Có bánh, có mứt, có hương vị Tết!

Tết, nhà nhà đều không thể thiếu các món bánh, mứt có hương vị ngọt ngào. Từ đôi bàn tay khéo léo, các chị, các cô đã làm ra nhiều loại bánh, mứt và món ăn truyền thống, đặc trưng, góp phần giữ gìn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc.

Cứ đến giữa tháng Chạp là cô La Mỹ Thành, ở phường 4, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) lại tất bật cả ngày trong gian bếp. Trước đây, cô Thành làm bánh mứt chủ yếu để dịp Tết con cháu trong nhà sum vầy “có bánh, có mứt, có hương vị Tết”, hoặc dành tặng bạn bè, người thân để ai ai cũng được “ngọt ngào” trong năm mới. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, các món mứt của cô Thành được nhiều người biết đến, vì bên cạnh làm mứt dùng trong gia đình, cô còn làm thêm để giao cho khách.

Chỉ khi vào dịp Tết, cô La Mỹ Thành mới bắt tay vào làm các món bánh, mứt. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chỉ khi vào dịp Tết, cô La Mỹ Thành mới bắt tay vào làm các món bánh, mứt. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chủ yếu cô Thành làm các món mứt truyền thống, như: mứt mãng cầu, mứt dừa, mứt khóm. Theo kinh nghiệm của cô, mứt dừa phải chọn cơm dừa dày không quá già, không quá non, có màu trắng ngần, khi thưởng thức có thể cảm nhận được vị ngọt thanh của đường hòa quyện với vị béo của cơm dừa. Đối với mứt mãng cầu phải có vị chua, ngọt vừa phải, mứt dai ngon, cho vào miệng không có cảm giác sột soạt của các hạt đường thì mới đạt yêu cầu.

Khi chúng tôi tấm tắc khen ngợi các món mứt, cô Thành tươi cười chia sẻ thêm: “Năm nay, cô làm hơn 100kg mứt các loại. Dù bánh mứt làm nhà hơi kì công nhưng cô rất vui vì đã mang lại sự ngon miệng cho người thân, bạn bè, cũng vừa có thêm thu nhập. Mỗi năm chỉ vào thời điểm này mới có được cảm giác bận rộn ngày Tết, tuy cực mà vui”.

Cũng như cô Thành, những ngày giáp năm là khoảng thời gian bận rộn nhất của cô Lương Thị Thu Nga, ở phường 4, thành phố Sóc Trăng. Ngoài làm mứt, cô Nga cũng không quên các món bánh truyền thống, như: bánh tét, bánh kẹp, bánh bông lan. Bởi mỗi năm, vào ngày mùng 1, sau khi mọi người tụ họp về thắp nhang cho ông bà sẽ quây quần bên chiếc bàn nhỏ trước sân, vừa trò chuyện rôm rả vừa thưởng thức các loại bánh, mứt do chính tay cô Nga làm. Cô Nga ít khi chịu mua bánh, mứt bày bán sẵn, bởi vì bánh, mứt làm nhà dù có tốn công một chút nhưng lại rất an toàn và còn góp phần giữ gìn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc. Các món mứt làm ra không chỉ để ăn mà còn dành đãi khách nên được cô Nga chăm chút, như món mứt dừa bắt mắt với nhiều màu sắc xanh lá, nâu, tím, vàng với nguyên liệu tạo màu từ lá dứa, củ dền, hoa đậu biếc, cà rốt, cà phê. Hay ngoài loại bánh bông lan truyền thống, còn có bánh bông lan trứng muối thơm ngon, lạ miệng được bọn trẻ con yêu thích; món bánh tét có lớp vỏ nếp mềm dẻo, nhân đậu mỡ bùi béo mang đậm hương vị truyền thống của người Nam Bộ…

Cùng với bánh, mứt thì các món ăn vặt, như: khô bò, khô gà, chà bông cá, chà bông tôm, bánh phồng tôm, chả giò… cũng là những loại thực phẩm được các “đầu bếp” nghiệp dư ưa làm trong ngày Tết. Như chị Nguyễn Thị Kiều Tiên, ở phường 1, thành phố Sóc Trăng, không chỉ khéo tay với các món bánh mứt truyền thống mà còn khéo tay với các món khô gà lá chanh, khô bò chanh ớt hay các loại chả lụa, chả giò, pate gan, giò thủ. Chị Tiên cho biết, bọn trẻ con thích các món khô gà, khô bò trong khi các em và ba mẹ chị lại thích các loại chả nên từ ngày 24 Tết, sau khi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa là chị bắt tay vào chuẩn bị các món ăn. “Cả nhà tôi thích đồ ăn tự làm. Khi chị em chúng tôi ngồi quây quần cùng nhau làm bánh mứt, cuốn chả, cảm giác rất vui vẻ, hạnh phúc, nên bao nhiêu năm nay, đối với chúng tôi cái Tết nào cũng là cái Tết sum vầy, ấm cúng” - chị Tiên tâm sự.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, sự bận rộn, tất bật chuẩn bị làm bánh mứt, chăm chút từng món ăn của các “nghệ nhân” và “đầu bếp” nghiệp dư cho cảm giác xuân đang đến rất gần.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/co-banh-co-mut-co-huong-vi-tet!-62718.html