Cô bé xương thủy tinh trải lòng qua những trang sách
Trong cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 8, dọc theo Quốc Lộ 49B, men theo những con đường làng quanh co, uốn lượn, chúng tôi có dịp ghé thăm và trò chuyện với cô bé Lê Thị Linh (sinh năm 1994).
Với căn bệnh xương thủy tinh từ khi chào đời đến nay, vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, với nghị lực của mình, Linh đã vượt qua bệnh tật và gửi gắm những tâm sự của lòng mình qua những trang sách.
Chiến đấu với bệnh tật
Bà Nguyễn Thị Tơ, mẹ Linh chia sẻ: Chưa đầy hai tháng tuổi, hai chân của Linh không thể duỗi thẳng, xương cứ gãy sau mỗi lần va chạm, di chuyển... Mỗi lần như vậy, hai vợ chồng lại bế Linh lên phố cách nhà hơn 40km để được chữa trị. Từ đó, Linh phải chống chọi với căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến xương giòn, dễ gãy mà bệnh chưa có thuốc chữa đặc hiệu.
Linh chia sẻ: “Em không nhớ mình đã bị gãy xương bao nhiêu lần. Bây giờ nghĩ lại em vẫn còn sợ. Đêm ngủ em vẫn còn mơ mình bị gãy xương. Em khóc đến khản cả tiếng vì quá ám ảnh nỗi đau ấy”.
Qua thời gian, bệnh làm đôi chân của Linh biến dạng. Sau tám năm chạy chữa, bác sĩ yêu cầu phải nằm yên một chỗ, hạn chế di chuyển để không ảnh hưởng tới xương.
Cắn răng chịu đựng sau một cơn đau, Linh bộc bạch: “Cứ trở trời, hay cử động là chân em lại đau như hàng ngàn mũi kim châm. Mỗi lần đau, ba, mẹ lại thay nhau chườm nước nóng để em bớt đau. Lúc nào chịu không được thì uống thuốc giảm đau, nhưng không dám uống đều vì em còn đau dạ dày. Nhiều khi em chỉ cắn răng chịu. Không được học hành, không có bạn bè..., nhiều khi em nghĩ, hay mình chết đi, để ba mẹ bớt gánh nặng. Sau này được anh chị dạy chữ, rồi tiếp cận với mạng xã hội, học được cách làm hoa giấy, em thấy yêu cuộc đời hơn. Em cũng quen được những người bạn giống như em, chia sẻ cùng em những khát khao mà chúng em không bao giờ thực hiện được”.
Vượt lên số phận bệnh tật
Từ đó đến nay đã 16 năm, em nằm liệt trên giường. Cuộc sống đóng sầm cánh cửa trước mắt em. Thế mà, ngày nhỏ em cứ nghĩ rằng lớn lên mình sẽ hết bệnh. Em từng tự trách bản thân rất nhiều. Em khóc và tìm cách giải thoát cho mình, nhưng lại không đủ can đảm để chịu đau thêm một lần nữa. Ba mẹ chưa một lần kêu than về em. Nhưng nhiều đêm, em thấy mẹ ngồi dựa cửa nhà khóc. Em biết ba mẹ lo cho cuộc sống của em sau này, khi ba mẹ không còn sức để lo cho em được nữa.
Qua cơn đau, Linh lại mày mò làm những tấm thiệp, làm hoa để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. “Tiền thuốc của em hàng tháng hơn 2,5 triệu đồng, trong khi tiền làm hoa mỗi tháng của em chỉ 300 đến 500 ngàn đồng. Em chỉ mong những cơn đau ít lại để em có nhiều thời gian hơn để làm việc phụ giúp ba mẹ”, Linh ao ước.
Cách đây 3 năm, em lấy hết can đảm đăng bức hình đầu tiên trên Facebook. Em băn khoăn vì em biết sẽ phải đối diện với nhiều ánh mắt, dù em biết mọi người yêu quý mình. Đối diện với bản thân mình thực sự khó, chị ạ. Nhưng chỉ bỏ đi được sự mặc cảm đó, em mới có thể sống tiếp. Cuộc sống quá ngắn ngủi nên em không thể buông xuôi được nữa.
Tay yếu nhưng em vẫn nỗ lực hết sức mình để làm ra những bông hoa giấy – công việc duy nhất em có thể kiếm chút thu nhập giúp ba mẹ.
Từ nhỏ, mẹ không dám cho em chơi với ai vì sợ xương em lại gãy. Em chưa một ngày được đến trường. Em học chữ từ chị gái. Thế rồi, em làm bạn với những cuốn sách. Em thích nhất cuốn “Hiểu về trái tim”. Những cuốn sách giúp em hiểu hơn về cuộc sống, mở ra cánh cửa đưa em đến với thế giới bên ngoài. Những lúc buồn vui em viết ra tâm sự của mình. Những tâm sự ấy được tập hợp và in trong cuốn sách “Khoảng lặng mùa trăng”.
Những gì em viết ra đều là những khoảng lặng từ sâu thẳm trong em. Mùa trăng giống như cái tuổi của em - vừa tròn vừa khuyết. Tản văn “Khoảng lặng mùa trăng” đã đến với các bạn trẻ, góp phần động viên cô bé xương thủy tinh ngày nào thêm động lực để bước tiếp trên con đường của mình. Nhiều cung bậc cảm xúc qua tản văn của Lê Thị Linh, phần nào hiểu được nghị lực phi thường của cô bé. Chiến đấu với căn bệnh và vượt qua hoàn cảnh để sống cho những gia đình và ước ao của một người.
Em vui vì những người bạn và cả những người xa lạ đồng cảm với em. Em vui hơn nữa khi có những người khuyết tật sau khi đọc sách của em đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Em vui vì ít nhất những dòng tâm sự của em có thể khiến một người suy nghĩ lạc quan hơn. Em kể, em học cách làm hoa trên YouTube và nghiên cứu các mẫu hoa trên Google. Bây giờ, em vẫn đang bán hoa giấy trên Facebook.
Em ước mơ có một góc nhỏ để trưng bày và bán những sản phẩm của mình. Em yêu hoa từ nhỏ, rồi bây giờ em lại gắn bó với những bông hoa giấy. Em bảo có lẽ đó là cái duyên. Tản văn “Khoảng lặng mùa trăng” của Lê Thị Linh đã được nhiều bạn đọc trên cả nước biết đến và qua cuốn sách, phần nào hiểu được một cô bé với nghị lực vượt qua số phận bệnh tật, những trang sách là trải lòng mình qua những buồn, vui của cuộc sống, qua đó thấy được giá trị nhân văn qua cuốn sách của Lê Thị Linh.
Và Lê Thị Linh, một người may mắn hơn vì luôn có gia đình bên cạnh, một người mẹ dù cả đời làm lụng vất vả nhưng đến bạc đầu vẫn chăm nom, bế ẵm Linh như hồi bé dại đã tạo nên một mái ấm mới cho em, ở đó họ được vui đùa, được làm việc, được bay bổng với những bông hoa giấy, những trang sách thơ mộng và được yêu thương với trái tim lành lặn và biết rung động chân thành...
16 năm nằm liệt giường với bệnh tật, cô bé Lê Thị Linh ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vượt lên số phận. Hằng ngày, Lê Linh vẫn miệt mài làm hoa giấy để có thu nhập, phụ thêm cho ba mẹ. Điều đặc biệt, mỗi khi rảnh rỗi Linh miệt mài viết sách. Cuốn sách để trải lòng với cuộc đời và số phận kém may mắn của mình.