Có bệnh mà vái nhầm phương

Dân ta hay truyền câu 'có bệnh thì vái tứ phương'. Khai thác tâm lý đó, nhiều người tự xưng là thần y, bệnh gì cũng chữa được, khiến nhiều người bệnh tin theo. Hiệu quả chưa thấy, đã thấy hậu quả tức thì.

Khi mắc bệnh, nhiều người hoang mang và sẵn sàng phó thác sinh mệnh cho những ai gọi là "thầy". Họ thử mọi phương thức, thậm chí là những cách mê tín dị đoan, phi khoa học. Việc tin tưởng vào những người không có chuyên môn y tế có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.

Thực hư câu chuyện chữa bệnh bằng nước

Cách đây không lâu, tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) có một người tự xưng là thầy thuốc có thể chữa bách bệnh, thậm chí là cả bệnh ung thư giai đoạn cuối. Phương thuốc điều trị của người này chỉ bằng uống nước và nhịn ăn. Những người tìm đến chữa bệnh đa phần từ các địa phương khác ngoài Hà Nội.

Không cần thăm khám, cũng không cần hồ sơ bệnh án, với ông gọi là thầy này, người bệnh chỉ cần uống nước mỗi ngày 10 lít, liên tục từ 15-20 ngày, và nhịn ăn trong thời gian này. Đấy là liệu trình chữa ung thư mà người này đưa ra.

Người tự xưng là thầy thuốc (tên Nam) này giới thiệu cái thứ nước mà bệnh nhân uống để chữa bệnh thì phải đến nhà thầy, chỉ nhà thầy mới có! Nhưng thực ra đây là thứ nước được lấy từ máy lọc nước và cho thêm 1 ít muối. Người bệnh uống liên tục 3-4 ca, tương đương khoảng 1 lít rưỡi nước trong 1 buổi sáng. Sau khi uống xong, người bệnh lên máy rung lắc để nước ngấm vào cơ thể. Nếu không có máy rung lắc thì nhảy bật liên tục!

"Thần y" chữa bệnh bằng nước ở huyện Thanh Oai quảng cáo cách chữa của mình.

"Thần y" chữa bệnh bằng nước ở huyện Thanh Oai quảng cáo cách chữa của mình.

Các hình ảnh trước nhà "thầy" Nam cho thấy dòng người tấp nập đi vào rồi đi ra. Trong số đó, có những người đến chữa bệnh, có người thì mang máy lọc nước đến, có người tay đang cầm sẵn ca nước để uống.

Nhìn vào những hình ảnh này, không ai nghĩ rằng cơ sở khám bệnh này đã bị đình chỉ hoạt động. Có những bệnh nhân lặn lội từ xa đến đây, chấp nhận bỏ qua tất cả các phương pháp điều trị bằng y học hiện đại để uống loại nước này.

Một bệnh nhân từng chữa trị ở đây chia sẻ: "Tôi nói tôi bị u gan. Gần 87 rồi, tôi đi chữa khắp nơi mà không khỏi, thôi thì còn nước còn tát thì được tí nào hay tí đấy".

Một người đàn ông bị viêm phế quản mãn tính, sức khỏe yếu cũng đã tìm đến ông Nam để được chữa trị với liệu trình trong 26 ngày. Trong quá trình này, mỗi ngày bệnh nhân uống khoảng 10 lít nước ion kiềm pha muối và không được ăn bất cứ loại thực phẩm nào. Đến để hy vọng chữa được bệnh, kéo dài sự sống, nhưng thực tế bệnh nhân này tăng thêm bệnh, đối diện với tình trạng sức khỏe nguy kịch. Bệnh nhân cho biết: "Có người dẫn em đến đấy thì em cũng ở đấy trong một thời gian. Sau khi uống nước vào, bây giờ chân và tay em bị teo và sút cân đi".

Người nhà bệnh nhân kể: "Thông thường một liệu trình chữa trị khoảng 26 ngày, chỉ uống nước thôi, sau đấy mới được ăn. Mà sau đến 18 ngày không ăn, tôi thấy không ổn, tôi phải gọi gia đình đến cưỡng chế ông ấy về nhà. Ở chỗ đó, tôi thấy khoảng 40-50 bệnh nhân, người thì chạy thận, người thì bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ có nằm ở đấy thôi, mỗi ngày uống khoảng 10 lít nước".

Hình ảnh bệnh nhân tìm "thần y" chữa bệnh.

Hình ảnh bệnh nhân tìm "thần y" chữa bệnh.

Ông Nam đăng tải hàng trăm clip chứng tỏ ông ta chữa khỏi mọi loại bệnh bằng nước kiềm từ chiếc máy, khiến cho hàng trăm lượt bệnh nhân kéo đến chạy chữa.

Bệnh tình không thuyên giảm. Mất công, mất tiền, mất thêm sức khỏe, mất cả niềm tin. Nỗi đau của người này đã trở thành cơ hội làm ăn của kẻ khác. Hệ lụy từ kiểu chữa bệnh kỳ quái này là không hề nhỏ.

Người dân xã Bình Minh cho biết: "Dân chúng tôi đây này, bị ảnh hưởng rất là nhiều, ốm đau bệnh tật đủ cả".

Một người dân khác nói: "Tất cả những người đến đây đều không biết ai bệnh nặng, bệnh nhẹ và có thể lây cho ai. Gia súc gia cầm bị bệnh người ta còn phải cách ly huống chi con người. Đã đau ốm thì đến bệnh viện, không phải lang thang khắp làng xóm như thế".

Hậu quả của việc nghe theo "thần y"

Thực tế hiện nay, thứ dược phẩm được gọi là thuốc y học cổ truyền, các bài thuốc gia truyền hay dân gian tự phát chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, xuất hiện trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh, kiểu như: Điều trị tận gốc, an toàn, cam kết chữa khỏi 100%...

Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn… nhiều người bệnh đã đặt tất cả niềm hy vọng của họ cho các "thần y, thần dược" tự phong.

Các bác sĩ cảnh báo, ai đó nói uống nước ion kiềm có thể thanh lọc cơ thể, chữa bệnh, là không có cơ sở khoa học. Việc uống lượng lớn nước ion kiềm trong thời gian dài có thể để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe.

ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Chỉ uống kiềm, không ăn trong thời gian dài dẫn đến rối loạn về chuyển hóa. Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh nước kiềm chữa bệnh. Dung dịch kiềm khi vào dạ dày bị trung hòa bởi dịch vị dạ dày nên bổ sung kiềm không có tác dụng”.

Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Gia - Phó trưởng Khoa Nội 1 – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: “Bệnh nhân đi điều trị tại các cơ sở không phép, bệnh nhân có thể gặp nhiều nguy hại. Bệnh nhân nghĩ uống nước kiềm vào để kiềm hóa tế bào ung thư là sai lầm vì cơ thể chúng ta cần nước nhưng chỉ uống nước mà không ăn trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, ảnh hương tới sức khỏe, dễ để lại những hậu quả trầm trọng. Những thông tin sai lệch, cơ sở tự xưng như vậy có thể là lừa đảo, chỉ nên đến điều trị tại các cơ sở đã được cấp phép”.

Một bệnh nhân bị suy kiệt sau khi uống nước kiềm chữa bệnh.

Một bệnh nhân bị suy kiệt sau khi uống nước kiềm chữa bệnh.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, tâm lí đó là dễ hiểu. Nhưng người bệnh cần có sự hiểu biết, tỉnh táo khi lựa chọn các phương án điều trị bệnh, để không chọn nhầm, vái nhầm, kết cục tiền mất mà tật vẫn mang, có khi bệnh tật gia tăng.

Mánh khóe trục lợi của các thần y tự phong

Ngày 14/4, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin về ca hóc dị vật hi hữu. Người phụ nữ phát hiện mình nuốt vòng đá có 8 hạt trong lúc ngủ. Chiếc vòng bằng đá có 8 hạt, kích thước chừng 0,5x0,8cm. Khi tỉnh dậy, bà đã cố móc họng để nôn nhưng không thể nôn ra được dị vật.

Bà nghe quảng cáo khi ngậm vòng đá sẽ phát tia, có tác dụng chữa bệnh, chữa viêm họng nên bà thực hiện theo. Khi ngậm vòng, bà ngủ quên, lúc tỉnh dậy mới phát hiện chiếc vòng đã bị trôi xuống họng. Người bệnh ngay lập tức được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tháng 3/2022, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip quảng cáo trong đó giới thiệu một người tự xưng là bác sĩ quân y tên Đặng Công An với bài thuốc chữa dạ dày, khỏi ngay chỉ trong vòng 7 ngày. Thế nhưng thực tế người này không hề biết bốc thuốc chữa bệnh mà chỉ được thuê để đóng vai bác sĩ quân y nhằm trục lợi từ người bệnh. Vậy ai là người đứng đằng sau những chiêu trò truyền thông sai sự thật này?

Dù không có bằng cấp chuyên môn nhưng một người đàn ông tại huyện Mỹ Đức đã tự phong lương y có thể chữa bách bệnh, kiếm nhiều tỉ đồng chỉ sau 6 - 7 năm hành nghề lương y giả. Thực tế, thần dược là bã thuốc được nhập trái phép từ Trung Quốc, thuốc giảm đau và cả loại kháng sinh mạnh dùng trong chăn nuôi của Trung Quốc để đun thành thứ thuốc gọi là thảo dược. Hầu hết bệnh nhân uống thuốc của nhóm tự xưng là lương y không những không khỏi bệnh mà còn thấy người mệt hơn.

Các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội để quảng cáo thuốc, cách chữa bệnh.

Các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội để quảng cáo thuốc, cách chữa bệnh.

Năm 2023, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện. Các đối tượng này lập nên các trang mạng giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị các bệnh nội tiết nhằm trục lợi từ người bệnh.

Theo các chuyên gia, hiện nay người dân sử dụng mạng xã hội, Internet khá phổ biến. Bất kỳ một loại hình dịch vụ nào bao gồm cả khám, chữa bệnh họ đều tìm trên mạng. Nắm bắt được nhu cầu này, các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội được đa số người dân sử dụng như TikTok, YouTube...

Để dễ đánh lừa lòng tin của người dân, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi, khiến nhiều người bệnh mắc lừa, chủ yếu là người già. Để không trở thành nạn nhân, chuyên gia khuyên muốn khám chữa bệnh phải đến bệnh viện lớn có chuyên khoa, nếu tìm đến phòng khám tư phải tìm hiểu thật kỹ về phòng khám này, bằng cấp, chứng chỉ người thăm khám. Việc các thầy lang tự phong quảng cáo quá khả năng của mình là một điều rất nguy hiểm cho người dân vì đã làm mất cơ hội điều trị tích cực khác.

Những người có bệnh thì cần tỉnh táo để không bị rơi vào các bẫy nhiều khi do chính mình tự dẫn mình vào. "Vái tứ phương" cũng cần tỉnh táo tìm phương để vái, đó phải là các cơ sở y tế được cơ quan nhà nước cấp phép và các biện pháp chữa bệnh phải được chứng minh trên cơ sở khoa học, thay vì dựa vào đồn thổi và rỉ tai.

Phan Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/co-benh-ma-vai-nham-phuong-269641.htm