'Cò' bệnh viện: Vì sao cảnh báo nhiều vẫn rầm rộ?

Vì sao tình trạng 'cò mồi' hoạt động ngoài cổng bệnh viện vẫn tồn tại dai dẳng? Vì sao vẫn có nhiều người dân nhẹ dạ bị lừa? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Người mặc áo blouse bên ngoài, tự xưng là nhân viên BV đều là giả mạo.

Theo PGS. Cường, tình trạng cò mồi trước cổng BV Phụ sản Trung ương đã có từ rất lâu, tuy nhiên khu vực bên ngoài cổng BV không thuộc quản lý của BV nên mặc dù biết nhưng BV cũng không thể can thiệp.

Để cảnh báo cho người dân, tại các cổng của BV đã có loa thông báo hàng ngày: BV khám chữa bệnh tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Để tránh bị lừa đảo, mua thuốc giả người dân đến thăm khám không nghe các đối tượng người lạ, cò mồi kể cả những người mặc đồng phục bên ngoài cổng bệnh viện.

Người dân đến khám cần hết sức cảnh giác, BV không có bất cứ một nhân viên nào bên ngoài BV, các đối tượng mặc đồng phục tự xưng là nhân viên của BV đều là giả mạọ. Người dân đến thăm khám phải cẩn trọng với những đối tượng này. Khi đến viện thăm khám, mọi người đi thẳng vào bên trong BV sẽ có các nhân viên y tế hướng dẫn.

"Về vị bác sĩ H. có địa chỉ khám ở Giải Phóng có đúng là nhân viên BV Phụ sản Trung ương không, hiện chúng tôi chưa thể xác định vì nhân lực của BV rất đông. BV đang tiến hành xác minh' - ông Cường thông tin.

Người dân có nhu cầu đến BV Phụ sản Trung ương, ngay ở bãi gửi xe bên ngoài đã có người "ve vãn" sẵn sàng mời chào. Trong ảnh người phụ nữ đội mũ bám riết lấy phóng viên từ khi gửi xe vào điểm trông xe

Người dân có nhu cầu đến BV Phụ sản Trung ương, ngay ở bãi gửi xe bên ngoài đã có người "ve vãn" sẵn sàng mời chào. Trong ảnh người phụ nữ đội mũ bám riết lấy phóng viên từ khi gửi xe vào điểm trông xe

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, Quận Hoàn Kiếm: Gần như không có "cò" tại cổng BV phía đường Tràng Thi.

Đường Tràng Thi, đoạn cổng BV Việt Đức và BV Phụ sản Trung ương là tuyến đường thuộc phường Hàng Bông quản lý. Đường này có nhiều cơ quan trung ương đóng, việc đảm bảo trật tự và giảm tải giao thông tại tuyến đường trọng điểm này luôn được quận và phường quan tâm.

Phòng CSGT, công an quận… đã làm việc với BV Phụ sản Trung ương để phân luồng giao thông tại tuyến đường Tràng Thi. Người dân khi đến BV thăm, khám thường đi vào các cổng bên phố Triệu Quốc Đạt và Hai Bà Trưng, còn cổng phía đường Tràng Thi chỉ dành cho các trường hợp cấp cứu.

Bởi vậy, có thể nói vấn nạn "cò" chủ yếu hoạt động tại các cổng bên phía Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt còn tại cổng bên phía đường Tràng Thi là gần như không có. Vì đây là cổng thường xuất hiện lực lượng chức năng và là cổng chuyên dành cho cấp cứu.

"Cò mồi" ngoài cổng bệnh viện rất phức tạp. Lực lượng của quận, công an phường, thanh tra giao thông… đã ra quân xử lý nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, "cò" là khái niệm để chỉ người làm môi giới, họ cũng ăn mặc như người bình thường nên việc họ trà trộn, lén lút hoạt động mình cũng không thể nói trước được.

BV nằm trên địa bàn giáp ranh nên để giải quyết vấn nạn "cò" cần có sự tập hợp các lực lượng của quận, thống nhất cùng ra quân. Không phải lúc nào quận cũng ra quân liên tục được.

Bởi vậy, để thực hiện nhiệm vụ chung, giữa ba phường (Hàng Trống, Hàng Bông, Trần Hưng Đạo) cần thường xuyên có trao đổi, phối hợp. Hiện nay, lực lượng chức năng của 3 phường cũng thường xuyên phối hợp, tuần 2 lần, cùng ra quân đảm bảo trật tự, an ninh tại các khu vực cổng BV.

Đại diện lãnh đạo Công an Phường Trần Hưng Đạo - Quận Hoàn Kiếm: Khó xử lý vì chưa có chế tài răn đe.

Cách đây 7 – 8 năm, Công an Hà Nội đã có chuyên đề liên quan đến việc bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, trong đó có vấn nạn "cò" hoành hành. Căn cứ vào đây để công an quận và công an các phường (có bệnh viện trên địa bàn) xây dựng kế hoạch triển khai công tác này.

Người phụ nữ áo đen liên tục "chèo kéo" người dân đến thăm khám tại khu vực khám bệnh theo yêu cầu (BV Phụ sản Trung ương) ra các phòng khám tư.

Người phụ nữ áo đen liên tục "chèo kéo" người dân đến thăm khám tại khu vực khám bệnh theo yêu cầu (BV Phụ sản Trung ương) ra các phòng khám tư.

Tình trạng "cò" năm nào chúng tôi cũng tiến hành tổ chức "quét và vét" và đã xử lý được rất nhiều trường hợp. Nhưng ở đây có cái khó là chúng tôi vướng vào "chế tài xử lý".

Để chứng minh họ vi phạm cũng rất khó vì họ hoạt động lén lút. Khi thấy lực lượng công an, họ lại ngồi đấy uống nước hay chống chế, nói đưa người nhà đi khám… nên để xử lý được một trường hợp phải có quá trình theo dõi, thu thập đủ chứng cứ mới có thể xử lý.

Khi đưa về trụ sở không có chế tài xử lý đối với việc "cò mồi". Trước đây, đa số chúng tôi phải xử lý theo hình thức "không mang chứng minh thư" và gần đây là xử lý theo hành vi "gây rối trật tự" với mức phạt chỉ 200.000 đồng/trường hợp. Và với mức xử phạt chỉ như vậy là chưa có tính răn đe nên tình trạng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Mặt khác, hiện nay tình trạng "cò bệnh viện" vẫn có đất sống một phần cũng có lỗi của bệnh nhân. Tại BV đã có thông báo và loa tuyên truyền thường xuyên nhưng không ít người bệnh, đặc biệt những người ngoại tỉnh vẫn lơ là, chủ quan và dễ dàng bị các "cò" dẫn dụ…

Tuyên truyền nhiều rồi, nhắc nhở cũng nhiều rồi nhưng chưa thực sự hiệu quả. Bởi vậy để xử lý tình trạng "cò bệnh viện" phải có chế tài đối với hành vi "cò mồi" cụ thể và tăng mức xử phạt đủ răn đe như lĩnh vực xử phạt giao thông mới mong tình trạng này thuyên giảm.

Video có thể bạn quan tâm:

Nhóm PV Ban Bạn đọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//co-moi-benh-vien-vi-sao-canh-bao-nhieu-van-ram-ro-169220329082255193.htm