'Có 4 người Việt định nhảy vào Sứ quán để tự tử vì nghĩ nếu không về được quê thì chết ở đây'

Tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án 'chuyến bay giải cứu' sáng 19/7, tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) thừa nhận, đã đạp đổ bát cơm của cò mồi khi đưa người mãn hạn tù ở Malaysia về nước.

Bị cáo Trần Việt Thái cùng các cấp dưới bị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ chuyến bay giải cứu. Với tổng cộng với gần 1.900 người mãn hạn tù được giải cứu, bị cáo Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng nhưng chỉ chi phí hết 33 tỷ đồng. Còn hơn 11 tỷ đồng, bị cáo Thái và cấp dưới giữ lại 5 tỷ tại Đại sứ quán, tự chia nhau số tiền còn lại, trong đó bị cáo Thái chiếm hưởng 580 triệu đồng, cấp dưới của bị cáo Thái chiếm hưởng thấp hơn. Với hành vi trên, bị cáo Thái bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 5 - 6 năm tù.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Thái cho rằng, khi dịch COVID - 19 bùng phát, tình hình ở các nước rất căng thẳng. Còn tại Malaysia, có 4 công dân có ý định nhảy vào sứ quán tự tử vì họ nghĩ, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia là đất Việt, nếu không về được quê thì chết ở đây.

Bị cáo Trần Việt Thái.

Bị cáo Trần Việt Thái.

Theo bị cáo Thái, vì cục diện lúc đó căng thẳng nên Đại sứ quán phải thu thêm kinh phí dự trù. Một rủi do khác là các trại tù ở xa, người mãn hạn tù phải được nuôi một tháng, vì mỗi tháng chỉ một chuyến bay.

Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu của mỗi người mãn hạn tù hơn 20 triệu đồng, ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về Thủ đô Kuala Lampur phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng một người.

Trong lời bào chữa, bị cáo Thái cho rằng: “Thực sự là chúng tôi rất bí, chỉ còn cách Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phải vào cuộc. Chúng tôi thu tiền không phải để bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn”, bị cáo Thái phân trần.

Lý giải về việc “đạp đổ bát cơm của cò mồi”, bị cáo Thái cho biết, người môi giới (“cò mồi”) thu của mỗi công dân Việt Nam về nước từ 40 - 60 triệu đồng, thậm chí là 80 triệu đồng một vé. Trong khi đó, các chuyến bay về nước do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức chỉ có giá vé hơn 20 triệu đồng đối với người có hộ chiếu, và gần 25 triệu đồng với người không có hộ chiếu.

“Vì bị chúng tôi ngăn chặn việc thu nhiều tiền của công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, nên những người môi giới cho rằng, chúng tôi đã đạp đổ nồi cơm của họ và họ viết đơn tố cáo chúng tôi”, bị cáo Thái bào chữa.

Bị cáo Thái phân trần, khi đó Đại sứ quán xin từ 5 đến 6 chuyên cơ chở người về nước thì bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (khi đó là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) cho biết, không có chỗ cách ly nên không cho về tất cả, chỉ cho về dần.

Bị cáo Thái thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng nhưng sau không dùng đến "vì rủi ro không có hoặc chúng tôi đã chặn được rủi ro". Bị cáo Thái cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vì làm việc ở Malaysia khó áp dụng theo quy định của Việt Nam.

Cuối cùng, bị cáo Thái đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các đồng nghiệp của bị cáo vì “đồng nghiệp của bị cáo là những người dám làm nhưng không theo quy định, vì theo quy định thì sẽ không làm được việc”.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/co-4-nguoi-viet-dinh-nhay-vao-su-quan-de-tu-tu-vi-nghi-neu-khong-ve-duoc-que-thi-chet-o-day-i700853/