợp.