Có bắt buộc phải cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp?
Theo phong tục cổ truyền, lễ cúng ông Công ông Táo được thực hiện trước giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp, vậy đây có phải là điều bắt buộc?
Theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm là ngày ông Công ông Táo (còn gọi là Táo Quân) cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian.
Chính vì vậy, vào ngày này, người dân thường sửa soạn mâm cỗ cúng với cá chép sống để tiễn các vị Táo quân về Trời.
Năm nay, Tết ông Công ông Táo vào thứ Sáu ngày 17/1. Theo phong tục cổ truyền, lễ cúng ông Công ông Táo thường được cúng vào giờ Ngọ (11-13h) ngày 23 tháng Chạp. Đây được coi là giờ linh thiêng, thích hợp nhất để cúng ông Công, ông Táo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, lễ cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện vào nhiều thời điểm khác nhau, có thể cúng trước hoặc sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là lòng thành của gia chủ chứ không phải làm cho có lệ.
Như vậy, thời điểm thích hợp để cúng ông Công ông Táo có thể diễn ra từ ngày 21 cho đến tối 23 tháng Chạp và không nhất thiết phải cúng đúng vào giờ Ngọ.
Cúng ông Công ông Táo là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, là tín ngưỡng văn hóa dân gian hướng con người đến những điều thiện và giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Người dân thường làm lễ để cầu mong các vị thần này phù trợ, báo cáo tốt lên Ngọc Hoàng Thượng đế, kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước vào một năm mới bình an, thuận lợi.